MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam

Với dân số 1,4 tỷ dân và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu có nhu cầu thực phẩm ngày một gia tăng, Trung Quốc đang là điểm đến hấp dẫn cho các công ty nông nghiệp trên khắp thế giới.

Tầng lớp trung lưu tại quốc gia này có nhu cầu ăn phong phú hơn và đặc biệt là yêu cầu về chất lượng thực phẩm phải an toàn và đảm bảo hơn. Trung Quốc đã tiêu thụ một nửa sản lượng thịt heo và sữa bột của thế giới, một phần ba đậu nành và gạo trong năm qua. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, diện tích canh tác của Trung Quốc giảm từ xấp xỉ 125 triệu héc-ta năm 1991 xuống còn 106 triệu ha năm 2014.

Ngoài ra, số liệu của Bộ Bảo Vệ Môi Trường Trung Quốc cũng báo cáo rằng khoảng 20% đất nông nghiệp đang bị ô nhiễm, chủ yếu bởi cadmium, nickel và arsen. Trước tình hình này, nhu cầu nhập khẩu nông sản và thực phẩm an toàn của Trung Quốc ngày càng cao.

Cũng số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Trung Quốc tăng từ 9 tỷ USD năm 2000 lên gần 113 tỷ USD năm 2015, chiếm 8,3% tổng kim ngạch thương mại của nhóm mặt hàng này của toàn thế giới. Tiềm năng nhập khẩu nông sản và thực phẩm của thị trường Trung Quốc là rất lớn.

Nhiều năm nay, với dân số đứng hàng đầu thế giới và vị trí địa lý ngay sát Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và trọng điểm của nông sản, thực phẩm Việt Nam, có kim ngạch tăng trưởng bình quân đạt trên 30%/năm trong giai đoạn 2011-2016, chiếm tỷ trọng khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 5 tỷ USD, chưa kể đến kim ngạch xuất khẩu tiểu ngạch. Chưa có số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu tiểu ngạch cho từng nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu tiểu ngạch hàng nông sản cũng cao khoảng 35 – 50% kim ngạch xuất khẩu chính ngạch, tùy từng loại sản phẩm

Tuy nhiên chúng ta đang xuất nông sản với giá rẻ mạt, phần vì chất lượng không ổn định, phần vì bị thương lái Trung Quốc ép giá. Do đó, việc hợp tác với các đối tác Trung Quốc có uy tín sẽ tạo cơ hội để xuất khẩu nông sản có thương hiệu với giá trị gia tăng cao. Đây cũng là con đường mà một số doanh nghiệp Việt trong ngành đã nhanh chóng nhìn ra và nắm bắt.

Tháng 5 vừa rồi, Tập đoàn Lộc Trời đã hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam của Trung Quốc để thành lập Công ty Liên doanh Giống và Thương mại Nông sản, mở đường cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận với thị trường màu mỡ này. Sự kết hợp này được kì vọng sẽ giúp Lộc Trời mở rộng thị trường, từ đó tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.

Nông nghiệp sạch đang ngày càng trở thành xu hướng được ưa chuộng với các công ty nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước thì xu hướng này sẽ nhanh chóng bão hòa. Vậy nên việc mở rộng ra các thị trường quốc tế như cách làm của Lộc Trời hay PAN đang là bước đi khôn ngoan và cần thiết của các ông lớn nông nghiệp.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên