MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tam giác kinh tế phía Nam: Sẵn sàng mở cửa sản xuất

Tam giác kinh tế phía Nam: Sẵn sàng mở cửa sản xuất

Dù dịch còn đang diễn biến phức tạp và trước đó phần lớn đã tạm ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, song hầu hết các doanh nghiệp (DN) tại khu vực tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai) đang trong tư thế sẵn sàng trở lại hoạt động.

TPHCM: Doanh nghiệp ngóng từng ngày

“Các DN đang ngóng mở cửa từng ngày”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM nói, đồng thời cho biết, nhiều DN đã ngừng hoạt động hơn 2 tháng qua, nếu tiếp tục phải đóng cửa, DN chắc chắn kiệt sức.

Riêng với Công ty CP May Sài Gòn 3 (ông Hồng làm Chủ tịch HĐQT), hiện có khá nhiều đơn hàng cho quý IV cần DN mở rộng sản xuất. Do đó, nếu không mở cửa sớm trong tháng 9 này, DN sẽ khó đáp ứng các đơn hàng. “Đặc thù của dệt may là theo mùa và mùa này đơn hàng đáp ứng nhu cầu cận Tết khá dồi dào. Do đó, nếu tiếp tục giãn cách, DN sẽ bị đứt gãy chuỗi sản xuất và mất đơn hàng dịp cuối năm. TPHCM nên cho DN mở cửa sản xuất trong tháng 9 để DN chủ động kế hoạch kinh doanh và nhận đơn hàng cho quý IV”, ông Hồng đề xuất.

Ông Hồng cũng cho biết, hiện May Sài Gòn 3 có 80% số công nhân đã tiêm vắc-xin mũi 1 và một số đã tiêm mũi 2. Do đó, công ty sẵn sàng cho mở rộng hoạt động cũng như đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, cơ cấu lại sức khoẻ tài chính và lên kế hoạch tốt nhất.

Mặc dù cơ sở gia công thực phẩm khô (huyện Củ Chi) chưa được hoạt động trở lại nhưng chị Đào Thanh Thủy (chủ cơ sở) đã khởi động kết nối lại với bạn hàng, tìm thêm nhân công, liên hệ mua nguyên vật liệu… "Tất cả đã sẵn sàng chờ ngày được mở cửa. Nghỉ lâu quá rồi, hơn một nửa số công nhân đã về quê. Chúng tôi đang chuẩn bị bổ sung nguồn lao động thiếu hụt. Còn nhiều khó khăn trước mắt như nguồn vốn để mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân. Chúng tôi rất mong được ngân hàng gia hạn nợ cũ, tạo điều kiện nguồn vốn vay mới với mặt bằng lãi suất ưu đãi để DN có thêm động lực vực dậy kinh doanh sau dịch”, chị Thủy nói.

Sau thời gian gián đoạn sản xuất vì nhà máy có nhiều ca F0, Công ty Vissan đã tổ chức lại hoạt động bằng cách thực hiện song song 2 hình thức: vừa “3 tại chỗ” vừa cho công nhân về nhà theo kiểu “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh). Trong đó, riêng nhóm “4 xanh” phân chia, luân phiên thay đổi ca làm việc để tránh tiếp xúc. Vissan đang khôi phục sản xuất và đạt gần 100% công suất nhà máy.

Nói kế hoạch sau khi được mở cửa, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, DN muốn giữ mô hình “3 tại chỗ” nhưng luân chuyển lao động. Để bảo toàn nguồn lao động với 300 người đang làm việc tại nhà máy, Bidrico chia họ thành nhiều ca và luân phiên nhau nghỉ. Bidrico xây thêm nhà lưu trú mới, dành để cách ly người lao động sau thời gian họ về nhà và trở lại nhà máy làm việc.

Bình Dương khôi phục kinh tế từ sau 15/9

Ngày 10/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành văn bản gửi đến các đơn vị, địa phương về việc thực hiện khôi phục kinh tế, xã hội trong tình hình mới sau ngày 15/9. Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương tiếp tục các giải pháp “khóa chặt” vùng đỏ, điểm đỏ, mở rộng vùng xanh. Để công nhân lưu thông, cấp thêm giấy xác nhận họ làm việc tại đơn vị để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất. Bình Dương chưa cho phép các trường hợp người và phương tiện từ “vùng đỏ” vào “vùng xanh”. Từng bước khuyến khích hướng dẫn và cung cấp thiết bị cho gia đình, khu phố, DN và khu trọ tự xét nghiệm. Các DN ở Bình Dương tiếp tục thực hiện mô hình “3 xanh” (nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh-đã tiêm vắc-xin).

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tránh đứt gãy sản xuất như thực hiện “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường”, tuy nhiên đến nay, tỉnh đã có 429 DN với 98.619 lao động xin tạm ngừng đăng ký sản xuất theo giải pháp này.

Khi trở lại trạng thái bình thường mới, các DN ở Bình Dương cũng đối mặt thực trạng thiếu hụt lao động do công nhân chưa trở lại làm việc hoặc DN phải tuyển dụng lao động mới, mất thời gian đào tạo lại. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng khôi phục sản xuất và chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ trong những tháng cuối năm.

“Các đơn vị, địa phương đang rà soát để kịp thời hỗ trợ DN, có những chính sách phúc lợi tốt để thu hút người lao động, đảm bảo đời sống và an toàn dịch bệnh cho họ. Bình Dương sẽ tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cho DN”, ông Trước cho hay.

Cũng theo ông Trước, Bình Dương đã xây dựng hai kịch bản để đạt mục tiêu kinh tế đặt ra. Theo đó, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10 (đạt mục tiêu tiêm ngừa trên 95% số dân để tiệm cận miễn dịch cộng đồng và tình hình kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh trong vùng đồng loạt được kiểm soát tốt), tình hình sản xuất kinh doanh của các DN được phục hồi nhanh chóng thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Dương sẽ đạt khoảng 7%. Trường hợp đến tháng 12 dịch bệnh mới được kiểm soát, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 6,4%.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng, để tái khởi động sản xuất, TPHCM và DN cần các bước đi chậm mà chắc. Cần nới lỏng từng vùng, xác định rõ vùng xanh, đỏ, cam, vàng để nới lỏng “vùng xanh” và giãn cách nghiêm “vùng đỏ”; nới lỏng cho các shipper (người vận chuyển) và ngành vận chuyển để phục vụ cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân. Đồng thời cho người dân được di chuyển, buôn bán trở lại với những điều kiện nhất định và cho phép phương tiện công cộng hoạt động một cách chọn lọc. “Đối với DN cần phân loại, DN nào bảo đảm an toàn, an ninh cho người lao động thì ưu tiên cho họ mở cửa một phần, sau đó từ từ mở hết”, ông Hiếu nói.

Uyên Phương - Hương Chi

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên