MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm điểm chứng khoán: Sự trở lại của các tay chơi chuyên nghiệp

Theo chuyên gia, trong ngắn hạn áp lực điều chỉnh vẫn nặng với VN-Index, nhưng khi tâm lý nhà đầu tư được ổn định, là giai đoạn phục hồi của thị trường…

Tâm điểm chứng khoán: Sự trở lại của các tay chơi chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Từ trái qua: ông Nguyễn Thế Minh, ông Huỳnh Minh Tuấn, ông Hoàng Anh Tuấn

Theo chuyên gia, trong ngắn hạn áp lực điều chỉnh vẫn nặng với VN-Index, nhưng khi tâm lý nhà đầu tư được ổn định, là giai đoạn phục hồi của thị trường…

Trước kỳ nghỉ Lễ dài, VN-Index giữ được trên mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên, dễ thấy thanh khoản thị trường giảm dần đều. Các yếu tố tác động trong nước và thế giới vẫn khó lường khiến kịch bản cho thị trường trong ngắn hạn theo đó cũng khó đoán định…

Chúng tôi ghi nhận bình luận từ một số chuyên gia cho tuần giao dịch mới:

Qua cơn bĩ cực!

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder kiêm Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư FIDT

Từ đầu 2022 đến nay, mặc dù đã trải qua 8 tháng chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, nhưng với sức mạnh nội tại được cải thiện trong nhiều năm vừa qua, thì Việt Nam vẫn đang được xem là điểm sáng về tăng trưởng ở châu Á và trên thế giới.

Một, Việt Nam là một trong những nước ít bị ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine hơn các nước phương Tây.

Hai, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero COVID”. Điều này khiến hoạt động sản xuất bị đứt gãy, và các đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển qua các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Ba, lạm phát Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, cũng như nhiều nước châu Á khác, giá năng lượng vẫn chiếm tỷ trọng lớn vào đà tăng lạm phát của Việt Nam. Với việc giá dầu hạ nhiệt từ tháng 7 đến nay, và dư địa về giảm thuế xăng dầu đang giúp Việt Nam tạo ra nhiều dư địa kiểm soát được lạm phát.

Bốn, tỷ giá ít biến động nhất so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang duy trì được trạng thái thặng dư thương mại trong năm nay và nhiều năm vừa qua. Cả trong (tiêu dùng trong nước) và ngoài (xuất nhập khẩu) của Việt Nam vẫn đang duy trì tốt.

Bất chấp những điểm sáng về kinh tế vĩ mô và nội tại, thị trường chứng khoán Việt Nam lại là 1 trong những chỉ số có diễn biến tệ nhất trên thế giới từ đầu năm tới nay. Ngoài những yếu tố từ bên ngoài như Fed tăng lãi suất, thì vụ Trái phiếu Tân Hoàng Minh đã có những tác động mạnh mẽ lên thị trường. Mặc dù đây là cú hãm phanh cần thiết của cơ quan quản lý để tránh những hệ lụy nguy hiểm về sau (cụ thể là nợ xấu do các bên huy động vốn không đúng mục đích), nhưng cũng đã có những tác động tiêu cực lên thanh khoản và tâm lý thị trường.

Tác động còn đến từ những tin đồn về các ông chủ lớn, chưa có năm nào thị trường lại có nhiều tin đồn liên quan đến nhiều ông chủ các doanh nghiệp như năm nay và còn kéo dài. Các tin đồn này đa phần đều không xảy ra trừ vụ Tân Hoàng Minh, nhóm cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân. Nhưng các tin đồn này đã làm suy kiệt về mặt tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn quý 2.

Mặc dù 2 sự kiện trên sẽ tốt cho thị trường và nền kinh tế trong trung và dài hạn, nhưng có tác động rất lớn đến tâm lý thị trường. Đặc biệt với 1 thị trường cận biên như Việt Nam bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân thì yếu tố tâm lý có tác động rất lớn. Và đã khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn so với các thị trường khác.

