MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tại sao sau 20 năm vẫn tiếp tục nói về cải cách thể chế?" và câu trả từ những chuyên gia kinh tế hàng đầu

"Cải cách thể chế là quá trình liên tục vì thế giới luôn thay đổi, Việt Nam cũng luôn luôn thay đổi. Chúng ta không thể dừng lại được nếu không muồn bị lùi lại phía sau", TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nói.

Cải cách thể chế đã trở thành một trụ cột trong ưu tiên phát triển và trong chiến lược của Việt Nam trong 20 năm nay. Vấn đề này cũng liên tục được đặt lên bàn nghị sự. Chính vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao sau 20 năm, Việt Nam vẫn tiếp tục nói về thể chế?".

Giải thích cho vấn đề này, ông Tự Anh nói rằng dù những cải cách mà Việt Nam đã đạt được có thành tựu nhất định nhưng không thể "lờ" đi những mặt khiếm khuyết, chưa đạt được kỳ vọng.

Mặt khác, cải cách thể chế là quá trình liên tục khi mà thế giới luôn thay đổi, Việt Nam cũng luôn thay đổi. "Vì thế chúng ta không thể dừng lại quá trình cải cách nếu không muốn bị lùi lại phía sau", ông nhấn mạnh.

TS. David Dollar, nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings Hoa Kỳ, từng có mặt ở Việt Nam giai đoạn 1989 – 1994 nói rằng ông bị ấn tượng bởi sự thoát nghèo của Việt Nam. Nếu trong lần khảo sát về mức sống hộ gia đình Việt Nam, 53% dân số sống trong mức nghèo cùng cực thì đến năm 2016, tỷ lệ này đã giảm chỉ còn 2%.

Điều tích cực, theo quan sát của ông Dollar là so với các nước khác, pháp quyền của Việt Nam tương đối tốt so với các nước trong khu vực. Cho rằng có mối tương quan giữa pháp quyền và thu nhập đầu người, ông Dollar nhận định Việt Nam nổi bật khi có pháp quyền tốt hơn so với thu nhập, cạnh tranh được với những nước có GDP đầu người tương đương.

Nhờ vậy, nền kinh tế hơn 90 triệu dân dễ dàng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm...Việt Nam cũng dần tham gia vào chuỗi cung ứng có chiều sâu, vươn lên trong nấc thang giá trị toàn cầu.

Nhưng dù FDI được đánh giá là tương đối dồi dào thì nguồn vốn trong nước bị xem là thấp, khối tư nhân chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, việc xuất khẩu của nền kinh tế này được ông Dollar chỉ ra là còn phụ thuộc nhiều vào FDI.

"Chính phủ phải đưa ra quyết định dựa trên hiện thực này. Chúng ta cần tạo sân chơi công bằng, loại bỏ điểm nghẽn ngăn chặn tư nhân phát triển", ông nói và nhấn mạnh rằng rằng khu vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không,... phải được mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư. Đây là một công thức chung đang được các nước phát triển áp dụng nhằm tăng năng suất.

Mọi thứ đang diễn biến nhanh chóng, vị chuyên gia này nhấn mạnh, đặc biệt trong khi GDP đầu người của Việt Nam đã tăng lên đòi hỏi phần thể chế chung cần được cải cách hơn nữa. "Ngay cả Mỹ, Nhật cũng phải cải cách nếu không muốn bị tụt hậu".

Cho rằng tự do hoá tài chính là một xu thế tất yếu nhưng ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính của World Bank Việt Nam cũng thừa nhận đây là một vấn đề "đau đầu" của những nhà hoạch định trong bối cảnh bất ổn hiện nay.

Các cuộc khủng hoảng trong nhiều năm trở lại đây buộc rằng các nền kinh tế phải tìm ra được giải pháp để trụ vững trước những cú sốc bên ngoài. "Để làm được điều đó, cần chuẩn bị lượng dự trữ, nội lực để đối mặt. Các chính sách cần có tính linh hoạt, cơ chế đúng về giá cả", ông Alwaleed Alatabani lưu ý.

Đối với Việt Nam, tương tự các chuyên gia khác, ông Alwaleed Alatabani đánh giá cao lượng tiền ngoại đổ vào nền kinh tế 96 triệu dâu. Tuy nhiên, ông chỉ rõ dòng vốn này không phải lúc nào cũng ổn định. "Nó sẽ chỉ ổn định hơn luồng vốn đầu tư gián tiếp. Vốn vào thị trường chứng khoán nhiều hơn cũng cần sự chú ý của cơ quan quản lý", ông nói và nhấn mạnh rằng: "Vốn vào thị trường luôn luôn cần thiết nhưng phải thật tỉnh táo".

An Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên