Tạm ngừng hai kênh chính vốn ngân hàng
Thị trường chính thức ghi nhận hai kênh điều tiết vốn các tổ chức tín dụng đã tạm ngừng...
- 16-05-2017Một năm Nghị quyết 35, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng
- 06-04-2017Lại đón “bão” tăng vốn ngân hàng
- 13-02-2017Ngân hàng Nhà nước giải thích vì sao hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng
Tính đến 27/6, trên các kênh điều tiết vốn chủ yếu, Ngân hàng Nhà nước vẫn phát tín hiệu và đều đặn làm việc, nhưng dòng chảy đọng lại đã không còn.
Từ trước kỳ nghỉ Tến Nguyên đán 2017, hoạt động ngân hàng vào mùa cao điểm chi trả, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng nguồn vốn hỗ trợ vốn khả dụng của hệ thống.
Một mặt, lượng vốn lớn bơm ra; mặt khác, nhà điều hành vẫn phát tín hiệu sẵn sàng hút tiền về nếu có dư thừa, qua phát hành tín phiếu, dù liều lượng khi đó ít dần và ngừng hẳn khoảng năm tháng qua.
Ở kênh khác, sau khi trung hòa gần hết khối lượng vốn bơm ra hỗ trợ thời điểm trên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn triển khai cho vay cầm cố trên thị trường mở, dù số dư vay mượn của các tổ chức tín dụng giảm dần, chỉ còn 50 tỷ đến trung tuần tháng 6 này.
Và khoảng một tuần trở lại đây, dù nhà điều hành vẫn đều đặn chào hỗ trợ vốn quy mô 1.000 tỷ đồng mỗi phiên, nhưng tất cả đều trống, không tổ chức tín dụng nào nhờ cậy ở kênh này. Số dư vay mượn đến 27/6 tiếp tục bằng 0.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là mua vào hoặc bán ra giấy tờ có giá với các tổ chức tín dụng, qua đó tác động trực tiếp tới nguồn vốn khả dụng, thanh khoản của hệ thống. Đây cũng là những kênh, công cụ hỗ trợ “căn chỉnh” lượng tiền cung ứng, đối với lãi suất và tỷ giá.
Ngoài ra, nhà điều hành cũng sử dụng các công cụ khác như tái cấp vốn, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc… Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, công cụ dự trữ bắt buộc không có điều chỉnh nào; tái cấp vốn cũng khá mờ nhạt về thông tin, có phần thực hiện nhưng hạn chế qua kênh trái phiếu đặc biệt VAMC.
Hai kênh chính là cho vay cầm cố trên thị trường mở và phát hành tín phiếu vẫn là chủ đạo và linh hoạt hơn. Và như trên, tính đến 27/6, cả hai kênh đều đã tạm ngừng về số dư giao dịch.
Theo đó, có thể suy tính, trạng thái vốn khả dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung hiện đang tương đối cân bằng và ổn định.
Thậm chí, ở một kênh khác, nguồn vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng còn là yếu tố thuận lợi cho hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, góp phần cân đối ngân sách, qua hoạt động đấu thầu có tỷ lệ thành công cao từ đầu năm đến nay, cũng như tạo điều kiện để lãi suất huy động giảm khá mạnh, bớt chi phí phải trả cho ngân sách Nhà nước.
Vneconomy