Tâm lý nhà đầu tư BĐS: Bên ngoài hăng hái với thị trường, bên trong lo âu mơ hồ về sự đóng băng
Thị trường đang xuất hiện nghịch lý trái chiều, nơi sốt đất ảo giá tăng giá mạnh mẽ bất chấp mọi biến động của nền kinh tế và dịch bệnh, trong khi đó, nhiều nhà đầu tư không đẩy được hàng. Trước diễn biến kỳ lạ của thị trường địa ốc, không ít nhà đầu tư đặt ra lo ngại về sự đóng băng trong thời gian tới.
Quyết định đẩy hàng trong giai đoạn cuối năm 2021 được nhà đầu tư Nguyễn Anh (Hà Nội) đưa ra cách đây hơn 2 tháng. Trái với kỳ vọng về tốc độ chuyển nhượng bất động sản, đến hiện tại, nhà đầu tư này vẫn đang trong tình trạng "ôm hàng". Chia sẻ về kế hoạch đẩy toàn bộ hàng, ông Nguyễn Anh tiết lộ, muốn tranh thủ cơn sốt đất, lợi dụng sự sôi động của thị trường và tâm lý không dám bỏ lỡ cơ hội đầu tư nên mới tất toán các bất động sản.
Mặt khác, nhà đầu tư này cũng đang đặt ra kịch bản đóng băng của thị trường địa ốc như giai đoạn 2011-2013, giá tăng ảo bất chấp rồi tiếp đến "ngủ đông".
"Không hẳn do dịch bệnh mà thị trường địa ốc đang đối mặt với diễn biến theo chu kỳ. Có thể, sự "phấn khích" quá mức của thị trường khi môi giới, nhà đầu tư đẩy giá lên quá cao đang báo hiệu khả năng chuẩn bị tụt dốc không phanh của bất động sản. Hiện tại, thị trường đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu khó khăn khi khả năng thanh khoản thật đang rất chậm.
Tâm lý nhà đầu tư đang dè dặt, lo âu nhiều hơn nên họ không dám mạnh tay mua. Số lượng người mua bất động sản nhiều chỉ rơi vào nhóm nhỏ nhà đầu tư đang có tiềm lực tài chính rất mạnh còn thực tế, tôi nhận thấy, đa phần nhà đầu tư đang gặp khó khăn", ông Nguyễn Anh nói.
Là người tham gia vào thị trường bất động sản hơn 10 năm trước, ông Phương Ngô, một nhà đầu tư đến từ Đà Nẵng đã tất toán hàng ngay trong năm 2019. Lý giải điều này, ông Phương Ngô cho rằng, thị trường bất động sản đang bước đến thời điểm dần đi xuống của chu kỳ.
Ông Phương Ngô cho rằng, trong thời gian 2021 đến hết 2022, Nhà nước vẫn phải cung tiền hỗ trợ chống dịch và nguồn tiền trong lưu thông còn tăng. Nhưng do tình hình dịch nên thị trường bất động sản vẫn không có giao dịch về vấn đề dịch bệnh và tâm lý đầu tư.
Trong giai đoạn 2022 đến 2023, khi chương trình tiêm chủng đã gần như hoàn thiện, Nhà nước và ngân hàng sẽ có các kế hoạch kích thích kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất hoạt động trở lại. Với việc cho vay dễ hơn và lãi suất sẽ giảm, dự kiến lúc này thị trường bất động sản sẽ có giao dịch trở lại với lượng tiền lớn từ quá trình chống dịch và kích thích kinh tế. Đây là thời điểm tốt nhất cho nhà đầu tư còn nắm giữ bất động sản thoát hàng.
Giai đoạn 2024 đến 2025 là giai đoạn khôi phục sản xuất đã ổn định, cũng là lúc lạm phát tăng cao, dẫn đến ngân hàng sẽ hút dòng tiền lưu thông bằng cách cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất. Đây là thời điểm đen tối nhất của thị trường bất động sản. Thị trường sẽ giảm sâu khi ngân hàng tăng lãi suất.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường đang đi vào giai đoạn khó khăn thực sự. Đặc biệt vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua có thể sẽ giúp một số nhà đầu tư chần chừ "cò kè giá" và thị trường có "sung" lên. Nhưng về tổng thể, mức giá đó không thể gắn với giá thị trường và góp phần đẩy nhanh thị trường đi đến giai đoạn đóng băng như năm 2011-2013 nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Ông Hiển cho rằng, tâm lý giới kinh doanh bất động sản đang ở trong trạng thái, bên ngoài hăng hái với thị trường đang tăng mạnh, bên trong lo âu mơ hồ về thị trường đóng băng.
Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp đặc biệt là "super sale" đang động viên nhau trong lo âu. "Đa số không muốn nghe và phân tích về các thông tin bất lợi như lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, nợ xấu ngân hàng tăng... Một số nhà đầu tư đang động viên nhau bằng những thông tin qua lại về tăng giá, về lợi nhuận cao của các nhà đầu tư đã dám xuống tiền trước đây, để tin rằng ai không xuống tiền bây giờ thì 2, 3 năm sau sẽ thấy tiếc...", ông Hiển cho hay.