Tâm điểm chứng khoán: Khả năng “mở cửa” và dấu hỏi với cổ phiếu ngân hàng
Từ trái qua: ông Huỳnh Anh Tuấn, ông Đỗ Trung Thành, ông Bùi Văn Huy.
Nhà đầu tư nên thận trọng trước sự tăng quá nóng của những cổ phiếu nhỏ mang tính chất đầu cơ cao, dòng tiền vào nhanh và ra cũng rất nhanh; vì đứng trước những khó khăn như hiện nay thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý 3 cảu các doanh nghiệp này kém khả quan nên việc tăng giá này nhiều khả năng đến từ nhóm đầu cơ thoát hàng.
- 13-09-2021Đến lúc tích lũy cổ phiếu ngân hàng?
- 12-09-2021Cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa?
- 11-09-2021Một cổ phiếu ngân hàng tăng trên 100% trong tháng rưỡi qua
Thị trường tuần này dồn sự chú ý nhiều vào thông tin khả năng mở cửa kinh tế tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía nam. Cuối tuần qua, lãnh đạo TP.HCM cho biết TP dự kiến phải xin Chính phủ thêm 2 tuần mới có thể đạt được mục tiêu kiểm soát dịch.
Trên thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đứng ngoài cuộc khi nhìn các nhóm cổ phiếu khác tăng giá. Liệu diễn biến ở nhóm này có được sự chuyển biến? Thị trường đang xuất hiện tâm lý rút dần vốn? Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi giao dịch thời điểm hiện nay?
BizLIVE ghi nhận chia sẻ từ chuyên gia một số công ty chứng khoán :
Dòng tiền đầu tư bế tắc vẫn tìm đến kênh chứng khoán
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á
Thị trường tuần này vẫn ở xu hướng lưỡng lự nhưng sẽ chuyển qua trạng thái tích cực. Động lực hỗ trợ đến từ nhóm ngân hàng, tuy không tăng mạnh nhưng hỗ trợ tương đối cho chỉ số.
Hiện nay dòng tiền đang dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu vừa, nhỏ và sẽ tìm đến các cổ phiếu tích lũy, đón sóng đầu tư công và mở cửa lại nền kinh tế như thủy sản, thép, lương thực phẩm, bán lẻ… Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh 20%- 30% thời gian qua đã phần nào hấp thụ thông tin nợ xấu dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới; và hiện đang trạng thái tích cực cộng với thông tin NHNN ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tin 01 cho phép các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhóm cổ phiếu này khả năng sẽ đón nhận dòng tiền lớn quay trở lại trong cuối quý 3 và đầu quý 4 khi tình trạng nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt đông trong điều kiện bình thường mới.
Tuy nhiên, dòng ngân hàng muốn tăng đòi hỏi lượng tiền khá lớn để kích hoạt. Đó sẽ là những nhà đầu tư lớn, ông chủ ngân hàng, “team” lớn tham gia tạo thanh khoản ở nhóm này. Nhưng “team” lớn họ lại nhìn việc mở cửa thị trường như thế nào, bao giờ sẽ mở cửa. Trong khi đó vấn đề này hiện giờ vẫn là câu hỏi khá mơ hồ, nên nhóm này chưa hành động.
Thị trường chứng khoán dù giãn cách xã hội nhưng nhà đầu tư mở mới tháng 8 đạt 120.000 tài khoản tiếp tục tăng mặc dù trọng điều kiện giãn cách nghiêm ngặt trong thời gian qua, đây là điều tích cực với thị trường.
Nếu cho mở lại hoạt động thì khả năng di chuyển tốt hơn, dòng tiền lúc đó sẽ tham gia tích cực.Bởi hiện tại những người có tiền muốn đầu tư chứng khoán nhưng việc chuyển tiền online khó khăn, ra ngân hàng càng không thể vì giấy đi đường, chi nhánh không mở cửa. Nên nếu mở cửa trở lại những đối tượng đang tham gia thị trường chứng khoán sẽ tăng nguồn tiền đầu tư lên. Bởi nếu mở cửa thì nhiều hoạt động chưa bình thường, dòng tiền vẫn bế tắc phải đi tìm kênh đầu tư nào đó, mà hiện nay là đầu tư chứng khoán.
Yếu tố hiện nay cần chú ý, nếu thị trường tăng lên ngưỡng nào đó có thể đối diện với một kịch bản đã từng xảy ra trong quá khứ. Đó là thời điểm 2007, khi đó thị trường chứng khoán tăng cao, bất động sản cũng tăng. Nhưng khi thị trường chứng khoán bắt đầu đi xuống, thị trường bất động sản vẫn tăng. Và thời gian sau đó thì thị trường chứng khoán sập.
Quan sát cho thấy, hiện nay một số nhà đầu tư đi theo kịch bản cũ, có vẻ họ chờ đợi thị trường chứng khoán bùng lên và họ bán ra, đi lại quy trình cũ. Nhiều người cầm vài ba trăm tỷ và canh khi nào bán ra được, họ cho biết đang canh bất động sản. Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường bất động sản sẽ có giai đoạn chùng xuống, họ chuẩn bị tiền cho kịch bản này.
Nếu để ý nhiều doanh nghiệp đang ôm tiền mặt lớn nhưng nợ ngân hàng cũng lớn. Họ chấp nhận vay ngân hàng lãi suất cao, dùng tiền đó gửi tiết kiệm lãi suất thấp. Những doanh nghiệp nào đang tích lũy tiền mặt được, họ chấp nhận không trả nợ ngân hàng, họ đang hướng tới kịch bản, sau giai đoạn khó khăn này sẽ có những lớp doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện là thời điểm giãn cách họ không tiếp xúc được, nhưng sau đó doanh nghiệp nào đang cầm tiền mặt là vua. Sẽ tới lúc tiền mặt là vua. Họ sẽ mua dự án, sẽ M&A hàng loạt dự án.
Hiện nay điểm lo ngại lớn nhất của thị trường là bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Mặc dù P/E hiện nay tương đối hấp dẫn nhưng lượng bán của NĐTNN tăng. Có hai vấn đề, hiện nay có 2 lượng bán ròng tương đối, thứ nhất NĐTNN bán ròng, thứ 2 trong thời gian gần đây bán ròng cổ phiếu quỹ, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ. Đây là yếu tố bất lợi cho thị trường. Trong thời gian tới nếu yếu tố này tiếp tục tăng mà dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân mới không cân nổi dòng này thì áp lực thị trường phải đi xuống.
Nhà đầu tư nên thận trọng trước sự tăng quá nóng của những cổ phiếu nhỏ mang tính chất đầu cơ cao, dòng tiền vào nhanh và ra cũng rất nhanh; vì đứng trước những khó khăn như hiện nay thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý 3 cảu các doanh nghiệp này kém khả quan nên việc tăng giá này nhiều khả năng đến từ nhóm đầu cơ thoát hàng.
Thị trường nhiều khả năng dao động trong vùng 1.330 điểm – 1.370 điểm
Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp - CTCK Dầu khí (PSI)
Thực tế thị trường chứng khoán trong tuần vừa qua đã đón nhận luồng thông tin về việc TP.HCM bắt dầu thực hiện giai đoạn 1 trong lộ trình mở cửa và tăng điểm khá tốt cũng như một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh dự kiến tháng 8. Về cơ bản ngay cả khi cần thêm thời gian để kiểm soát dịch bệnh thì việc nới lỏng dù sớm hay muộn vẫn sẽ diễn ra.
Thị trường chứng khoán tuần vừa qua cũng tăng nhưng chỉ một vài ngành, và VN-Index thì không tăng quá mạnh. Tác động của luồng thông tin tích cực trên đến thị trường trong giai đoạn tới nhiều khả năng không quá lớn vì lộ trình mở cửa vẫn còn phụ thuộc vào quá trình kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến độ tiêm chủng vắc xin.
Vì vậy tôi cho rằng khả năng thị trường trong tuần này vẫn diễn biến tích cực, nhưng mức tăng khó mạnh vì thiếu thông tin hỗ trợ và hiện không có nhóm cổ phiếu bluechips dẫn dắt. Thị trường nhiều khả năng dao động trong vùng 1.330 điểm – 1.370 điểm và dòng tiền sẽ tiếp tục phân hoá vào những cổ phiếu hưởng lợi từ nới lỏng giãn cách xã hội.
Xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào lộ trình nới lỏng giãn cách phụ thuộc diễn biến dịch, tốc độ triển khai tiêm vắc xin. Tuy nhiên theo thông tin trích dẫn từ WJS, các thành viên của Fed có thể sẽ bắt đầu triển khai quá trình giảm lượng trái phiếu mua từ tháng 11 trong cuộc họp gần nhất vào ngày 21/9-22/9, báo hiệu quá trình “tapering” trong chính sách tiền tệ của Fed, do đó sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán thế giới nói chung cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Do đó, tôi đánh giá thị trường sẽ tiếp tục diễn biến giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo nhưng sẽ khó kỳ vọng các nhịp tăng mạnh mẽ xuất hiện và sẽ có sự phân hoá khá lớn giữa các nhóm ngành.
Theo tôi việc marign tăng mạnh trong tháng 8 và trở lại gần mức kỷ lục không phải là điều quá rủi ro với thị trường vào thời điểm này bởi các lý do sau:
Thứ nhất, thị trường chứng khoán đã có một sự điều chỉnh hạ nhiệt trong 2 tháng vừa qua khiến những nhà đâu tư F0 thận trọng và chủ động điều tiết hơn trong việc sử dụng margin.
Thứ hai, thị trường chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn với người dân trong thời điểm hiện tại, điều này được thể hiện qua con số tài khoản mở mới trong 3 tháng gần nhất luôn trên 100.000 tài khoản giúp bổ sung thêm một luồng tiền mới vào thị trường chứng khoán.
Hiện các công ty chứng khoán được cho vay không quá 200% vốn chủ sở hữu, do đó việc hoàn tất tăng vốn trong thời gian gần đây sẽ chủ yếu tạo dư địa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong tương lai, góp phần cải thiện thêm thanh khoản cho thị trường chứng khoán về mặt trung và dài hạn.
Hiện nay, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệt xây dựng sẽ là nhóm cổ phiếu cần lưu ý do đây là hoạt động có tác động nhanh trong quá trình phục hồi kinh tế trở lại.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến các doanh nghiệp năng lượng, bán lẻ, logistics khi nhu cầu nội địa tăng mạnh trở lại sau thời gian giãn cách.
Đối với nhóm cổ phiếu hàng không tăng mạnh trong tuần qua nhờ kỳ vọng vào việc nới lỏng, tuy nhiên dư địa tăng giá trong thời gian tới sẽ không nhiều do việc tăng giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào yếu tốt cốt lõi cơ bản là doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, tuy nhiên nhóm ngành này sẽ mất nhiều thời gian trong việc hồi phục lại hoạt động kinh doanh.
Khả năng dòng tiền đầu cơ, người xem chứng khoán là “nghề tạm” sẽ rút
Ông Bùi Văn Huy, Chuyên gia chứng khoán
Về trạng thái thanh khoản giảm tuần qua, thực tế có lẽ đến từ việc thị trường chưa sẵn sàng trong việc vượt qua kháng cự quan trọng. Thực sự phiên phân phối khoảng 40 ngàn tỷ trên HOSE là một cái gì đó không dễ vượt qua trong một sớm một chiều. Đặc biệt đó đã là nhịp phân phối thứ 2, với đỉnh thấp hơn nhưng thanh khoản lại cao hơn.
Để vượt qua kháng cự nào đó để xác nhận vào sóng, không chỉ là điểm số vượt qua là đủ. VN-Index từ lâu nay được biết đến là dễ dàng bị nhiễu bởi một số cổ phiếu lớn đặc thù hoặc thanh khoản thấp. Để khẳng định thị trường vào sóng mới cần điểm số thuyết phục, thanh khoản thuyết phục và độ rộng thuyết phục. Bài toán thanh khoản hiện nay cần giải nhất, vì khách quan, đừng nói về đỉnh (điểm số), hãy giải bài toán cung cầu (thanh khoản lượng hàng kẹp) của các vùng đỉnh trước đó đã.
Giá chứng khoán là cung-cầu. Nhưng thực tế trong phân tích, người người bỏ qua vế quan trọng đó là…cung. Tiền có vào mạnh đi chăng nữa mà cung tăng mạnh hơn thì giá cũng khó tăng chứ đừng nói là tiền rút. Thực tế cho thấy cung chứng khoán tăng mạnh sau những đợt phát hành gần đây. Điều này gợi nhớ chút gì đó về năm 2018 khi hàng loạt các thương vụ phát hành lớn xảy ra. Năm 2019 và 2020 không có sự gia tăng đáng kể nguồn cung nào nên có thể thấy sóng tăng từ đáy thị trường đến cuối 2020 diễn ra rất nhẹ nhàng. Theo số liệu thống kê từ HOSE, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng trên HOSE (chưa tính HNX và UPCOM) có đến gần 8 tỷ cổ phiếu mới lên sàn. Đương nhiên không phải cổ phiếu mới nào cũng trôi nổi mà phải căn cứ theo freefloat, nhưng phải thừa nhận giai đoạn gần đây, nếu giao dịch nhiều cổ phiếu sẽ cảm nhận rõ áp lực cung.
Về kỳ vọng tái mở cửa và tác động đến thị trường, trước tiên cần khẳng định, để phân tích xu hướng thị trường chứng khoán thì thứ duy nhất chỉ nên nhìn vào đó là cung và cầu. Cung và cầu là kỳ vọng tổng thể của nhiều yếu tố, từ những yếu tố lớn nhất từ góc nhìn vĩ mô, liên thị trường, đến yếu tố nhỏ hơn về ngành, doanh nghiệp. Do đó chỉ một sự kiện nhất định để kết luận thị trường sẽ lên hay xuống như kiểu “đỉnh dịch, đáy chứng khoán” hay “dịch ở nhà không làm gì tiền chỉ đổ vào chứng khoán” hay “tái mở cửa kinh tế tiền sẽ rút khỏi chứng khoán” thì sẽ trở nên phiến diện.
Về việc tái mở cửa kinh tế TP.HCM, khả năng dòng tiền đầu cơ, người xem chứng khoán là “nghề tạm” sẽ rút về hoạt động bình thường. Điều này có cơ sở. Mặt khác cũng sẽ có dòng tiền trở lại, đó là những người trước đây đã rút bớt khỏi thị trường khi lo ngại COVID-19. Dòng tiền nào lớn hơn thì cần phải quan sát. Cũng không loại trừ khả năng dòng tiền rút ra nhiều hơn, nhưng ngay cả như vậy cũng là lành mạnh. Thị trường sẽ bớt đầu cơ và giàu tính đầu tư hơn, và thị trường chứng khoán dù có ít dòng tiền hơn nhưng dựa trên một nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, đó là điều đáng mừng. Luôn không thiếu những cơ hội đầu tư.
Nhìn chung thời gian tới, thị trường cần có sự trở lại của thanh khoản, còn không thì câu trả lời tiền vào hay tiền ra chiếm ưu thế là đã rõ.
Tâm lý đầu cơ thái quá đã xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, do đó việc điều chỉnh cũng là bình thường. Không thể phủ nhận nhiều nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có những câu chuyện hay để dẫn dắt về sóng ngành, tuy nhiên cũng không ít cổ phiếu tăng mà không kèm theo cơ bản. Đương nhiên khi tiền rút, rủi ro sẽ rất cao ở nhóm này. Do đó nhà đầu tư cần nhìn thêm về cơ bản doanh nghiệp, định giá và rủi ro của từng doanh nghiệp trước khi quyết định tham gia
Về việc tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu lớn, điều này chưa thực sự rõ. Cụ thể là thanh khoản các cổ phiếu trụ không được cải thiện đáng kể. Khi nhóm các cổ phiếu trụ hãm đà rơi và thị trường có những phiên phục hồi, nhiều chuyên gia hoặc bộ phận nghiên cứu của các CTCK thường đưa ra khuyến nghị với việc kỳ vọng đi lên. Tuần qua nhóm ngân hàng được khuyến nghị nhiều. Nhưng cũng phải khẳng định, nếu ở trong ngắn hạn, họ không phải là người quyết định xu hướng. Dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền thông minh sẽ quyết định điều này. Thị trường luôn đúng và dòng tiền là để bám theo cho những giao dịch trong ngắn hạn, “Trade what you see, Not what you think”, hãy nhìn vào thực tế và đừng bắt thị trường phải đi theo kỳ vọng của mình. Cũng đừng tin ai nếu họ có tư duy như vậy.
Nhìn thẳng là nhóm cổ phiếu trụ cũng như thị trường, cần giải quyết lượng hàng của những phiên phân phối. Cần tăng qua kháng cự cùng với sự bứt phá của giá, thanh khoản và độ rộng. Nhiều cổ phiếu trụ cũng tăng cung nhiều qua phát hành trong thời gian qua. Còn nhà đầu tư vẫn có thể tự tin mua trước khi những diễn biến trên xảy ra khi bạn tìm được lý do thuyết phục và chắc chắn giá và thanh khoản sẽ làm được điều kể trên trong ngắn hạn. Hoặc đơn giản hơn, nhà tạo lập thị trường hoặc chính là dòng tiền thông minh.
BizLIVE