Tại sao sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới là mối đe doạ kinh hoàng với kinh tế Trung Quốc?
Nhà phát triển bất động sản Evergrande sau nhiều năm phát triển giờ đang ôm khoản nợ 300 tỷ USD. Hiện tại, khi thời hoàng kim đi qua, nhà đầu tư đang hoảng loạn và các chuyên gia cảnh báo về sự sụp đổ lớn sắp xảy ra.
- 13-09-2021Phần còn lại của thế giới thiếu vắc-xin trầm trọng, người Úc chần chừ để chờ tiêm vắc-xin Pfizer dù không thiếu AstraZeneca
- 13-09-2021Cơ hội kiếm tiền giữa lúc chuỗi cung ứng đứt gãy: Có 1 ngành đang bội thu, ghi nhận khoản lãi lớn chưa từng có trong 11 năm
Đôi khi, việc một công ty phát triển lớn mạnh và gặp nhiều vấn đề khiến các chính phủ lo sợ về rủi ro đối với nền kinh tế nếu họ sụp đổ. Ở Trung Quốc, trường hợp này chính là công ty phát triển bất động sản Evergrande.
Evergrande là nhà phát triển bất mắc nợ nhiều nhất thế giới và đã nhận được hỗ trợ trong nhiều tháng vừa qua. Tuy nhiên, một loạt tin xấu đến dồn dập trong những tuần gần đây lại làm dấy lên nguy cơ mà các chuyên gia cảnh báo là không thể tránh khỏi: sự sụp đổ!
Tuần trước, Fitch Ratings cho biết vỡ nợ là điều dường như có thể xảy ra. Trong khi đó, Moody’s nhận định Evergrande đã hết tiền và thời gian. Công ty này đang đứng trước khoản nợ 300 tỷ USD, hàng trăm dự án chung cư chưa được hoàn thiện và các nhà cung cấp đóng cửa các công trường xây dựng. Công ty này cũng đang bắt đầu thanh toán trái phiếu quá hạn bằng những khu bất động sản chưa hoàn thiện.
Các nhà quan sát đang theo dõi liệu các nhà quản lý Trung Quốc có đang thực hiện đúng cam kết "thanh lọc" khu vực doanh nghiệp, bằng cách để "quả bom nợ" như Evergrande sụp đổ hay không.
Tại sao Evergrande là một vấn đề lớn đến vậy?
Được thành lập năm 1996, công này đã thúc đẩy sự bùng nổ của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc. Họ giúp đô thị hóa các vùng nông thôn và có 3/4 tài sản hộ gia đình được đưa vào lĩnh vực bất động sản nhà ở. Theo đó, Evergrande đã trở thành "trung tâm" quyền lực của một nền kinh tế vốn dựa vào thị trường bất động sản để tăng trưởng thần tốc.
Nhà sáng lập, tỷ phú - Hứa Gia Ấn, có mối quan hệ thân thiết với nhiều chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng. Do đó, các chủ nợ cũng tin tưởng khi cho Evergrande vay tiền ở thời điểm công ty này phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới.
Nhà sáng lập Evergrande - tỷ phú Hứa Gia Ấn.
Ở thời kỳ đỉnh cao cách đây 1 thập kỷ, Evergrande còn bán nước đóng chai, sở hữu đội bóng đá chuyên nghiệp xuất sắc nhất Trung Quốc và thậm chí có một thời gian hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Công ty này trở nên lớn mạnh và có mặt trong nhiều ngóc ngách đến mức họ còn sở hữu đơn vị sản xuất ô tô điện - đang bị trì hoãn sản xuất hàng loạt.
Hiện tại, Evergrande đang được coi là mối đe dọa kinh hoàng đối với các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, tập đoàn này phải đối mặt với các vụ kiện từ những người mua nhà - họ đang chờ đợi căn hộ đã thanh toán một phần của mình được hoàn thiện. Các nhà cung cấp và chủ nợ cũng yêu cầu Evergrande thanh toán hàng tỷ USD, thậm chí một số đã ngừng xây dựng các dự án của công ty.
Tại sao công ty này lại rơi vào tình thế khó khăn?
Evergrande có thể tiếp tục lớn mạnh nếu họ không gặp phải 2 vấn đề.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang điều chỉnh hành động đi vay liều lĩnh của nhà phát triển bất động sản. Điều này đã khiến Evergrande phải bán bớt một số mảng kinh doanh. Song, họ vẫn giữ lại đơn vị sản xuất ô tô điện, dù đã đàm phán với một số đối tác tiềm năng. Một số chuyên gia cho rằng bên mua đang chờ đợi thời điểm "hạ giá siêu thấp".
Ngoài ra, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu đối với căn hộ mới cũng ít hơn. Tuần trước, Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD) - tổ chức nghiên cứu, tư vấn nổi tiếng của Bắc Kinh, cho biết sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu của sự thay đổi mang tính bước ngoặt, khi nhu cầu và doanh số bán nhà chậm lại.
Phần lớn, tiền mặt của Evergrande có được là nhờ các căn hộ bán trước chưa hoàn thiện. Theo nghiên cứu của REDD Intelligence, tập đoàn này có gần 800 dự án đang thực hiện trên khắp Trung Quốc và 1,2 triệu người vẫn đang chờ đợi để được chuyển vào căn hộ mới.
Dù Evergrande đã hạ giá căn hộ mới, nhưng người mua vẫn không hứng thú. Tháng 8, doanh số bán nhà của tập đoàn này thấp hơn 1/4 so với 1 năm trước.
Liệu các cơ quan quản lý Trung Quốc có "cứu" Evergrande?
Theo chiến dịch hiện tại, Bắc Kinh có thể sẽ nói "không", nhưng sự sụp đổ sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Nếu tập đoàn này vỡ nợ, các chủ nhà, nhà cung cấp và nhà đầu tư trong nước - có khả năng lên đến hàng triệu người, sẽ bị ảnh hưởng.
Evergrande đang thanh lý bớt tài sản, giảm giá căn hộ để trả nợ.
Trong nhiều năm, nhiều nhà đầu tư đã rót tiền cho các công ty như Evergrande vì họ tin rằng, đến cuối cùng, Bắc Kinh sẽ luôn xuất hiện và "giải cứu" nếu tình hình trở nên quá tồi tệ. Điều này đã đúng trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, vài năm qua, giới chức Bắc Kinh đã có lập trường cứng rắn hơn, sẵn sàng để các công ty lớn sụp đổ để kiềm chế vấn đề nợ không bền vững của Trung Quốc.
Tháng trước, giới chức đã triệu tập các giám đốc điều hành của Evergrande và yêu cầu họ "sắp xếp" các khoản nợ. Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng giảm quy mô cho vay với nhà phát triển này.
Sự sụp đổ của Evergrande sẽ gây tổn hại như thế nào đến kinh tế Trung Quốc?
NHTW Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch xử lý nợ của ngành bất động sản và giảm mức độ tiếp xúc của ngành ngân hàng với lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Evergrande đến hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ được giảm bớt.
Tâm lý hoảng sợ của các nhà đầu tư và người mua nhà có thể "tràn" đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến mức giá, từ đó làm ảnh hưởng đến tài chính và lòng tin của các hộ gia đình. Ngoài ra, việc này cũng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và khiến các công ty khác của Trung Quốc khó nhận được nguồn vốn nước ngoài.
Theo nhà đầu tư tỷ phú George Soros, vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ. Trong khi đó, Chen Zhiwu, giáo sư ngành tài chính Đại học Hồng Kông, nhận định sự thất bại của Evergrande có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng đối với cả nền kinh tế, khi các định chế tài chính lo ngại về rủi ro nhiều hơn.
Song, không phải chuyên gia nào cũng bi quan như vậy. Bruce Pang - nhà kinh tế học tại China Renaissance Securities, cho biết, một vụ vỡ nợ có thể tạo cơ sở cho một nền kinh tế lành mạnh hơn trong tương lai. Ông nói: "Nếu Evergrande vỡ, niềm tin ‘quá lớn để sụp đổ’ sẽ dần phai nhạt. Điều này sẽ chứng tỏ Bắc Kinh cứng rắn hơn với các vụ vỡ nợ, chấp nhận ảnh hưởng tiêu cực và gián đoạn trong ngắn hạn."
Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về điều gì?
Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 7,4 tỷ USD các khoản thanh toán trái phiếu của Evergrande trong năm tới. Trong năm nay, họ đã nhiều lần hoảng loạn và đẩy giá trái phiếu của tập đoàn này trên thị trường thứ cấp xuống mức thấp chưa từng có.
Tuần trước, trái phiếu của Evergrande chỉ có giá 50 cent. Hoạt động mua bán đối với trái phiếu của tập đoàn này đã trở nên hỗn loạn đến mức các nhà quản lý đã nhanh chóng tạm ngừng giao dịch. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông cũng mất hơn 3/4 giá trị trong năm qua.
Nhà đầu tư ngoại đang lo ngại rằng nếu Evergrande sụp đổ, toàn bộ số tiền mà tập đoàn này đang nợ họ sẽ tan thành mây khói. Giới chức Bắc Kinh cho biết sẽ không cứu trợ các trái chủ nước ngoài và trong nước. Nếu công ty phá sản, họ sẽ đứng ở vị trí rất thấp trong danh sách các chủ nợ, khó có thể được đền bù bởi tài sản của Evergrande.
Tham khảo New York Times