MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạm biệt Volkswagen: Nhà máy tại quê nhà dự sẽ đóng cửa, CEO thừa nhận chi nhiều hơn thu, công đoàn phẫn nộ giăng cờ biểu tình

05-09-2024 - 10:23 AM | Tài chính quốc tế

Các vấn đề tiềm ẩn tại Volkswagen xuất hiện vào đúng thời điểm khó khăn đối với toàn nền kinh tế Đức nói chung và ngành công nghiệp ô tô nước này nói riêng.

Ngay sau khi Volkswagen cảnh báo không loại trừ khả năng nhà máy tại quê nhà Đức sẽ phải đóng cửa do hoạt động kinh doanh đình trệ, nhân viên công ty đã đồng loạt biểu tình tại trụ sở chính. Họ vẫy cờ công đoàn, đồng thời giăng cao biểu ngữ khẳng định sai lầm trong quản lý không phải lỗi của mình.

Oliver Blume, Tổng giám đốc điều hành Volkswagen, cho biết tình hình hiện tại ảnh hưởng rất nhiều đến nhân sự. Việc ngành công nghiệp ô tô thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây đã khiến thương hiệu này không thể bắt kịp.

“Cùng nhau, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để có lợi nhuận cao hơn. Chúng tôi đang đưa VW trở lại nơi thương hiệu này thuộc về — đó là trách nhiệm của tất cả chúng tôi”, ông nói thêm.

Theo những bình luận được Volkswagen chia sẻ, Arno Antlitz, giám đốc tài chính kiêm CEO Volkswagen, đã nói với nhân viên rằng: “Chúng tôi chi nhiều hơn thu. Điều đó không tốt về lâu dài”.

Antlitz giải thích rằng doanh số bán xe hàng năm ở châu Âu đã giảm so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục thấp hơn so với mức cơ sở. Dự kiến chưa đến 2 triệu xe sẽ được bán ra mỗi năm tại thị trường châu Âu - nơi Volkswagen nắm giữ khoảng 25% thị phần.

“Chúng ta phải có trách nhiệm cải thiện hiệu quả chi phí tại Đức. Chúng ta cần tăng năng suất và giảm chi phí”, Antlitz cho biết. “Chúng ta vẫn còn 1 năm, có thể là 2 năm, để xoay chuyển tình thế. Chúng ta phải tận dụng thời gian này”.

Thế nhưng, Hội đồng lao động Volkswagen và liên đoàn công nghiệp lớn của Đức IG Metall đã chỉ trích gay gắt kế hoạch này. Daniela Cavallo, đại diện cấp cao của Hội đồng Công nhân Volkswagen, cho biết cách ban quản lý đề xuất “không chỉ là một sự ô nhục”. “Đó là tuyên bố phá sản”.

“Tóm lại: mọi thứ đều đang bị đe dọa”, bà Cavallo phát biểu trước các công nhân tại Wolfsburg. “Đóng cửa nhà máy? Chấm dứt hợp đồng vì lý do hoạt động? Cắt giảm tiền lương? Những ý tưởng đó chỉ nên được chấp nhận trong một kịch bản: khi toàn bộ mô hình kinh doanh đã chết”.

Tạm biệt Volkswagen: Nhà máy tại quê nhà dự sẽ đóng cửa, CEO thừa nhận chi nhiều hơn thu, công đoàn phẫn nộ giăng cờ biểu tình- Ảnh 1.

Sự suy thoái đã xảy ra trong bối cảnh môi trường kinh tế khó khăn. Philippe Houchois, giám đốc bộ phận ô tô toàn cầu tại Jefferies, chia sẻ với “Squawk Box Europe” của CNBC rằng Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume sẽ cố gắng hạ nhiệt sự phản đối hiện hữu. “Vấn đề là làm thế nào để họ đạt được thỏa thuận để thực sự làm việc cùng nhau”.

Các vấn đề tiềm ẩn tại Volkswagen xuất hiện vào đúng thời điểm khó khăn đối với toàn nền kinh tế Đức nói chung và ngành công nghiệp ô tô nước này nói riêng. Theo phát ngôn viên chính phủ Wolfgang Buechner, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã trao đổi với cả ban quản lý của Volkswagen để theo dõi tình hình chặt chẽ.

Được biết hồi tháng 7 mới đây, Volkswagen đã sớm lên tiếng cảnh báo có thể phải đóng cửa nhà máy lắp ráp thương hiệu Audi tại Brussels do nhu cầu đối với dòng xe điện cao cấp giảm mạnh. Mục tiêu biên lợi nhuận trong năm nay hiện cũng đã được điều chỉnh giảm để phù hợp với tình hình thị trường.

VW chưa đóng cửa bất kỳ nhà máy nào kể từ khi dừng hoạt động nhà máy Westmoreland ở Pennsylvania, Mỹ, vào năm 1988. Động thái phần nào cho thấy các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào do nhu cầu xe điện thấp đi. Hồi đầu năm nay, Audi cũng đã cảnh báo doanh số của hãng sẽ giảm vào năm 2024.

Trong một tuyên bố vào ngày 9/7, VW cho biết chi phí tìm kiếm mục đích sử dụng thay thế cho nhà máy tại Brussels, đóng cửa nhà máy, cũng như các chi phí ngoài kế hoạch khác, có thể lên tới 2,6 tỷ euro (2,8 tỷ USD) trong năm tài chính 2024. Porsche, công ty sở hữu gần 30% tập đoàn VW nhưng nắm giữ phần lớn quyền biểu quyết, đã hạ dự báo thu nhập xuống còn 3,5-5,5 tỷ euro.

Theo The Economist, các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ tham vọng chuyển đổi điện khí hóa. Các chuyên gia cùng ngành thừa nhận nhiều nhà máy sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là đóng cửa, nếu còn đang sản xuất các bộ phận cho động cơ đốt trong.

Một trong những rào cản lớn nhất của Volkswagen là ô tô của hãng vốn được phát triển ở Đức để phục vụ khách hàng châu Âu, sau đó mới được điều chỉnh để phù hợp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Trong nhiều năm, chiến lược có phần “cũ kỹ” này đã khiến thương hiệu gặp khó, nhất là sau khi các thương hiệu nội địa Trung tung ra mẫu xe công nghệ mới thông minh hơn.

Theo một cựu giám đốc điều hành quyết định rời công ty trong những năm gần đây để gia nhập một nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, Volkswagen có thể sẽ gặp “trái đắng” bởi sự “bảo thủ” khi làm xe điện khi các thương hiệu khác đang tung ra nhiều mẫu thử nghiệm vận dụng công nghệ tiên tiến.

Theo The Economist, ngành công nghiệp xe hơi đóng vai trò vô cùng quan trọng với kinh tế Đức. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 48 trong tổng số 400 thành phố và quận của Đức đều phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp ô tô nếu xét tới số lượng việc làm. Chính vì vậy, theo Wolfgang Schroeder, thành viên tại WZB, nếu ngành sản xuất ô tô tàn lụi, nước Đức sẽ phải đối mặt với “nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ ”. Các mối quan hệ công nghiệp nhìn chung cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

“Ô tô là biểu hiện lớn nhất của việc Đức tập trung hoàn toàn vào kỹ thuật cơ khí”, ông Rüdiger Bachmann nói, đồng thời cho biết một khi ngành công nghiệp xe hơi không còn giữ vị thế thống trị, trợ cấp chính phủ sẽ có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp. Ngày càng ít thanh niên Đức sẽ theo học kỹ thuật cơ khí và thay vào đó, họ chọn khoa học máy tính nhiều hơn.

Theo: CNBC, The Economist

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên