Tại sao nhiều người Nhật làm việc đến chết?
Tình trạng chết vì việc (karoshi) ở Nhật, cứ 4 công ty Nhật thì có 1 công ty thừa nhận rằng nhân viên của họ làm việc thêm đến hơn 80 tiếng mỗi tháng.
- 11-10-2016Vứt rác văn minh, người Nhật tạo ra ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ USD cho đất nước
- 03-10-2016Nobel Y học về tay người Nhật
- 31-08-2016Hikikomori: Chuyện ít biết về những người Nhật bên lề xã hội
- 29-07-2016Người Nhật giàu nhưng vô cùng tiết kiệm, ngành kinh doanh đồ secondhand của họ trị giá hàng tỷ USD
Đi qua các ga tàu điện ngầm ở Nhật, người ta thỉnh thoảng lại thấy có những người nói lảm nhảm, hoặc đi loanh quanh vô định với đôi mắt vô thần. Thông thường sau một tuần làm việc người ta cũng cần phải được nghỉ ngơi nhưng những người này thường đã trải qua khoảng thời gian quá dài làm việc không được nghỉ ngơi dẫn đến họ buồn chán, trầm cảm rồi muốn tự tử.
Tháng 12/2015, dư luận Nhật chấn động với thông tin nhân viên nữ của Dentsu, một công ty quảng cáo lớn tại Nhật, đã tự tử vì áp lực công việc. Ban đầu đã có nhiều đồn đoán về việc cô Matsuri Takahashi, 24 tuổi, vì quá căng thẳng nên tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên khi đó, cảnh sát đã bác bỏ mọi thông tin như trên.
Cuối cùng, dưới áp lực của dư luận và từ phía gia đình cô gái, cảnh sát cũng xác nhận cô tự tử vì công việc quá căng thẳng. Cô bắt đầu làm việc tại Dentsu từ tháng 4/2015. Sau khoảng thời gian nỗ lực hết mình vì công việc, cô cũng đã trở thành nhân viên chính thức từ tháng 10/2015.
Sau đó, cô còn cố gắng hơn nhiều nữa. Trong 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12 cho đến trước khi tự tử, cô làm thêm giờ mỗi tháng 70 tiếng, cao hơn rất nhiều so với quy định của chính phủ Nhật.
Nhưng cũng chính từ thời điểm bắt đầu trở thành nhân viên chính thức, cô Takahashi bắt đầu ghi trên tài khoản mạng xã hội Twitter về ý định muốn tự tử. Ngày 25/12/2015, cô đã nhảy từ tầng cao trong khu nhà ở của công ty xuống đất để tự kết liễu cuộc đời mình.
Cũng theo điều tra của cảnh sát, cô bắt đầu có triệu chứng của bệnh trầm cảm từ khoảng đầu tháng 11. Trong thời gian đó, cô vẫn làm thêm giờ đến 105 tiếng/tháng. Gia đình cô đã phải đấu tranh trong khoảng thời gian khá dài để cái chết của con gái họ được thừa nhận là do áp lực công việc.
Trong buổi họp báo duy nhất và cuối cùng về cái chết của con gái, bà Yukimi Takahashi đã giàn giụa nước mắt nói với phóng viên: “Cuối cùng, nguyên nhân thực sự về cái chết của con gái tôi cũng đã được người ta thừa nhận, nhưng cháu sẽ không bao giờ có thể trở về nhà được nữa.”
Bà kêu gọi người đứng đầu các doanh nghiệp Nhật hãy ứng xử với người lao động một cách có lương tâm để không còn ai phải chết tức tưởi như con gái bà nữa.
Kết quả các cuộc điều tra mới nhất đối với công ty quảng cáo Dentsu cho thấy có lẽ việc làm thêm giờ đã trở thành điều bình thường ở công ty này trong suốt một thời gian dài và không có dấu hiệu gì cho thấy điều đó sẽ sớm thay đổi. Nhiều nhân viên của Dentsu bí mật tiết lộ ít nhất họ bị buộc phải làm thêm giờ khoảng 50 tiếng/tháng.
Một nhân viên đã làm việc khoảng 6 năm tại Dentsu cho biết: “Việc tôi phải làm đến nửa đêm đã trở thành điều bình thường. Thậm chí nó bình thường đến nỗi mà tôi không bao giờ nghĩ điều đó là bất thường, cho đến khi cảnh sát đến điều tra công ty.”
Nhân viên khác chưa đến 40 tuổi của Dentsu cũng thốt lên sợ hãi với lịch trình làm việc của công ty: “Trong suốt 3 tháng qua, tôi đã làm thêm giờ hơn 100 tiếng/tháng.”
Cũng theo hồ sơ cảnh sát, vào năm 1991, từng có nhân viên nam 24 tuổi của Dentsu tự tử vì áp lực công việc. Sau những cuộc điều tra mới đây, Dentsu đã buộc phải ký cam kết về việc họ sẽ giới hạn thời gian làm thêm giờ của nhân viên tối đa ở mức 50 tiếng/tháng.
Theo kết quả công bố mới nhất về tình trạng chết vì việc (karoshi) ở Nhật, cứ 4 công ty Nhật thì có 1 công ty thừa nhận rằng nhân viên của họ làm việc thêm đến hơn 80 tiếng mỗi tháng.
Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.743 doanh nghiệp Nhật trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2015 đến hết tháng 1 năm 2016, có khoảng 10,8% công ty cho biết nhân viên của họ làm thêm từ 80 đến 100 giờ mỗi tháng. 11,9% công ty cho biết nhân viên của họ làm thêm hơn 100 giờ. Khảo sát được thực hiện với những công ty có quy mô nhân viên khoảng từ 10 nghìn đến 20 nghìn.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi chính phủ Nhật với mục tiêu tìm ra biện pháp để giảm thiểu tình trạng karoshi. Luật ban hành để giảm karoshi đã chính thức có hiệu lực vào tháng 11/2014.
Thống kê so sánh giữa các ngành nghề tại Nhật cho thấy những người làm việc trong ngành công nghệ thông tin chịu áp lực công việc nặng nề nhất. 44,4% công ty IT cho biết nhân viên của họ làm thêm giờ đến hơn 80 tiếng mỗi tháng. Những người làm công việc nghiên cứu và kỹ thuật cũng cho biết họ phải làm thêm giờ rất nhiều. Gần 40% người làm việc trong ngành giao thông vận tải và bưu chính cho biết họ rất mệt mỏi với làm thêm giờ.
Trong năm tài khóa 2015, chính phủ Nhật đã chính thức thừa nhận có khoảng 96 người Nhật chết vì đột quỵ và đau tim bởi các nguyên nhân liên quan đến làm việc quá căng thẳng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại rằng con số thực tế còn cao hơn như thế nhiều. Theo số liệu từ cảnh sát Nhật, trong năm 2015, có đến 2.159 người tự tử vì việc.
Bà Emiko Teranishi năm nay 67 tuổi, bà đang là chủ tịch của mạng lưới những gia đình Nhật có người chết vì công việc. Bà tuyên bố bà đánh giá cao báo cáo về tình trạng karoshi mới nhất mà chính phủ công bố.
Tuy nhiên bà khẳng định công bố số liệu chưa đủ, chính phủ cần phải hành động quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng bóc lột tại các công ty, cũng như cần phải áp chế tài phạt mạnh tay hơn đối với các công ty vi phạm.
20 năm trước, chồng bà Teranishi đã tự tử vì áp lực công việc. Trong cương vị quản lý nhà hàng mì soba tại Kyoto, chồng bà đã vì công việc quá căng thẳng mà bị mất ngủ, sau đó ông bị trầm cảm. Suy thoái kinh tế xảy ra, doanh số bán hàng giảm, gánh nặng công việc và áp lực doanh số bán hàng lên quá cao.
Ông lại càng cố gắng nhiều hơn nữa. Công ty ông thừa biết điều đó bởi họ quản lý cực kỳ chặt chẽ giờ đi giờ về của nhân viên, nên họ thừa hiểu ông đã làm việc khổ sở đến như thế nào. Mỗi năm ông làm việc đến 4 nghìn tiếng, tức khoảng 15 tiếng/ngày. Nhưng họ đã mặc kệ cho điều đó xảy ra. Cuối cùng ông trầm cảm nặng hơn và đã nhảy tàu tự tử.
Trí thức trẻ/CafeBiz