Tầm nhìn Masan từ 1.0 đến 5.0: Thời bán mỳ gói, nước mắm, nước tương đơn thuần đã qua, hướng tới hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ toàn diện
Tương lai Masan hướng tới 5.0 và nhắm tới việc thay đổi phong cách sống và mua sắm, cách thức kinh doanh bình thường của người Việt Nam bằng công nghệ.
"5-7 năm trước Masan vẫn đang phục vụ 100 triệu người tiêu dùng qua mạng lưới bán lẻ phần lớn và truyền thống. Với sự phát triển bùng nổ của Internet và mạng xã hội, mọi người đang ở trên kênh online rất nhiều. Họ đang kết nối với thời gian rất khủng. Với sự kết nối này, với sự bùng nổ của TikTok, Facebook, tất cả các kênh truyền thông số thì người tiêu dùng sẽ đón nhận thông tin và thay đổi hành vi rất nhiều. Chúng ta phải nắm bắt, có mặt ở nơi người tiêu dùng đang tương tác”, CEO Masan Danny Le chia sẻ về tầm nhìn tương lai của tập đoàn này trong việc phục vụ, tiếp cận khách hàng tại ĐHCĐ được tổ chức ngày hôm nay.
Nói một cách dễ hình dung hơn, bạn sẽ có thể dễ dàng mua tương ớt Chinsu, thịt Meatdeli, mỳ Omachi qua Tiktok, Facebook thay vì phải đến siêu thị như trước đây. Để làm được điều này, Masan cho biết tầm nhìn của mình trong thời gian tới sẽ phát triển một hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ.
Hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ là gì?
Chia sẻ chi tiết về tầm nhìn hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ, ông Danny Le cho biết sứ mệnh của Masan luôn luôn là tái định hình ngành tiêu dùng, tạo ra cách mạng trong ngành này. Để làm được điều này Masan luôn hướng tới 2 nhiệm vụ chính gồm: Nâng cao hiệu suất cho toàn chuỗi giá trị tiêu dùng và Luôn luôn tìm hiểu để đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng.
CEO Masan chia lịch sử tập đoàn thành 5 giai đoạn. Theo đó Masan của ngày xưa là Masan 1.0. Giai đoạn 2.0 khi có sự tham gia của MeatLife và từ đó thay đổi cách tiêu thụ thịt của người Việt Nam. Giai đoạn Masan 3.0 bắt đầu có sự xuất hiện của chuỗi bán lẻ. Hiện tại tập đoàn này đang đưa công nghệ vào và ở ngưỡng Masan 4.0. Tương lai Masan hướng tới 5.0 và nhắm tới việc thay đổi phong cách sống và mua sắm, cách thức kinh doanh bình thường của người Việt Nam bằng công nghệ.
Nguồn: Youtube.
“Chúng ta sẽ có hợp tác chiến lược với các tổ chức tài chính và các nhà bán lẻ khác. Chúng ta đã có tầm nhìn này từ trước rồi. Các anh chị nào gắn bó với Masan lâu thì vẫn còn nhớ hơn 10 năm trước Masan từng muốn xây chuỗi Masan Mart nhưng khi đó thị trường chưa sẵn sàng”, CEO Danny Le chia sẻ.
Masan sẽ xây dựng hướng tới hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ như thế nào?
Với tầm nhìn hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ, tầng đầu tiên mà Masan đang xây dựng là đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt cơ bản với chuỗi bán lẻ, nhu yếu phẩm của Masan Consumer đang phục vụ. Sau đó Masan sẽ kết nối nó với những dịch vụ tài chính tại những địa điểm, dịch vụ để người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm tốt hơn. Nhưng để hỗ trợ người tiêu dùng trải nghiệm tốt hơn, CEO Masan cho rằng cần một tầng nữa chính là những công nghệ với những kết nối với người tiêu dùng.
Với công nghệ, các chương trình khách hàng thân thiết sẽ được triển khai, các phương thức thanh toán tiện lợi hơn, hệ thống Logistics, kho vận hiệu quả hơn. Khi làm chủ được logisitics, từ đó sẽ giúp Masan giảm được chi phí, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Nguồn: Youtube.
Một điểm rất quan trọng trong giai đoạn này là Masan sẽ áp dụng và tích hợp những công nghệ cao hơn như trí tuệ nhân tạo AI, Machine Learning.
“Những cách làm này những ông lớn như Walmart, Alibaba đều đã làm để có hạ tầng, hệ thống như hôm nay. Với Masan điểm khác biệt là chúng ta là công ty hàng tiêu dùng Việt Nam và luôn đặt người tiêu dùng vào trung tâm. Khi chúng ta làm hệ thống này thì những nhà bán lẻ, những cửa hàng nhỏ lẻ trong các kênh truyền thống cũng sẽ muốn làm việc với chúng ta vì Masan có giải pháp hữu hiệu cho cả họ và khách hàng của họ”, ông Danny Le khẳng định.
Vị CEO này lấy ví dụ dễ hiểu để công chúng hình dùng: 10 năm trước Masan chỉ tương tác với người tiêu dùng trong căn nhà bếp của họ và mua ở nhiều kênh khác nhau. Nhưng bây giờ với chuỗi hệ thống bán lẻ đang xây dựng thì người tiêu dùng sẽ tương tác với Masan từ sáng tới tối.
Nguồn: Youtube.
Nhịp sống Kinh tế