"Tại sao quý vị lại có thể hỏi nhiều đến vậy?": Bài viết của một ông bố "nhắm thẳng" vào phụ huynh có con học mầm non khiến dư luận "dậy sóng"
"Tôi chỉ muốn hỏi một câu thôi: Vì sao quý vị lại đòi hỏi nhiều đến thế hỡi những bậc phụ huynh đáng kính?"
- 21-04-2021Nữ danh hài "Gặp nhau cuối tuần": Thừa nhận mình giàu trên sóng truyền hình, lên TV hài hước, về nhà dạy con theo quy tắc bất ngờ
- 17-04-2021Nữ quán quân Olympia mùa 1: "Biến mất" sau khi đạt thành tích cực khủng ở Úc, chỉ một vài bức ảnh rò rỉ cũng thấy khéo dạy con
- 15-04-2021Cách tỷ phú Warren Buffett dạy con khiến nhiều người phải suy ngẫm: Đừng mơ mộng trở thành “ông to bà lớn” khi bạn chưa làm được điều này
Mới đây, bài viết của một ông bố có con 2,5 tuổi ở Hà Nội về những "yêu sách" của phụ huynh dành cho giáo viên mầm non, đặc biệt giáo viên "ở các trường mầm non tư nhân có học phí thấp" khiến dân tình nổ ra những tranh cãi gay gắt.
Người viết thì cho rằng, mục đích của mình là muốn giáo viên mầm non biết rằng họ không đơn độc, có phụ huynh này phụ huynh kia. Tuy nhiên, những quan điểm được đưa ra trong bài đã bùng nổ một cuộc tranh luận với những quan điểm trái chiều.
Nguyên văn bài viết gây sóng gió như sau:
Tôi chỉ muốn hỏi một câu thôi: Vì sao quý vị lại đòi hỏi nhiều đến thế hỡi những bậc phụ huynh đáng kính?
Không chụp ảnh các con thì các vị nói là sao không chụp ảnh, chụp ảnh các con thì các vị lại nói là mất thời gian, rằng là các cô làm vậy chỉ để quảng cáo cho trường. Chụp ảnh xấu thì các vị nói là lớp học không đẹp không gọn gàng, chụp ảnh đẹp thì các vị kêu cô chỉ tập trung dàn dựng chụp ảnh.
Không viết nhận xét hàng ngày thì các vị trách các cô không làm hết trách nhiệm, viết nhận xét hàng ngày thì các vị nói các cô bày vẽ làm gì để thời gian làm việc khác tốt hơn.
Ở nhà con ngã sứt đầu mẻ trán thì chẳng sao nhưng đến lớp với cô chỉ cần một vết xước nhỏ xíu là cũng đùng đùng kéo đến không tiếc lời sỉ vả các cô.
Bài viết gây bão của ông bố ở Hà Nội.
Con đi học học được rất nhiều thứ thì các vị lại nghĩ là hiển nhiên, các vị quay video khen con nói được tiếng Anh hát được bài hát mới mà không nghĩ đến nỗ lực bền bỉ ngày này qua tháng khác của các cô để mang đến những điều tốt nhất cho con. Chỉ cần một ngày không đúng ý các vị là các vị làm loạn hết lên.
Bao nhiêu áp lực cả ngày cả tuần cả tháng cả năm chồng chất để làm vừa lòng các vị, bỏ bê cả gia đình con cái của mình để chăm sóc con của các vị, để chiều lòng các vị mà phải gửi con mình cho hàng xóm để tổ chức họp phụ huynh ngay khi các vị cần, nhưng họp xong không một lời "yêu cô, cảm ơn vì đã chia sẻ, vì đã hiểu", mà về nhà còn lập hội nhóm nói riêng với nhau với những lời lẽ quá đáng.
"Xin hãy xem camera bằng một đôi mắt yêu thương, xin hãy nói chuyện với giáo viên bằng sự chân thành". (Ảnh minh họa)
Một tháng không tính tiền ăn các vị chỉ phải trả 1 triệu rưỡi tiền học phí, các vị có tính ra một ngày là bao nhiêu tiền không? Chỉ bằng tiền uống trà sữa của các vị thôi. Lương giáo viên của con các vị chỉ bằng lương của nhân viên chạy bàn ở cửa hàng thức ăn nhanh.
Quý vị có bao giờ phẫn uất vì lương của mình thấp hơn giá trị mình bỏ ra và muốn nghỉ việc không? Quý vị ngồi văn phòng, dăm ba áp lực đã thấy là mình vất vả lắm, thỉnh thoảng cho mình bỏ trốn vài tiếng trong giờ hoặc cả ngày để cảm thấy thoải mái và thấy thế là hãnh diện lắm. Còn người đang chăm con của quý vị 6 ngày một tuần từ thứ 2 đến thứ 7, có bao giờ quý vị cho họ vài tiếng mặc kệ con quý vị, hay là sẵn lòng nghỉ ở nhà chăm con 1 ngày để cho giáo viên được "đi trốn" không ạ? Không hề.
Quý vị có bao giờ có một ngày mệt mỏi đến nỗi không cả muốn cầm quyển truyện đọc cho con quí vị trước giờ đi ngủ dù nó năn nỉ quý vị chưa? Quý vị có bao giờ mặc kệ con khóc lóc quấy quả vì vừa mới khỏi ốm vẫn thả con ở trường để đi làm chưa? Có chứ.
Nhưng quý vị đã làm gì?
Quý vị làm cho họ dù yêu thương bọn trẻ đến đâu cũng muốn từ bỏ vì những áp lực chồng chất. Quý vị sẽ làm cho những người mà đáng ra mình phải mang ơn cảm thấy tổn thương đến mức mỗi sáng thức dậy ý nghĩ đầu tiên là có nên bỏ nghề hay không. Có phải quý vị đang mong chờ những người ăn bữa cơm trưa trộn những hạt nước mắt lã tã rơi vì nghĩ về cái nghề của mình bạc bẽo sẽ phải luôn mang lại niềm vui và tiếng cười cho con mình?
Tôi chỉ mong quý vị hãy đủ hiểu biết và biết ơn để đừng vô tình trở thành người độc ác. Xin hãy xem camera bằng một đôi mắt yêu thương, xin hãy nói chuyện với giáo viên bằng sự chân thành.
"Nếu chọn thì bạn phải chấp nhận"
Bài viết của ông bố này ngay lập tức nhận về bão "comment" với hàng trăm bình luận trái chiều. Ngoài sự đồng tình, khá nhiều ý kiến nhận xét người viết bài này đang dùng lời lẽ hằn học để suy diễn phiến diện, một chiều bởi "quy" tất cả phụ huynh đều là "kẻ soi mói" không hiểu chuyện, còn giáo viên luôn ở thế "chịu đựng, bị động".
Luồng ý kiến này cho rằng, ai cũng biết nghề mầm non vất vả thế nào, cần nhất sự kiên nhẫn, yêu trẻ. Tuy nhiên nếu chọn thì bạn phải chấp nhận. "Phụ huynh không đòi hỏi các cô phải làm thánh nhân, chỉ mong các cô làm đúng đạo đức nghề nghiệp đã được học trong trường sư phạm, vậy là chúng tôi yên tâm rồi. Xã hội phân công mỗi ngành mỗi nghề, ai ai cố gắng làm tốt công việc của người đấy thì xã hội mới tốt đẹp lên được", một người nhận xét.
Bên cạnh đó, theo những phụ huynh này, xét ở khía cạnh kinh doanh, nhà trường kinh doanh giáo dục, phụ huynh là khách hàng, phụ huynh có quyền đòi hỏi. Đây là chuyện hết sức bình thường. Hơn nữa không phải phụ huynh nào cũng chọn cách cư xử gay gắt, và tiền trả nhiều hay ít không liên quan đến chuyện bố mẹ mong muốn con cái được đối xử hòa nhã, tốt đẹp.
"Xét ở khía cạnh kinh doanh, nhà trường kinh doanh giáo dục, phụ huynh là khách hàng, phụ huynh có quyền đòi hỏi".
"Bạn đi bán hàng có cấm được khách hàng của bạn đưa yêu cầu không bạn? Hay bạn bán hàng không cần biết nhu cầu của người mua? Nếu giáo viên nào cũng có suy nghĩ tôi đã vất vả chăm sóc các con cả ngày rồi, không chịu tiếp thu ý kiến của phụ huynh, không tự chủ động quan sát hành vi của trẻ, không tự mò mẫm học hỏi thêm để nâng cao chuyên môn, học cách ứng xử với trẻ ngày một tốt hơn thì giáo dục mầm non sẽ đi đến đâu".
Dù vậy, một số phụ huynh cũng thấy đồng cảm với suy nghĩ của ông bố này. Có người kể chuyện cho con đi học trường tư đắt tiền và thấy hiện tượng một số phụ huynh đòi hỏi ở các cô những thứ vô lý, rồi quy chụp các cô lấy đồ của con mà không tìm hiểu, xong lúc sau tìm lại được thì không có cả lời xin lỗi.
"Camera thì theo dõi liên tục, không hiểu phụ huynh đó có đi làm không mà nhất cứ nhất động đều chụp lại, mình đi làm bận nên chỉ xem cam để biết đã có ai đón con về hay chưa thôi về nhà thấy con vui vẻ, yêu cô yêu bạn là biết ở lớp các cô chăm sóc con như thế nào. Tuy vậy, bạn có thể viết nhẹ nhàng hơn mà, mục đích thì rất tốt, quan điểm mình cũng đồng tình, chỉ là không nên vì muốn thể hiện quan điểm thông cảm cho bên này mà vùi dập bên kia".
Có phụ huynh cho rằng bài viết này đúng nhưng nó chỉ đúng ở một phía nếu cô giáo là người có tâm: "Nghề nào cũng có rủi ro nghề nghiệp, nghề nào cũng có áp lực hết. Phụ huynh cũng phải đóng tiền để gửi cô, lương thì là do nhà trường quyết định và cũng là sự lựa chọn của cô ngay từ đầu nên không thể đổ lương thấp mà áp lực được.
Nên xét cho cùng đã là công việc của mình thì phải có trách nhiệm mà làm tới cùng. Mối quan hệ giáo viên và phụ huynh cần được xây dựng trên cơ sở thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau, không phải từ phía nọ chỉ trích phía kia đầy tiêu cực như thế này", một phụ huynh bày tỏ.
Hiện vụ việc vẫn gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Pháp luật và Bạn đọc