Tài xế công nghệ tại TP.HCM: Người nghỉ việc, người làm không xuể
Ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, một số tài xế công nghệ phải nghỉ chạy, trong khi một số khác nhận đơn tăng đột biến. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận đang gặp khó khăn.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ hôm nay 9/7 để tăng thêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong các quy định được áp dụng, có việc tạm ngưng hoạt động “xe ôm” công nghệ, dừng ship đồ ăn mang về nhưng vẫn duy trì hoạt động giao hàng và thực phẩm thiết yếu.
Hầu hết tài xế của các hãng như Grab, Gojek, Now mà ICTnews có liên hệ đều cho biết không bị ảnh hưởng nhiều. Có người nhận đơn hàng tăng nhiều hơn, một số khác lại nghỉ hẳn ở nhà.
Những tài xế chạy đa dịch vụ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các chỉ thị giãn cách. (Ảnh: Hải Đăng)
Anh Quốc Anh chạy tất cả các dịch vụ gồm chở khách, giao hàng, giao đồ ăn. Khi thành phố tạm ngưng các dịch vụ chở khách và giao thức ăn, anh vẫn đi giao hàng, giao thực phẩm thiết yếu. “Một số nơi như chỗ Ngã tư 4 xã (Tân Phú) người ta cấm không cho ra vô. Tui nói tui đi giao hàng thì người ta cho qua. Mình vô đường nào thì ra đường đó”, anh Quốc Anh kể.Anh Bùi Quốc Anh, tài xế Grab, cho biết đơn hàng trong riêng ngày hôm nay tăng đột biến, đơn cũ chưa giao xong đã “nổ” đơn mới, “chạy không kịp”.
Tài xế Dương Tuấn Anh (Grab) không bị ảnh hưởng gì từ quy định mới của thành phố vì anh chỉ đi giao hàng. Theo anh, các đơn hàng từ hơn chục ngày nay vẫn ổn định, không thay đổi.
Kể từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, anh Tuấn Anh ngưng chở khách, chuyển qua giao hàng nhằm hạn chế nguy cơ bị lây bệnh.
“Bình thường em chạy tất cả dịch vụ, giờ chỉ còn giao hàng thôi thì thu nhập bị ảnh hưởng, nhưng không đáng kể”, Tuấn Anh kể qua điện thoại trong khi vẫn đang đi giao hàng.
Trong khi tài xế một số ứng dụng vẫn có thể giao hàng, thực phẩm thì tài xế Baemin lại không được như vậy. Baemin chỉ giao đồ ăn, thức uống, không có dịch vụ khác nên phải ngưng toàn bộ. Cả hai tài xế mà ICTnews có liên hệ đều cho biết đã ngưng chạy từ hôm nay.
Tài xế Phúc (Tân Phú) cho biết hiện nghỉ ở nhà với bố mẹ, chưa có kế hoạch làm việc gì khác. Trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, anh vẫn nhận đơn hàng ổn định. Song với một số đơn ở khu vực chợ thì anh chủ động huỷ để tránh nguy cơ bị lây nhiễm.
Một tài xế khác muốn giấu tên cho biết sẽ nghỉ 15 ngày, sau đó tính tiếp. Khi được hỏi nếu thành phố kéo dài Chỉ thị 16 thêm nữa thì làm gì, anh này nói: “Đi ăn mày chứ sao anh!”.
Một tài xế Now chuyển sang giao thực phẩm sau khi dịch vụ giao thức ăn bị tạm ngưng. Người này cho biết có ảnh hưởng đến thu nhập nhưng không đáng kể. “Ai cũng bị ảnh hưởng mà, có phải mình tui đâu”, anh tài xế ngụ Tân Bình nói qua điện thoại.
Hầu hết các tài xế đều chạy nhiều dịch vụ, gồm cả chở khách và giao hàng. Do đó, nhiều người vẫn chuyển qua giao hàng như bình thường.
Anh Cường (tài xế Grab) trò chuyện với ICTnews sau khi đã về nhà nghỉ buổi chiều tối. Anh cho biết riêng hôm qua và hôm nay đơn hàng tăng lên. Hai hôm anh kiếm trung bình 400-500 ngàn đồng/ngày, so với mức 300-350 ngàn những ngày trước.
“Hai ngày nay dân họ mua nhiều đồ, anh nhận nhiều đơn hơn bình thường”, anh Cường nói.
Tuy nhiên, do thành phố lập các chốt hạn chế ra vào nên anh Cường gặp chút khó khăn khi di chuyển, một số nơi đòi giấy thông hành mới cho qua. Chẳng hạn, sáng nay khi đi sang hướng đường Quang Trung (Gò Vấp) bị chặn, anh phải đi đường vòng, tốn thời gian hơn. Chưa kể ở một số nơi phải xếp hàng đông người nên anh Cường cũng muốn tránh để không bị nguy cơ lây bệnh.
“Chắc anh nghỉ ngơi vài ngày cho tình hình ổn lại rồi chạy tiếp”, anh Cường tâm sự. “Thành phố yêu cầu thế nào mình theo thế ấy, để còn an toàn mưu sinh”, anh chia sẻ.
Việc tạm ngưng chở khách có ảnh hưởng nhẹ đến thu nhập nhưng anh Cường ủng hộ. “Giờ chở khách cũng ngán lắm. Mình sợ mà họ cũng sợ”, người tài xế lâu năm nói.
“Như có anh bạn kia. Nghe nói ảnh chở phải khách là F0 hay F1 gì đó nên phải “đóng app” 15 ngày. Giờ mới chạy lại thì bị quy định mới. Nhưng công việc mà, phải chạy thôi”, ông bố 2 con chia sẻ.
Do giãn cách, vợ anh Cường ngưng công việc buôn bán. Giờ anh là thu nhập chính của gia đình, mỗi tháng phải bảo đảm có 10-12 triệu đồng mang về, tương ứng với 10-12 tiếng đồng hồ chạy mỗi ngày. “Ngày nào cũng phải chạy đủ mới dám về”, anh Cường cười buồn.
Dù vậy, anh Cường cho rằng những khó khăn này ai cũng trải qua. Anh vẫn yêu công việc vì tự do, thời gian thoải mái, thu nhập cao hơn các công việc như bảo vệ chẳng hạn.
"Giờ mà thu nhập ít đi thì ăn ít lại", anh Cường tâm sự. Anh nói đã mua được mấy thùng mì gói, mấy chục ký gạo và mấy chục trứng để sẵn ở nhà, không lo đói.
“Giờ siêng là được. Có chạy là có tiền. Cứ sáng chạy tối về thôi. Hy vọng dịch bớt lại để còn kiếm ăn”, anh Cường nói.
ICT News