MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao thị trường bán lẻ đứng đầu danh sách thu hút vốn ngoại?

Được đánh giá là quốc gia có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu, theo Hãng Nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney hồi năm 2017, cho đến nay, sức hấp dẫn của ngành bán lẻ tại Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt khi tiếp tục thu hút một lượng lớn dòng vốn đầu tư.

Báo cáo tổng hợp về tình hình đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam của ESP Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup hoạt động tại Việt Nam và Singapore, công bố gần đây cho biết chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2019, các startup ngành bán lẻ đã kêu gọi được 89 triệu USD, tương đương gần 90% giá trị vốn đầu tư kêu gọi thành công toàn năm 2018.

Vậy lý do nào đã khiến ngành bán lẻ có bước phát triển đáng kể, trở thành 1 trong 6 ngành nghề thu hút dòng vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam? 

Thứ nhất, việc hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được cho là có tác động tích cực đến sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ. 

Thông qua việc cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối, xóa bỏ rào cản thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài lớn sẽ có cơ hội đẩy mạnh đầu tư vào thị trường nói chung, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số thay đổi trong luật đầu tư đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, từ 1/2015, Chính phủ đã cho phép thành lập các doanh nghiệp bán lẻ với 100% vốn nước ngoài, mở cửa cho dòng vốn đầu tư vào thị trường trong nước.

Thứ hai, ngành bán lẻ được hưởng lợi mạnh mẽ từ quy mô dân số lớn (hơn 96 triệu người – theo số liệu mới nhất năm 2019); cơ cấu dân số vàng, với hơn 60% dân số ở độ tuổi từ 18 đến 50; mức chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm đi kèm tỷ lệ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, từ 8 triệu người năm 2019 lên 44 triệu người trong năm 2020.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Số liệu Bộ Công thương cho thấy Việt Nam đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Thái Lan là 34%, Malaysia là 60%, Singapore là 90%.

Điều này kết hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 2,5%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành bán lẻ được dự báo sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Cho đến nay, sau 10 năm gia nhập WTO, mở cửa kinh tế, ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, trở thành 1 trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn cả nguồn vốn trong và ngoài nước. 

Năm 2018, tăng trường ngành bán lẻ đạt 13%, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng 7,08% của GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11.7% so với năm 2017.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và cơ hội phát triển, sự bùng nổ của công nghệ 4.0 và những điều kiện thuận lợi của thương mại điện tử  đã tạo ra thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho ngành bán lẻ, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải thích nghi với thay đổi, đầu tư phát triển mạng lưới cửa hàng lớn và xây dựng dịch vụ giao hàng tiện lợi. Theo đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Niesel Việt Nam, bán hàng đa kênh, kết hợp giữa online và offline sẽ là xu thế nổi bật, là định hướng cho các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Thu Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên