Tại sao thị trường trái phiếu DN ở Việt Nam chưa phát triển?
Tồn tại chính đang cản trở sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu do các thông lệ và chuẩn mực mà các doanh nghiệp Việt đang áp dụng còn độ lệch lớn so với thế giới.
- 13-03-2019Sức ép cân đối vốn khối ngân hàng thương mại nhà nước
- 12-03-2019Năm 2019 tiếp tục siết cho vay ngoại tệ, lãi suất cho vay sẽ ngày càng khác biệt giữa các nhóm khách hàng
- 02-02-2019Hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam
Thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam 2019
Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12/3 vừa qua tại TPHCM, thị trường vốn Việt Nam năm qua tuy chịu tác động từ nhiều yếu tố quốc tế bất thuận nhưng quy mô vẫn tiếp tục được mở rộng. Riêng vốn hóa thị trường cổ phiếu đến hết năm 2018 đã đạt 75% GDP; nhà đầu tư ngoại mua ròng thêm 1,8 tỷ USD.
Thị trường phái sinh cũng dần phát triển từ tháng 8/2017, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Hoạt động của các công ty chứng khoán cũng tích cực hơn khi tổng tài sản, vốn chủ sở hữu lẫn lợi nhuận sau thuế đều tăng mạnh.
Ở thị trường tiền tệ, hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh tiến độ nhờ bù đắp từ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng và thu nợ. Kết quả kinh doanh các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng vượt bậc. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 ước tăng 40% so với năm 2017.
Dự báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lẫn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) tại Hội thảo đều cho rằng áp lực của bộ ba “lạm phát, tỉ giá, lãi suất” đều sẽ giảm đi trong năm 2019.
Tuy vậy, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBGSTC Quốc gia Hà Huy Tuấn, nền kinh tế vẫn còn đó thách thức dài hạn về sự mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Đến năm 2018, hệ thống tín dụng ước tính vẫn đang phải "gồng gánh” tới 86% lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện tốt vai trò là kênh huy động vốn.
Giảm tốc tăng trưởng tín dụng: Xu hướng tất yếu
Giữa bối cảnh ấy, để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục chủ trương giảm tốc tăng trưởng cho vay. “Vì tín dụng toàn nền kinh tế cũng đã đạt ở quy mô khá lớn và có mức tăng không nhỏ trong các năm gần đây nên đã tới lúc cần ‘tiết kiệm’ tăng trưởng tín dụng hơn nữa để bảo đảm ổn định quy mô tài sản, nâng cao chất lượng các khoản vay”, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay.
Theo đó, từ đầu năm 2019, các ngân hàng chỉ còn được phép dùng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; cho vay lĩnh vực nhiều rủi ro cũng sẽ bị thắt chặt.
Tất nhiên, nhìn từ thực tế mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP các năm gần đây, có thể thấy không nhất thiết phải có tăng trưởng tín dụng cao để có tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Tuy nhiên, ở tầm vi mô của các DN, tăng trưởng tín dụng thấp đồng nghĩa với tâm lý quan ngại về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Hơn nữa, theo nhận định của Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng, “mặt bằng lãi suất chung tại các ngân hàng tuy không có nhiều biến động nhưng sẽ có sự phân biệt tùy theo mức độ rủi ro của khoản vay. Nghĩa là sẽ có những DN được vay tiền ở lãi suất 5-6%/năm nhưng cũng sẽ có người vay phải chịu chi phí vốn lên tới 11-12%/năm”.
Kể cả ở những ngân hàng được “quota” ưu đãi về trần tăng trưởng tín dụng nhờ sớm hoàn thành hạ tầng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel 2 thì chuyện “tự do” cho vay cũng bất khả thi do luôn phải tính toán cân đối vốn cấu trúc tài sản để bảo đảm hệ số rủi ro tài sản như quy định. “Kiểu tăng trưởng tín dụng trên 20% mỗi năm trong khoảng 10 năm tới là không thể xảy ra”, ông Tùng nhấn mạnh quan điểm ủng hộ giảm tốc tăng trưởng tín dụng.
Chia sẻ gánh nặng của ngân hàng sang trái phiếu doanh nghiệp
Cùng với chủ trương “tiết kiệm” tín dụng của hệ thống ngân hàng, bài toán thúc đẩy thị trường trái phiếu DN rõ ràng đang gặp áp lực phải “sang trang”. Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tỉ lệ tín dụng trên GDP hiện nay đã là 130%. Do đó, sự phát triển thị trường trái phiếu công ty và cổ phiếu công ty cần được quan tâm hơn. Tuy nhiên, tỉ lệ dư nợ trái phiếu DN hiện chỉ mới chiếm 8,5% GDP, tức ở mức rất thấp so với bình quân của các nước trong khu vực là 22%.
Dẫu biết vậy nhưng thực tế cho thấy thị trường này dường như chỉ mới sôi động thực sự ở mảng trái phiếu ngân hàng. Tại sao trái phiếu các loại DN lĩnh vực khác lại chưa phát triển mạnh? Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân cơ bản do sự thiếu lòng tin của nhà đầu tư đối với những nhóm DN còn lại. Theo đó, tồn tại chính đang cản trở thị trường trái phiếu DN chủ yếu do các thông lệ và chuẩn mực mà DN Việt đang áp dụng còn độ lệch lớn so với thế giới.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hãng kiểm toán Deloitte Việt Nam, thông tin DN không được trình bày theo chuẩn báo cáo Tài chính quốc tế IFRS sẽ khiến các nhà đầu tư rất quan ngại vì không thể hiểu hết giá trị tài sản thực, kết quả kinh doanh thực và chiều hướng phát triển của DN trong tương lai. “Hầu như hơn 10 năm qua chúng ta không có nhiều cập nhật trong khi thế giới thay đổi quá nhiều với 131 nước đã áp dụng IFRS”, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam Phạm Văn Thinh chia sẻ thêm.
Quản trị công ty cũng là một rào cản để DN có thể huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo đánh giá của Công ty Tài chính quốc tế IFC, dựa trên tiêu chuẩn của khối OECD, “điểm” quản trị công ty của DN Việt đang ở vị trí rất thấp so với các nước trong ASEAN.
Một trở ngại khác lại đến từ chính bản thân DN. “DN có thực sự muốn minh bạch hay không khi đang vướng vào sở hữu chéo, hay ‘mắc mớ’ với các DN có liên quan? Bức tranh về tình hình của các DN nhà nước sẽ ra sao khi áp dụng IFRS?”, đại diện Deloitte bày tỏ băn khoăn và tin rằng cần có thời gian để chuẩn bị đối mặt với tất cả những thách thức này.
Ngoài ra, cũng theo nhiều chuyên gia, để có một thị trường trái phiếu DN phát triển, không đơn giản là xây dựng lại hệ thống chuẩn mực tài chính - kế toán, mà còn phải chuẩn bị cả về con người (đào tạo lại hệ thống nhân sự kế toán, kiểm toán, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, năng lực các DN, các hội chuyên môn…) lẫn hạ tầng (hệ thống các công ty định giá DN, đánh giá tín nhiệm, công ty tư vấn…).
Điểm sáng lúc này là ngành ngân hàng - nơi đang đóng vai trò chủ lực trong kết nối mua bán trái phiếu DN - đã khẳng định ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của thị trường này. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho hay, “NHNN sẽ có hướng dẫn phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Còn chuyện đầu tư hay mua bán trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng nếu cần thiết cũng sẽ được xem xét hướng dẫn”.
Để thị trường trái phiếu DN đi nhanh hơn, một số ý kiến còn tin rằng việc “có thể làm ngay” là cỗ máy truyền thông báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ quảng bá- như một cách tưởng thưởng- cho những DN đang cố gắng tuân thủ chuẩn mực quốc tế. Khi nhà đầu tư và công chúng nhận thấy hiệu quả của một DN áp dụng chuẩn mực IFRS, một ngân hàng áp dụng Basel 2, hoặc một tổ chức áp dụng chuẩn mực quản trị của OECD khác với những đơn vị còn lại, rồi nhờ đó mà bản thân DN gặp thuận lợi hơn trong huy động vốn, sức cạnh tranh tăng lên, không phải “quỵ lụy” ngân hàng nữa, thì cuộc thúc đẩy một thị trường trái phiếu DN hẳn sẽ có thêm nhiều thuận lợi.