MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm điểm chứng khoán: “Soi” cổ phiếu ngân hàng phân cực quốc doanh - tư nhân

25-10-2021 - 14:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán vẫn còn động lực tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang vận hành hồi phục trở lại. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân cực, trong đó nhóm tư nhân có triển vọng tốt.

Tâm điểm chứng khoán: “Soi” cổ phiếu ngân hàng phân cực quốc doanh - tư nhân - Ảnh 1.

Từ trái qua: Ông Huỳnh Minh Tuấn, ông Đỗ Trung Thành, ông Võ Văn Cường.

Tuần qua, ngoài phiên đáo hạn phái sinh, thị trường gần như đi ngang với biên độ hẹp. Kết quả kinh doanh quý 3 tích cực chưa cho thấy tác động rõ rệt đối với nhóm cổ phiếu Bluehips. Nhiều mã trong VN30 suy yếu đáng kể trong khi dòng tiền vẫn chỉ giao dịch mạnh ở cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ…

Thị trường đã chờ đợi dòng tiền trở lại với Bluechips trong nhiều tuần qua nhưng không thành công. Vậy đâu là nguyên nhân? Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở trạng thái nào? Thị trường có động lực nào để tăng trưởng tiếp sau mùa báo cáo quý 3 kết thúc?

BizLIVE ghi nhận ý kiến nhận định của một số chuyên gia xoay quanh những câu hỏi trên.

THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM ĐANG RẺ HƠN RỔ CHUNG THỊ TRƯỜNG CẬN BIÊN

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở, CTCK Mirae Asset Việt Nam

Tuần qua thị trường đáo hạn phái sinh. Điểm bất ngờ là bán ròng của khối ngoại . Lý giải cho bán ròng đến từ giả thuyết Dragon Capital và VinaCapital tái cơ cấu danh mục đầu tư . Việc cơ cấu cũng quen với nhà đầu tư. Đánh chú ý, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 5.000 tỷ đồng, tự doanh và tổ chức bán thì nhóm này “cân” luôn.

Tuần qua, khối ngoại bán ròng ở thị trường Việt Nam và Ấn Độ. Định giá của thị trường Việt Nam đang ở 16,5 lần, một số thị trường quanh khu vực như Malaysia 15,5, Thái Lan hơn 20 lần, Indonesia hơn 25 lần, Singapore hơn 24 lần… Thị trường Việt Nam đang rẻ hơn mặt bằng chung ở rổ thị trường cận biên gần 15% (18,74 lần).

Về vĩ mô, xoay quanh thông tin họp Quốc hội, đầu tư công, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, miễn giảm thuế. Kỳ vọng Chính phủ sẽ bơm thêm những gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Đồng thời có những chính sách liên quan tiền tệ, kỳ vọng có những gói hỗ trợ giảm lãi suất.

Khác với thuế, đối với những doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ được giảm tiền thuế, còn với doanh nghiệp lỗ thì giảm thuế không tác dụng. Như vậy kỳ vọng có chính sách tiền tệ, giảm chi phí tài chính sẽ có tác động mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp.

Ở nhóm ngân hàng, có sự không đồng đều giữa nhóm ngân hàng tư nhân và quốc doanh. Nhóm quốc doanh bao hàm cổ phiếu lớn như VCB, BID, CTG hầu hết trạng trái vẫn trong vùng tích lũy. Tuần qua có trở lại tích cực của VCB đóng góp chung vào chỉ số. Nhưng CTG tiếp tục cho trạng thái đi xuống, có xu hướng test đáy cũ 29.500 đồng, áp lực lớn với nhóm quốc doanh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh chưa thấy đồng thuận dòng tiền. Chưa có diễn biến mới với nhóm này, cần chờ thêm thông tin về kết quả kinh doanh và thông tin khác. Nhóm này sẽ không có cú giảm quá mạnh mà đi theo hướng tích lũy để tạo động lực mới cho quý 4/2021 hoặc đầu 2022.

Với nhóm ngân hàng tư nhân thì đang ở ngưỡng khác. Trong khi quốc doanh đang tìm đáy tốt thì tư nhân đang tích lũy, ở phiên đầu tuần trước thoát khỏi nền tích lũy, bật tăng, hiện đang xây nền cho mục tiêu tiếp tục. Nhóm này trong 2 tuần gần đây thanh khoản lớn cho thấy tích lũy trên nền tốt, đang tái tạo cho nhịp tăng mới của nhóm này.

Tuần này chỉ cần nhóm này tăng thì thị trường có thể sẽ thoát khỏi xu hướng hiện tại vì nhóm này chiếm trọng số lớn thị trường chung. Nhóm này không ảnh hưởng xấu là đã ổn mà nếu tăng thì rất tốt cho thị trường. Trong nhóm này có TCB, VPB, OCB là những cổ phiếu mạnh hơn trong nhóm, có thể tăng tốt trong thời gian tới.

Với nhóm bất động sản, 3 tuần trở lại đây sau khi thoát khỏi nền tích lũy đang sung sức tăng, thanh khoản tốt. Mục tiêu ngắn hạn của nhóm quanh vùng 250, xa hơn 275, cách hiện tại 10-12%. Một số cổ phiếu như DIG, HDC, KDH, NLG có dòng tiền tốt và tốt có thể tham gia ngắn hạn. Với bất động sản công nghiệp, trong quý 3 và 4 là nhóm ngành dẫn dắt tốt cho thị trường. Đánh giá nhóm này vẫn trên xu hướng tăng tốt, nhưng cũng có sự phân hóa.

Ở nhóm thép, trước đây tích lũy quanh 350-450. Xu hướng của nhóm này vừa tăng vừa chỉnh, có độ lỳ, còn tăng xa hơn nữa với động lực, quán tính còn tốt. Tầm nhìn xa thì HPG là cổ phiếu đầu ngành, dẫn sóng ngành này. Mục tiêu nhóm này tiếp tục tăng ngắn hạn, kháng cự quanh 600.

Về ngành thủy sản, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tốt là bất ngờ với thị trường. Trong quý 3 doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng bởi COVID dẫn tới năng lực sản xuất sụt giảm. Nhưng vì họ có lượng hàng tồn kho trước đó đủ bù đắp công suất giảm, việc giao hàng được chuẩn bị. Giá cả phục hồi, nhu cầu phục hồi Mỹ, EU nên giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt.

Các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU phục hồi từ khoảng quý 2 trở lại đây. Đà phục hồi còn kéo dài tới quý 4 khi các nước mở cửa hoàn toàn trở lại, theo đó duy trì khả quan với nhóm này.

BLUECHIP GIẢM SÔI ĐỘNG KHÔNG PHẢI LÀ DIỄN BIẾN XẤU

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest

Tới thời điểm hiện tại, tôi vẫn cho rằng thị trường cần giai đoạn tích lũy để nhà đầu tư tiếp tục đánh giá triển vọng quý 4/2021.

Gần đây, nhóm cổ phiếu Penny, Midcap hút tiền vào tốt trong khi Bluechip giảm sôi động không phải là diễn biến xấu của thị trường. Thanh khoản một phiên vẫn luôn trên 20.000 tỷ đồng vẫn cho thấy tiền đang dồi dào trên TTCK. Giao dịch tại các cổ phiếu Midcap đã tăng lên 55% trong khi nhóm vốn hóa lớn giảm xuống 43%.

Nhóm cổ phiếu lớn có thể có kém hấp dẫn hơn nhưng theo tôi cũng khó có lý do để gây ra giảm sâu. Ước tính ban đầu của tôi là lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp lớn có thể giảm 3-4%. Tuy nhiên, như đã thấy, báo cáo tài chính quý 3/2021 lại không đưa ra những số liệu tiêu cực. Một số doanh nghiệp lớn, hay ngân hàng hay như VHM ở nhóm bất động sản vẫn sẽ lãi tốt.

Thông tin gây ám ảnh với nhà đầu tư vào nhóm bất động sản là Evergrande rốt cuộc cũng không khiến các cổ phiếu trong ngành bị tiêu cực. Vì vậy, khi cả nhóm ngân hàng và bất động sản không xấu thì thị trường rất khó có lý do để giảm sâu.

Tuy nhiên, nhóm vốn hóa lớn cũng đang gặp khó để tìm động lực tăng giá. Các mã có khả năng nhất như VHM, MSN, SAB, VHM có lẽ cũng chỉ giúp thị trường nhích lên.

Trong 2 tháng tới, các cổ phiếu vốn hóa vừa vẫn khả năng tạo lợi nhuận bởi nhiều công ty đang có dự báo quý 4 tăng tốt. Còn đầu quý 1/2022, thị trường sẽ có cơ hội bứt phá bởi đây là quý khởi động cho cả năm 2022, thời điểm năng suất được phục hồi, xuất khẩu trở về trước thời điểm bùng dịch lần thứ 4.

BA NGUYÊN NHÂN CHƯA ĐỘT PHÁ THANH KHOẢN

Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)

Như trong các nhận định trước, xu hướng của thị trường chưng khoán trong đầu quý 3 chủ yếu sẽ dao động với xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp một phần do mức định giá đã phản ánh kết quả kinh doanh và một phần thận trọng khi việc thu hẹp chính sách tiền tệ của Fed vào tháng 11 sẽ ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán trong đó có thị trường Việt Nam.

Hoạt động sản xuất kinh tế dần khôi phục trở lại có thể khiến dòng vốn có thể chuyển dần một phần trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống khiến dòng tiền khó có thể bùng nổ như giai đoạn đầu năm, do đó nhiều khả năng sau khi kết thúc mùa báo cáo tài chính, thị trường có thể tiếp tục dao động theo xu hướng “sideway up” với sự đi lên riêng lẻ của một số nhóm ngành trong bối cảnh thanh khoản thiếu sự bùng nổ.

Diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản như NLG, HDC, DIG , KDH, DPG... trong thời gian vừa qua cũng là khá ấn tượng. Nhóm bất động sản tăng giá khá tích cực có thể đến từ 2 yếu tố. Thứ nhất là kỳ vọng đẩy đầu tư công có thể giúp cải thiện hạ tầng giao thông qua đó tác động đến giá bất động sản. Thứ hai là sau giai đoạn giãn cách kéo dài ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động bán hàng và tiến độ xây dựng có thể khôi phục giúp cải thiện lợi nhuận trong tương lai của các doanh nghiệp.

Mặc dù số lượng tài khoản mở mới vẫn duy trì ở mức cao nhưng thanh khoản thị trường thời gian gần đây vẫn chưa có sự đột phá có thể do nhiều nguyên nhân:

Một là, kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng dự kiến suy giảm do tăng trích lập bởi nợ xấu tăng dẫn đến thanh khoản vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường ảnh hưởng.

Hai là, tương tự giai đoạn đầu 2018, một lượng vốn trên thị trường chứng khoán được thu hút vào việc tăng vốn phát hành của các doanh nghiệp niêm yết khiến thanh khoản suy giảm.

Ba là, một phần dòng vốn quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống sau khi nền kinh tế bắt đầu vận hành mở cửa lại trong trạng thái bình thường mới.

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán vẫn còn động lực tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang vận hành hồi phục trở lại, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành trong ngắn hạn.

Các nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ, logistics, công nghệ thông tin, thủy điện, thủy hải sản, bất động sản và đặc biệt là nhóm cổ phiếu năng lượng được kỳ vọng sẽ là nhóm ngành có hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực nhất trong thời gian tới.

BizLIVE

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên