Tâm điểm tuần tới: Rắc rối trên thị trường tiền điện tử toàn cầu, các dữ liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, Ngân sách của Anh
Kế hoạch tài khóa của Vương quốc Anh, được thị trường chờ đợi từ lâu, sắp được công bố, và sau vụ việc “mini-budget” (kế hoạch ngân sách nhỏ) hồi tháng 9, thị trường lúc này đang rất chờ đợi kế hoạch tài khóa.
Trên thị trường tiền điện tử, tình trạng đang rất hỗn loạn sau khi xảy ra rắc rối trên sàn giao dịch tiền điện tử FTX, đây sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường tài chính trong tuần tới. Bên cạnh đó sẽ là các vấn đề đáng chú ý khác như các dữ liệu mới nhất của Mỹ Trung Quốc, trong bối cảnh gia tăng hy vọng rằng lãi suất sẽ được điều chỉnh.
1/ Thời hạn công bố ngân sách đến gần
Thời điểm mà các nhà giao dịch đồng bảng Anh chờ đợi đã gần đến. Vào ngày 17 tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ công bố kế hoạch tài chính của Chính phủ.
"Kế hoạch ngân sách nhỏ" hồi tháng 9 của người tiền nhiệm Kwasi Kwarteng đã đẩy đồng bảng Anh lao dốc và buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn chặn biến động trên thị trường trái phiếu. Ông Hunt đã loại bỏ hầu hết nội dung trong kế hoạch đó, và báo hiệu trong kế hoạch mới sẽ có nội dung tăng thuế khoảng 60 tỷ bảng Anh (68,70 tỷ USD) và cắt giảm chi tiêu để thu hẹp khoảng cách trong tài chính công.
Các thị trường ở Vương quốc Anh đã lấy lại gần hết nhưng gì đã mất sau khi "Ngân sách nhỏ" được công bố, nhưng triển vọng vẫn rất u ám. Nền kinh tế nước này phải đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất trong một thế kỷ, khi cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ập đến.
2/ Hoảng loạn trên thị trường tiền điện tử
Thế giới tiền điện tử đã rơi vào tình trạng hỗn loạn mới bởi một cuộc khủng hoảng tại sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 3 thế giới - FTX. Vào thứ Sáu (11/11), sàn giao dịch FTX cho biết họ sẽ bắt đầu thủ tục phá sản ở Mỹ trong khi Giám đốc điều hành của FTX, Sam Bankman-Fried, từ chức.
Một thỏa thuận giải cứu được đề xuất từ sàn giao dịch đối thủ Binance đã bị hủy bỏ vào thứ Tư (9/11), khiến đồng bitcoin lao dốc xuống dưới 16.000 USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020.
Các nhà đầu tư tiền điện tử đang ở trong tình trạng bị sốc, bởi người sáng lập FTX, Bankman-Fried được nhiều người coi là thần đồng của thị trường tiền mã hóa. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi để đánh giá mức độ lây lan trong thị trường tiền điện tử, vốn năm nay đã bị lấn át bởi các ngân hàng trung ương đồng loạt đảo ngược chính sách tiền tệ đã từng áp dụng trong thời đại đại dịch. Mối lo ngại cũng đang gia tăng về tương lai của ngành công nghiệp tiền điện tử, vốn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giành lại sự ưu ái của các nhà đầu tư bán lẻ.
3/ "Bão" sa thải nhân viên của Big Tech
Sự sụt giảm vốn chủ sở hữu của các hãng công nghệ lớn nhất thế giới trong năm nay cho thấy có rất ít dấu hiệu sẽ kết thúc - do thu nhập thực tế của người tiêu dùng bị giảm, lo ngại suy thoái và việc định giá lại do lãi suất tăng cao làm giảm doanh thu trong tương lai của các Big Tech xuống mức giá hiện nay.
Sau những cảnh báo rải rác về các dịch vụ phát trực tuyến và quảng cáo trực tuyến trong mùa thu nhập – quý III/2022, các đợt sa thải hàng loạt hiện đang xuất hiện. Meta Platforms vừa thông báo sẽ cắt giảm hơn 11.000 việc làm, tương đương 13% lực lượng lao động.
Đó là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm nay và sau khi cắt giảm việc làm tại các công ty công nghệ khác bao gồm Twitter thuộc sở hữu của Elon Musk, Microsoft, MSFT.O và Snap SNAP.O. Các ngân hàng lớn cũng đang bắt đầu cắt giảm nhân sự.
Thế giới đang rơi vào tình trạng xáo trộn khi những "gã khổng lồ" công nghệ sa thải hàng nghìn nhân viên. Các mảng kinh doanh của những công ty đang sa thải mạnh nhân viên khác nhau nhưng có một điểm chung: họ tăng trưởng mạnh khi nhu cầu của người dùng với các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số tăng phi mã trong giai đoạn đại dịch, nhưng giờ đây, khi hoạt động trở lại bình thường, lãi suất và lạm phát gia tăng khiến khoảng thời gian tốt đẹp của họ chấm dứt.
Các thị trường đang theo dõi chặt chẽ xem liệu những công ty khác có làm theo hay không - và cố gắng đánh giá xem liệu đây chỉ đơn thuần là sự rút lui khỏi trình trạng số lượng nhân sự quá cao, do đại dịch làm méo mó thị trường hay là cái kết mong manh làm sâu sắc thêm bất kỳ cuộc suy thoái nào sắp tới, khi mà các ngân hàng trung ương cũng vẫn đang được xem là rất tích cực thắt chặt tiền tệ.
4/ Phản ứng của người tiêu dùng Mỹ khi Fed tăng lãi suất
Doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ, công bố vào thứ Tư (16/11) sẽ cho biết những người tiêu dùng đang nhiệt tình mua sắm đến mức nào trong mùa lễ hội mua sắm quan trọng của năm nay.
Và hãy nhớ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có ý định tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nóng, ngay cả khi quá trình tăng lãi suất đó sẽ làm hạn chế tiêu dùng.
Dữ liệu tháng 9 cho thấy thước đo doanh số bán lẻ cơ bản tăng nhờ tiền lương tăng mạnh và tiền tiết kiệm còn nhiều. Các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters dự đoán mức tăng của tháng 10 sẽ là 0,8%.
Vô vàn những thông tin cả tốt cả xấu có thể sẽ là những dữ liệu quan trọng cho thấy Fed còn nhiều việc phải làm trong việc hạ nhiệt nền kinh tế. Triển vọng đó khó có thể mang lại niềm vui cho các thị trường – vốn đã bị vùi dập bởi dự đoán Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong năm nay.
5/ Nhà đầu tư xuống tiền vì những tin đồn về Trung Quốc
Các nhà đầu tư cổ phiếu Trung Quốc đang ăn mừng việc Bắc Kinh nới lỏng một số quy tắc nghiêm ngặt chống dịch COVID-19, bao gồm việc rút ngắn thời gian cách ly xuống 2 ngày đối với những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh và đối với khách du lịch trong nước. Điều này được đưa ra bất chấp số ca nhiễm ở mức cao nhất trong 6 tháng và một số thành phố lớn tiếp tục bị đưa vào danh sách phong tỏa.
Dữ liệu sắp tới sẽ cho thấy ảnh hưởng từ những chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt của nước này: doanh số bán lẻ giảm, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng trước và doanh số bán bất động sản đang giảm kéo dài.
Tuy nhiên, đã le lói những tia hy vọng khi các nhà chức trách Trung Quốc cam kết sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thị trường đang chờ đơi xem liệu ngân hàng trung ương Trung Quốc có gia hạn 1.000 tỷ nhân dân tệ các khoản vay trung hạn cho các ngân hàng, đáo hạn vào thứ Ba (15/11), hay không?
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường