Tại sao NHNN rút bớt tiền ra khỏi hệ thống?
Thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp hơn trong quý III với biểu hiện dễ thấy là sự tăng cao của lãi suất liên ngân hàng, sau đó dẫn truyền sang lãi suất trên thị trường 1.
Khác với quý II, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong quý III đã trở nên eo hẹp hơn do tăng trưởng tín dụng đã cao hơn so với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/09/2018, tín dụng đã tăng 9,52% so với cuối năm 2017 trong khi tổng phương tiện thanh toán M2 mới tăng 8,74%. Diễn biến này khiến cho chênh lệch giữa phần tăng thêm của M2 và phần tăng thêm của tín dụng chỉ còn 96 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 9, thay cho mức 238 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.
Do tiền trong hệ thống không còn quá dư thừa, thanh khoản hệ thống đã bị ảnh hưởng đáng kể. Biểu hiện rõ rệt nhất là sự tăng cao của lãi suất liên ngân hàng, liên tục duy trì quanh mức 4%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.
Chứng khoán Bảo Việt BVSC cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến NHNN chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, khiến M2 tăng trưởng chậm lại. Thứ nhất, NHNN định hướng thực thi chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng mạnh. Thứ hai, là giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Khi cung không còn quá dư thừa, tiền Đồng sẽ lên giá trở lại so với USD. Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng neo ở mức cao (trên 4%) khiến chi phí vay tiền đồng tăng, qua đó giúp giảm bớt hiện tượng đầu cơ USD trong hệ thống ngân hàng.
Những căng thằng trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu dẫn truyền sang thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư). Điển hình như các ngân hàng Bản Việt, SHB, Techcombank, Vietbank... đã điều chỉnh biểu lãi suất với mức điều chỉnh từ 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn. Trong quý III, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay hầu như không biến động trong quý.
Trong thời gian tới, các chuyên gia BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm, tuy nhiên mức tăng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều (dưới 0,5%). Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng cuối năm sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm (room tăng trưởng tín dụng cho năm nay chỉ là 15% trong khi đa phần các ngân hàng đã dùng hết 2/3 hạn mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm). Việc tăng lãi suất có thể cũng sẽ tập trung ở các kỳ hạn dài khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019.