MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao sống ở Thanh Hóa, Cà Mau, Cần Thơ... ngày càng đắt đỏ?

Tại sao sống ở Thanh Hóa, Cà Mau, Cần Thơ... ngày càng đắt đỏ?

Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2020, một số địa phương như Thanh Hóa, Cà Mau, Đồng Nai, Cần Thơ có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2020 so với năm 2019 khá cao (từ 8-10 bậc).

So với năm 2019, năm 2020 có 29 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 28 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 6 địa phương không biến động. Trong đó các tỉnh biến động nhiều nhất (tăng/giảm từ 8-11 bậc) là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Yên Bái, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Cần Thơ, Bình Thuận, Đồng Nai, Thái Bình, theo Tổng cục Thống kê. 

Một số địa phương năm 2020 giảm mức giá đắt đỏ hơn năm 2019 từ 6 đến 11 bậc như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lạng Sơn, Gia Lai, Tây Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Khánh Hòa và Phú Thọ, chủ yếu rẻ hơn ở nhóm hàng thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, văn hóa, giải trí và du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác. 

Trong đó, Hà Tĩnh và Quảng trị có chỉ số SCOLI năm 2020 thay đổi biên độ lớn nhất cả nước, giảm mức “đắt đỏ” xuống 11 bậc so với năm 2019 (trong năm 2019 xếp vị trí lần lượt là 24 và 41, đến năm 2020 giảm xuống vị trí 35 và 52) chủ yếu do giá thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng thấp hơn so với các tỉnh khác. Thừa Thiên-Huế năm 2019 ở vị trí thứ 6 nhưng đến năm 2020 xếp ở vị trí thứ 14. Nguyên nhân chính địa phương này có sự thay đổi vị trí giảm mức độ “đắt đỏ” chủ yếu do nhà ở thuê và văn hóa, thể thao và du lịch có mức giá giảm nhiều trong năm 2020 do nhu cầu giảm. 

Yên Bái có mức đắt đỏ năm 2020 giảm 9 bậc so với năm 2019 chủ yếu do nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 13,88%; nhóm giao thông giảm 9,41%. Gia Lai giảm 7 bậc chủ yếu ở nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 4,04% so với năm 2019, các nhóm hàng khác biến động ít hơn địa phương khác. Lạng Sơn giảm 7 bậc do nhóm giao thông giảm 9,27%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 4,12% so với năm 2019. 

Một số địa phương như Thanh Hóa, Cà Mau, Đồng Nai, Cần Thơ có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2020 so với năm 2019 khá cao (từ 8-10 bậc). Thanh Hóa từ vị trí thứ 56 trong năm 2019 lên vị trí thứ 46 trong năm 2020 do giá lương thực tăng 12,63% so với năm 2019, giá thực phẩm tăng 15,39%, dịch vụ y tế tăng 1,97% và dịch vụ giáo dục tăng 3,87%. 

Cà Mau từ vị trí 50 trong năm 2019 lên vị trí 41 trong năm 2020 do nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 5,16% so với năm 2019 và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,22%. Đồng Nai từ vị trí 42 trong năm 2019 lên ví trí 34 trong năm 2020 do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,52% so với năm 2019, nhóm dịch vụ giáo dục tăng 5,27%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,34%. Cần Thơ tăng từ vị trí 29 trong năm 2019 lên vị trí 21 trong năm 2020 do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,75% so với năm 2019, dịch vụ giáo dục tăng 3,24%. 

Mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2020 ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi liên tục và phức tạp trước diễn biến của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời đưa ra một loạt các giải pháp và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ đảm bảo hài hòa các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát năm 2020 ở mức 3,23%, dưới mục tiêu 4% do Quốc hội đặt ra. 

Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương ít biến động. Do vậy, vị trí xếp hạng chỉ số SCOLI năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thay đổi nhiều so với năm 2019.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên