Tạm ‘chia tay’ thời hoàng kim, động lực nào có thể giúp kinh tế Trung Quốc ‘soán ngôi’ Mỹ?
Tham vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cuộc khủng hoảng bất động sản và tình trạng dân số già hóa.
- 17-04-2020GDP Trung Quốc suy giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1970
- 24-03-2020[Tác động kinh tế] GDP Trung Quốc có thể giảm 10% trong quý I, Moody's cảnh báo về "cơn sóng thần" ập đến với kinh tế thế giới
- 27-10-2016GDP Trung Quốc bị nghi ngờ vì tăng bằng nhau liền 3 quý
Các nhà hoạch định chính sách và kinh tế đã bàn luận về ý tưởng Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ. Họ đưa ra những lập luận về điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ – một một trong những nền kinh tế năng động và hiệu quả nhất – bị soán ngôi bởi nền kinh tế có hơn 1 tỷ người.
Những dự đoán về thời điểm chính xác Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ đã xuất hiện dày đặc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 vốn đã kìm hãm tăng trưởng ở Mỹ và Châu Âu trong nhiều năm.
Trước khi xảy ra cuộc đại suy thoái năm 2009, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc đều ở mức hai con số trong ít nhất 5 năm. Suốt 1 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng từ 6-9% mỗi năm cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nền kinh tế suy giảm do đại dịch dẫn đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Thêm vào đó, gã khổng lồ châu Á này còn rơi vào cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng. Vào thời kỳ đỉnh cao, bất động sản chiếm gần 1/3 GDP Trung Quốc. Tuy nhiên, các quy định giới hạn cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản được đưa ra vào năm 2020 đã khiến nhiều chủ đầu tư phá sản. Ước tính khoảng 20 triệu ngôi nhà đang xây dang dở hoặc chậm tiến độ chưa bán được.
Đồng thời, quan hệ thương mại suy giảm với phương Tây cũng làm yếu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Từng khuyến khích sự trỗi dậy của Trung Quốc trong nhiều thập niên vào cuối những năm 2010, gần đây Mỹ đã chuyển sang kiềm chế các tham vọng kinh tế và quân sự của nước này.
Theo DW, sự thay đổi về “vận mệnh” nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đến mức một thuật ngữ mới đã xuất hiện khoảng một năm trước: “Đỉnh cao của Trung Quốc”.
Lý thuyết cho rằng, kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp phải nhiều vấn đề về cơ cấu, bao gồm nợ nần, năng suất chậm lại, mức tiêu thụ thấp và già hóa dân số. Những điểm yếu đó, cùng với căng thẳng địa chính trị và hạn chế thương mại của phương Tây, đã làm dấy lên suy đoán rằng khả năng Trung Quốc thống trị kinh tế toàn cầu có thể bị trì hoãn hoặc không bao giờ xảy ra.
Tuy vậy, theo ông Wang Wen thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang của Đại học Nhân dân Trung Quốc, khái niệm “đỉnh cao của Trung Quốc” là một “huyền thoại”. Tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc đạt gần 80% sản lượng của Mỹ vào năm 2021.
Ông nhận định: Miễn là Bắc Kinh duy trì “ổn định bên trong và hòa bình bên ngoài”, kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ.
“Hàng triệu người dân nông thôn Trung Quốc đã chuyển đến các khu vực thành thị. Tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc chỉ đạt 65%. Nếu đạt mức 80% trong tương lai, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm 200-300 triệu người đổ về khu vực thành thị. Điều này sẽ tạo ra sự gia tăng lớn trong nền kinh tế thực”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác tin rằng những vấn đề dẫn đến câu chuyện “Đỉnh cao Trung Quốc” có thể đã diễn ra trong nhiều năm.
Loren Brandt, giáo sư kinh tế tại Đại học Toronto, nói với DW: “Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh vào đầu những năm 2000 là do năng suất cao”. Năng suất đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng GDP trong ba thập niên cải cách đầu tiên của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1978, bà cho biết.
“Sau cuộc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng năng suất đã biến mất và hiện chỉ còn bằng 1/4 so với trước năm 2008”, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc cho biết, đồng thời nhấn mạnh nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế ngắn hạn.
Tổng nợ của Trung Quốc đã tăng lên hơn 300% GDP. Một phần lớn đến từ chính quyền địa phương. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm trong 12 tháng liên tiếp và giảm 28,2% chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024. Mặc dù đã đầu tư mạnh để tăng cường sản xuất các công nghệ mới, một số đối tác thương mại của Bắc Kinh vẫn đang hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bà Brandt nhận xét: “Đây là nền kinh tế đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, con người và cơ sở hạ tầng hạng nhất. Nhưng những điều này không được tận dụng theo cách giúp duy trì tăng trưởng kinh tế”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thực hiện tập trung hóa nền kinh tế mạnh mẽ hơn thông qua quyền sở hữu nhà nước đối với các ngành công nghiệp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng làn sóng tăng trưởng tiếp theo sẽ được xây dựng dựa trên tiêu dùng trong nước, cho phép đất nước ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều chương trình xã hội không theo kịp “phép màu kinh tế” của Trung Quốc. Người tiêu dùng không còn có thể dựa vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục chi phí thấp và hơn cả mức lương hưu cơ bản của nhà nước. Họ sẽ thận trọng trong việc chi tiêu vượt số tiền tiết kiệm. Tài sản hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm tới 30% do sự sụp đổ bất động sản, bà Brandt cho biết.
Nỗi lo ngại lớn nhất là tất cả những yếu tố này có thể khiến kinh tế Trung Quốc đi theo vết xe đổ của Nhật Bản. Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã trải qua một phép màu kinh tế, được đánh dấu bằng nhiều thập kỷ tăng trưởng cao, gây ra bong bóng chứng khoán và bất động sản và khổng lồ.
Vào thời kỳ đỉnh cao, một số nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào năm 1992, bong bóng vỡ, tài sản biến mất, khiến nền kinh tế đi xuống. Nhật Bản kể từ đó đã không thể bù đắp được được mức tăng trưởng đã mất trong nhiều thập niên.
Trong khi đó, các nhà kinh tế chỉ ra rằng GDP công nghiệp Trung Quốc đã gấp đôi so với Mỹ. Tăng trưởng GDP nước này năm ngoái ở mức 5,2%, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất châu Á đã vượt Mỹ vào năm 2016 khi tính bằng sức mua tương đương (PPP).
"Trong 45 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế”, ông Wang nói với DW. “Nhưng so với cuộc suy thoái 30 năm trước, nợ cao 20 năm trước và cuộc khủng hoảng nhà ở 10 năm trước, thì những vấn đề hiện tại chưa được coi là nghiêm trọng nhất”.
Nhịp Sống Thị Trường