Khi tâm lý được ổn định, thì cũng là giai đoạn phục hồi của thị trường. TTCK đón nhận sự trở lại của các tay chơi chuyên nghiệp, sau khi bán mạnh trong các tháng đầu năm, thì nhóm này đang quay trở lại mua ròng trong các tháng gần đây. Có thể thấy, giai đoạn này khối ngoại lẫn tổ chức đang dần lấy lại sự chủ động từ nhà đầu tư cá nhân.

P/E Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực cho dù ROE của Việt Nam lại cao hơn. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thâm dụng vốn, điều này khiến ROE tăng lên. Nhưng cũng không thể phủ nhận hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam giai đoạn 2016 trở lại đây đã cải thiện hơn rất nhiều lần so với trước đó.

Xét về tốc độ tăng trưởng EPS, Việt Nam vẫn đang vượt trội hơn so với các nước trong khu vực, và trung bình các thị trường mới nổi với kỳ vọng tăng trưởng 30% trong năm nay. Điều này cũng đang đồng pha với những phân tích về vĩ mô ở phía trên, khi mà Việt Nam vẫn là điểm sáng.

Vì thế, với định giá P/E hiện tại vẫn là mức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung dài hạn khi so sánh với quá khứ, so sánh với các nước trong khu vực và thị trường mới nổi.

So sánh tương quan với 2018, cũng là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán, và có điểm tương đồng với hiện tại là vào chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, có một số khác biệt là nền kinh tế 2018 đạt đỉnh từ quý 2, trong khi hiện tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt, ít nhất là đến hết 2022.

VN-Index chưa thể vượt qua được 1.285 điểm

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

VN-Index trong những phiên vừa qua chưa vượt được 1.260 - 1.285 điểm là vùng cản trong ngắn hạn. Trước mắt thanh khoản hiện nay ở mức suy yếu dần. Hai là bắt đầu có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi đã qua mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.

Thêm nữa, các doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán giữa năm. Sau khi kiểm toán là soát xét, có những doanh nghiệp đang lãi thành lỗ. Có thể thấy những nhóm ngành trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là bất động sản, là nhóm chịu ảnh hưởng nặng trong 6 tháng đầu năm khi thanh khoản thị trường bất động sản yếu đi. Nhìn chung, điều này khiến nhà đầu tư thận trọng trong ra quyết định đầu tư chứ không hào hứng như trước.

Thứ hai diễn biến TTCK Mỹ chưa chững lại đà giảm. Cuối tháng 9 Fed có cuộc họp để quyết định việc tăng lãi suất, nhiều khả năng là kịch bản tăng lãi suất mạnh của Fed để kiềm chế lạm phát. Như vậy chu kỳ tăng lãi suất của Fed chưa dừng lại cho đến khi lạm phát dưới 2%.

Về cơ bản tâm lý nhà đầu tư dồn nén, thận trọng. Rủi ro thời gian gần đây có chiều hướng tăng lên khi độ rộng thị trường thu hẹp. Tôi cho rằng trong ngắn hạn VN-Index chưa thể vượt qua được 1.285 điểm. Sau lễ thị trường sẽ theo hướng tiêu cực nhiều hơn. Nếu chỉ số giữ được 1.260 điểm, vùng hỗ trợ gần nhất, xu hướng tăng còn tiếp diễn. Nhưng nếu chỉ số xuyên thủng 1.260 điểm thì chỉ số sẽ theo hướng xấu hơn trong ngắn hạn.

Thị trường đang giống như 2018-2019, thời điểm Fed tiến hành tăng lãi suất. Trong các lần tăng lãi suất thì gần như tác động mạnh ở giai đoạn đầu tăng lãi suất, những lần tăng lãi suất kế tiếp chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn, sau một số phiên giảm thị trường hồi phục trở lại.

Đà tăng trung hạn còn đang duy trì, nhịp điều chỉnh thời gian qua tác động trong ngắn hạn. Do đó những nhịp giảm sau lễ sẽ có sự phân hóa. Những cổ phiếu trong nhóm ngành dẫn đầu có thể vẫn duy trì đà tăng, hút dòng tiền mạnh bất kể thị trường có áp lực điều chỉnh mạnh đến đâu gồm khí đốt, bán lẻ, hóa chất, sản xuất thực phẩm…

Ngoài ra, thị trường có thể nhận được được bệ đỡ từ nhóm ngân hàng, khi khả năng cao NHNN sẽ ra quyết định mở thêm room tín dụng còn lại ở các NHTM.

Về chiến lược đầu tư, hiện tại tạm thời nhà đầu tư không nên mua mới, rủi ro tương đối cao. Thứ hai, nhà đầu tư nên cơ cấu đưa tỷ trọng về cân bằng hơn, đặc biệt nắm giữ cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt trong quý 2, gồm một số cổ phiếu ở các nhóm ngành kể trên.

Nhà đầu tư có thể đợi đến khi có 2 kịch bản cân nhắc giải ngân trở lại. Một, có thể đợi khả năng chỉ số vượt 1.285 điểm, rủi ro khi đó giảm đi. Hai là đợi nhịp điều chỉnh sâu thêm của thị trường. Hiện vùng mua khá rủi ro 50/50. nhà đầu tư tốt nhất nên đứng ngoài và quan sát, ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu về vùng cân bằng, ai dùng margin nên đưa về mức thấp.

Xác suất trên 50% là sẽ giảm điểm

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)

Thanh khoản 2 phiên cuối tuần thấp dần là điều dễ hiểu do 2 nguyên nhân chính. Một là phiên ngày 29/8 là phiên đầu tiên áp dụng T+2.5, thị trường hứng khởi và cổ phiếu về nhiều, tạo nên lực bán và khớp lệnh khá nhiều. Nguyên nhân thứ hai là do 2 ngày gần lễ, nhà đầu tư không tập trung nhiều vào giao dịch mà tập trung nghỉ ngơi trước ngày lễ dài.

Thị trường tuần rồi đã có phiên cố gắng chinh phục ngưỡng kháng cự trên 1.300 điểm, hỗ trợ đà tăng này là các cổ phiếu trụ cột thay nhau nâng đỡ tích cực cho thị trường, chủ yếu là nhóm VN30. Điều này đã giúp cho VN-Index là chỉ số hiếm hoi đi ngược với thị trường thế giới trong tuần vừa rồi và kể cả trong tháng 8. Tôi cho rằng thị trường đang cố gắng vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, nhưng nếu không thành công thì xác suất về lại vùng 1.200 điểm là khá cao.

Cơ hội đầu tư đang hấp dẫn ở các nhóm cổ phiếu xuất khẩu (do tỷ giá hiện tại đang leo thang vượt quá 24.000 VND/USD), ngành chứng khoán (do đã triển khai T+2), ngành dầu khí (giá dầu hiện tại vẫn đang neo ở mức cao 90 USD), nhóm cổ phiếu có vùng nền quý 3/2021 thấp do giãn cách COVID-19 (năm nay kết quả kinh doanh quý 3 tăng gấp nhiều lần).

Về chiến lược đầu tư thì nên đợi thị trường điều chỉnh, sắp tới ngân hàng trung ương các nước lớn sẽ tăng lãi suất. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên các tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán. Vẫn là các ngành nghề tiềm năng tôi đã kể trên, nên mua khi cổ phiếu giảm 10-20%, sau đó đợi 1 – 2 tuần bán ra chốt lời là chiến lược hợp lý nhất.

Tôi cho rằng thị trường trong tháng 9 sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi. Thứ nhất là thị trường đã trải qua chu kỳ tăng (sóng hồi) và đang chạm kháng cự vùng 1.300 điểm, xác suất trên 50% là sẽ giảm điểm. Thứ hai, các ngân hàng trung ương trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đang trong xu hướng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Thứ ba, tháng 9 cũng là vùng trũng thông tin khi mà kết quả kinh doanh quý 3 sẽ không được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Tôi cho rằng đây là lúc nhà đầu tư cần thận trọng và chờ đợi cơ hội rõ ràng.

Theo Huyền Châm

Nhịp sống kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên