MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Taliban giáng đòn mạnh vào di sản mới thành hình của ông Biden

14-08-2021 - 10:17 AM | Tài chính quốc tế

Taliban giáng đòn mạnh vào di sản mới thành hình của ông Biden

Tình hình an ninh ở Afghanistan xấu đi nhanh hơn dự đoán đã buộc Tổng thống Joe Biden và các quan chức an ninh cấp cao nhất của Mỹ phải đưa ra những biện pháp tình thế để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất.

Ngày 12/8, Chính quyền Biden đã áp dụng một số biện pháp nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Kabul và cho phép sơ tán một lượng đáng kể nhân viên Đại sứ quán ở thủ đô của Afghanistan. Trong khi đó, giới chức Mỹ ngày càng chắc chắn về khả năng Chính phủ Afghanistan sụp đổ và chuyển sang tính toán các hậu quả của nó.

Trong tình thế này, an toàn tính mạng của công dân Mỹ được đặt lên hàng đầu. Nếu người Mỹ lọt vào tay Taliban, đó sẽ là vết nhơ lịch sử trong chính sách đối ngoại của ông Biden. Đó cũng là lý do 3.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tới Kabul trong bối cảnh ông Biden đang quyết tâm rút những lính Mỹ cuối cùng khỏi quốc gia này. Hạn chót là 31/8 nhưng Taliban đang khiến điều đó trở nên gấp rút hơn bao giờ hết.

Kéo Mỹ khỏi Afghanistan là điều mà cả ông Barack Obama và Donald Trump đều theo đuổi. Tuy nhiên, những hậu quả mà Mỹ và đồng minh để lại sau khi rút quân là điều khiến các kế hoạch này bị đình trệ. Trong khi đó, ông Joe Biden quyết tâm rút khỏi cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ bất chấp những cái giá mà đồng minh của Mỹ có thể phải trả.

Ông Biden nhiều lần tuyên bố rằng người Afghanistan phải "chiến đấu cho an ninh của mình". Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nhận thức rằng sự tan rã nhanh chóng của Chính phủ Afghanistan có thể là đòn giáng mạnh, không chỉ vào di sản của ông Joe Biden mà còn là hình ảnh của nước Mỹ. Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em Afghanistan có thể sẽ phải chịu đựng những luật lệ hà khắc trong bối cảnh Taliban ngày càng kiểm soát phần nhiều lãnh thổ.

20 năm qua, những giá trị được đổi bằng xương máu của nhiều lính Mỹ trên đất Afghanistan đang đối mặt với sự đe dọa lớn chưa từng cỏ. Nhiều quan chức Mỹ nói rằng, thực lực quân sự của Taliban đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001 và họ hoàn toàn có khả năng thực hiện các cuộc tấn công trên toàn bộ Afghanistan.

Việc Mỹ rút quân cũng tạo ra tiền lệ chưa từng có trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh cùng những đối tác quốc tế. Vấn đề Mỹ rút khỏi Afghanistan thậm chí còn không được nhắc tới trong chuyến thăm của ông Biden tới Brussels, Bỉ vào tháng 6 khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Điều này khiến Mỹ có khả năng hứng chịu những phản ứng thất vọng từ các đồng minh châu Âu về thời gian rút quân.

"Sẽ rất phí thời gian. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra vấn đề này không phải là điều có thể thương lượng với ông Biden", một quan chức châu Âu cho biết.

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao của châu Âu nói rằng Mỹ rút quân nhanh chóng nhằm tránh hình ảnh phải tháo chạy toán loạn khi Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, Taliban đang giành quyền kiểm soát nhiều thành phố quan trọng và tiến gần hơn tới thủ đô Kabul. Thậm chí, báo chí phương Tây còn cho rằng chiến thắng của Taliban là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, chiến thắng đó diễn ra khi thời hạn rút quân còn chưa kết thúc sẽ là đòn giáng mạnh vào di sản của ông Biden, người làm mọi cách kéo Mỹ khỏi cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm qua.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên