MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập

Lớn lên cùng Tân Hiệp Phát, chị Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn, nhấn mạnh tình cảm đặc biệt của mình với tâm huyết một đời của ba mẹ. Tuy nhiên, để hướng tới một doanh nghiệp có thể tồn tại 100 năm và hơn, chị Phương cũng như các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của công ty luôn lựa chọn đề cao tính độc lập và minh bạch, giúp bộ máy vận hành trơn tru và chuyên nghiệp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.

Cuộc phỏng vấn chị Trần Uyên Phương diễn ra khi chỉ còn vài ngày nữa là tròn 28 năm thành lập tập đoàn Tân Hiệp Phát. Thay vì nói về những thành tựu đã đạt được trong quá khứ, chị Phương dành nhiều thời gian để nói tới các mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới trong tương lai cũng như giải pháp để hiện thực hóa những tham vọng đó.

“Ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi luôn phải nỗ lực, cố gắng hết mình để thành tựu ngày hôm nay phải lớn hơn của ngày hôm qua nhưng cũng hướng tới những mục tiêu tham vọng hơn nữa của ngày mai”, Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương chia sẻ.

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập - Ảnh 1.

Được thành lập ngày 15/10/1994, Tân Hiệp Phát đã có hành trình gần 30 năm bứt phá mạnh mẽ để trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành nước giải khát Việt. Thay vì lựa chọn gia công các sản phẩm, nhà sáng lập Trần Quí Thanh đã quyết tâm xây dựng thương hiệu riêng mang đậm chất thuần Việt, qua đó khơi dậy niềm tin, niềm tự hào của người tiêu dùng trong nước trước sự cạnh tranh của những gã khổng lồ như Pepsi hay Coca-Cola.

“Chúng tôi không chọn gia công sản phẩm mà quyết tâm xây dựng thương hiệu của riêng mình, với nhà máy sản xuất và khả năng cạnh tranh độc lập với các tập đoàn đa quốc gia. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã chứng minh người Việt có thể làm được và sẽ tiếp tục chinh phục các mục tiêu tham vọng hơn ở phía trước”, chị Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, những thành tựu của quá khứ cũng là điều khiến thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Tân Hiệp Phát cần phải vượt qua. Là con gái của nhà sáng lập, chị Trần Uyên Phương nói rằng mình không giống với các nhà lãnh đạo khác khi Tân Hiệp Phát chính là một phần cuộc sống của mình. Chị lớn lên trong khuôn viên nhà máy và đã chứng kiến mọi thăng trầm cũng như thành tựu của công ty.

“Cũng vì tình cảm đó, tôi luôn phải đẩy Tân Hiệp Phát ra xa để có thể đánh giá một cách chính xác nhất về mức độ chuyên nghiệp, độc lập của công ty. Đây chính là chìa khóa để xác định xem Tân Hiệp Phát có thể tồn tại mà không phụ thuộc vào nhà sáng lập hay bất cứ ai khác hay không. Sự độc lập chính là chìa khóa để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại trăm năm và lâu hơn thế”, chị Phương chia sẻ.

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập - Ảnh 2.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, Tân Hiệp Phát đã đẩy mạnh việc chuẩn hóa hoạt động, trong đó chú trọng phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Việc thay đổi quy trình, quy định, cách tiếp cận, đào tạo nguồn nhân lực với kinh nghiệm từ các mô hình đã chứng minh hiệu quả trên thế giới, giúp mọi hoạt động trở nên minh bạch và trơn tru hơn.

“Dù nói nghe có vẻ đơn giản nhưng thay đổi đòi hỏi cả một quá trình. Dẫu vậy, đó là con đường chúng tôi buộc phải đi để có thể vượt qua những thách thức và trở thành doanh nghiệp hàng đầu châu Á trong lĩnh vực nước giải khát. Với khát vọng và sự đồng tâm, hiệp lực, tôi tin điều đó sẽ trở thành hiện thực”, chị Phương nói.

Ngoài ra, việc người Tân Hiệp Phát luôn đặt ra các mục tiêu cao hơn cũng giúp doanh nghiệp tiến lên phía trước. Lấy câu chuyện của THPer Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ), người vô địch giải 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới với tổng chiều dài 2.260km, chị Phương tin chắc thành tựu sẽ tới sau những quyết tâm, nỗ lực không biết mệt mỏi.

“Khi mới về Việt Nam, Vũ Phương Thanh, một du học sinh, muốn chinh phục giải đua với độ dài 1.000 km. Tôi nghĩ rằng đó là mục tiêu siêu thách thức, nhất là với một nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, Thanh Vũ không chỉ vượt qua được thách thức đó mà còn đạt được những kỷ lục mà chưa một người Việt Nam nào làm được. Vì những nỗ lực không ngừng nên thành tựu của ngày hôm nay chắc chắn không phải giới hạn cuối cùng của bạn ấy”, chị Phương chia sẻ.

Trở lại với câu chuyện của Tân Hiệp Phát, chị Phương nhấn mạnh mục tiêu trở thành công ty hàng đầu châu Á trong lĩnh vực F&B. Chính vì thế, những thành tựu của quá khứ chỉ là khởi đầu cho hành trình tham vọng phía trước.

“Miễn sao mình chưa bỏ cuộc là chưa thất bại. Nếu tiếp tục đi tìm giải pháp thì sẽ có thành quả. Với một đội ngũ luôn hướng về phía trước, không khuất phục trước khó khăn, thách thức, chúng tôi tin mình sẽ về đích”, chị Trần Uyên Phương khẳng định.

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập - Ảnh 3.

Là thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Tân Hiệp Phát, chị Phương thẳng thắn chỉ ra những thách thức sống còn. Sau hành trình 28 năm, Tân Hiệp Phát hiện đã là doanh nghiệp trị giá tỷ đô nhưng khi tổ chức càng lớn, việc tiến gần hơn với người tiêu dùng càng trở nên quan trọng.

“Chúng tôi buộc phải thích nghi nhanh chóng, thay đổi kịp thời thì mới có thể tiến lên phía trước”, chị Phương nói.

Với Tân Hiệp Phát, nghiên cứu thị trường là yếu tố quan trọng nhất. Để một sản phẩm được ra đời, nó buộc phải trải qua một quy trình được mô tả là “test mù”. Theo đó, đội ngũ phát triển buộc phải xé toàn bộ mác và nhận diện của sản phẩm, đưa nó ra để người tiêu dùng dùng thử và ghi nhận phản hồi. Một sản phẩm sẽ chỉ được phép ra đời nếu 70% số người dùng đánh giá là ngon. Ngay cả những sản phẩm được 69% cũng sẽ bị loại.

Hành trình 28 năm qua, Tân Hiệp Phát không chỉ có những sản phẩm thành công mà ngược lại, có rất nhiều sản phẩm thất bại. Trà có ga hay cà phê đóng chai cũng từng được sản xuất nhưng không thể đáp ứng được thị hiếu. Chính bởi vậy, việc được người dùng đón nhận là điều kiện tiên quyết. Hiện tại, Tân Hiệp Phát đang phát triển 250 dòng sản phẩm mới và nhóm phụ trách Marketing của công ty sẽ phải chọn ra sản phẩm có thể thành công chinh phục người tiêu dùng Việt.

“Ngành nước giải khát ở thị trường 100 triệu dân có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài. Bài toán lớn mà Tân Hiệp Phát phải giải là luôn tạo ra những sản phẩm khác biệt, xây dựng được vị thế trong lòng khách hàng. Chúng tôi là công ty địa phương duy nhất trong top 5 doanh nghiệp giải khát lớn nhất Việt Nam. Đó là áp lực nhưng cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục tiến lên, nhanh hơn trong việc bắt kịp xu hướng”, chị Phương chia sẻ.

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập - Ảnh 4.

Trong hành trình này, Tân Hiệp Phát có lợi thế là đội ngũ lãnh đạo hiểu và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của công ty. Bên cạnh đó, người lao động cũng rất đoàn kết. Cùng với kinh nghiệm từng phải “trả giá” rất nhiều để có được, Tân Hiệp Phát tin mình hiểu người tiêu dùng, thị hiếu vùng miền cũng như đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của người tiêu dùng Việt.

“Chúng tôi có những sản phẩm mà hạn sử dụng lên tới 12 tháng dù không dùng bất cứ chất bảo quản nào. Đó là một sự tiên phong, hướng tới phát triển dài hạn cho ngành. Việc Tân Hiệp Phát gặt hái được những thành tựu nổi trội cũng giúp thúc đẩy các doanh nghiệp khác hướng tới nâng chuẩn trong sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi và đó chính là nền tảng thành công của chúng tôi”, chị Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp trăm năm, yếu tố quan trọng nhất chính là liên tục phát triển từ thành tựu đã đạt được. Tân Hiệp Phát luôn cầu thị để có thể hoàn thiện những gì chưa đạt được của ngày hôm qua và đặt ra những mục tiêu thách thức cho ngày mai.

Cùng với đó, yếu tố nguồn nhân lực được xem là chìa khóa để vượt qua những khó khăn thách thức. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người về một công ty gia đình, nơi các thành viên trong nhà nắm toàn quyền kiểm soát và đánh giá, sự minh bạch luôn được đề cao ở Tân Hiệp Phát.

“Chúng tôi có những bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá người lao động cũng như các cấp lãnh đạo dựa trên hiệu quả công việc của họ. Quản trị nguồn nhân lực theo phương thức này giúp loại bỏ hoàn toàn cảm tính và cũng giúp các cá nhân hoàn thiện chính mình. Chúng tôi đã đầu tư và đang từng bước xây dựng lộ trình phát triển cho con người ở Tân Hiệp Phát”, chị Phương cho biết.

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập - Ảnh 5.

Với khát vọng vươn tầm khu vực và thế giới, Tân Hiệp Phát cũng đang lựa chọn cho mình những con đường đi đầy chông gai. Thành công với bản sắc Việt trong từng sản phẩm, Tân Hiệp Phát muốn mang chính những sản phẩm đó chinh phục thị trường thế giới. Từng chiến thắng các tập đoàn đa quốc gia ngay trên chính sân nhà, Tân Hiệp Phát có lý do để tin vào một chiến thắng trong hành trình “mang chuông đi đánh xứ người”.

Trong giai đoạn đại dịch hoành hành, chính niềm tin, sự đoàn kết đã giúp người Tân Hiệp Phát vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Lựa chọn bước những bước ngắn nhưng vững chắc, các sản phẩm hiện đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Australia. Tuy nhiên, trước những biến động hết sức khó lường từ thị trường hàng hóa toàn cầu cũng như căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi, mục tiêu của Tân Hiệp Phát vẫn là trụ vững qua khó khăn, xây dựng nền tảng để bật lên khi có thời cơ.

Tầm nhìn trăm năm của Tân Hiệp Phát: Đẩy doanh nghiệp ra xa để đánh giá khả năng tồn tại độc lập - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát còn tiên phong theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn. Tự nhận đây là bài toán khó, càng làm càng thách thức nhưng chính sự nghiêm túc của từng cá nhân trong bộ máy đã giúp tìm ra một hướng đi có thể mang lại lợi ích cho xã hội và hiệu quả cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi triển khai nhà máy tái chế rác nhựa ở Hậu Giang để có thể tự tạo ra những sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình từ nhựa đã qua sử dụng. Với tiêu chí vừa bảo vệ môi trường, vừa phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, bài toán rõ ràng khó hơn nhưng khi tìm được lời giải, lợi ích sẽ bền vững hơn”, chị Trần Uyên Phương chia sẻ.

Trong 5 năm tới, Tân Hiệp Phát tự đặt mục tiêu tiết kiệm 110.000 tấn nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Linh Anh - Thiết kế: Hải An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên