Tạm quên khu biệt thự nghìn tỷ bỏ hoang, Hà Đô đang trở lại đường đua với loạt dự án lớn
Là một doanh nghiệp BĐS ở phía Bắc nhưng Tập Đoàn Hà Đô lại là một trong số ít những doanh nghiệp Nam tiến với hàng loạt những dự án lớn tại TPHCM.
- 12-06-2016Cận cảnh loạt "đất vàng" bỏ hoang của Công ty Phương Trang tại TP.HCM
- 31-05-2016TPHCM: "Nín thở" chờ loạt dự án bỏ hoang rục rịch hồi sinh
- 31-05-2016Đà Nẵng: Xây dựng biệt thự hàng trăm tỷ đồng để... bỏ hoang
- 16-05-2016Đà Nẵng: Đất vàng bỏ hoang đang bị "đốt nóng" nhờ M&A
Bỏ qua dự án biệt thự "vàng"
Đại lộ Đông Tây đã đưa vào sử dụng được hơn 2 năm nay, con đường rộng thênh thang nối liền trung tâm thành phố với bán đảo Thủ Thiêm (quận 2), biến khu này thành mảnh đất vàng vì nằm sát khu đô thị sầm uất nhất thành phố này.
Khu biệt thự Hà Đô nằm ngay trung tâm khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, sát bên cạnh trụ sở UBND quận 2, là vị trí “đinh” của cả khu dân cư đã được khởi công xây dựng từ năm 2005. Đến nay, đường sá trong khu dân cư này đã hoàn thiện khang trang, đường trải nhựa láng mịn, chạy đều như ô bàn cờ. Vậy mà hai bên những con đường mới này đều là những mảnh đất trống bỏ hoang lâu ngày, chẳng thấy bóng người dân cư ngụ.
Ngay tại khu biệt thự trung tâm của dự án, chủ đầu tư đã xây dựng khá nhiều biệt thự dạng nhà thô nhưng hầu hết cũng đều bị bỏ hoang. Những mảng tường loang lổ vì lâu ngày không được hoàn thiện, trước sân cỏ mọc um tùm chắn cả lối đi…
Nhiều biệt thự bị bỏ hoang
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2015, tập đoàn Hà Đô đã "đổ" khá nhiều tiền vào khu biệt thự này, hiện giá bán mỗi căn nhà xây thô khoảng 6-6,5 tỷ đồng. Giá trị xây dựng dang dở của toàn bộ dự án hiện nay khoảng gần 30 tỷ đồng. Trong năm 2016, bên cạnh đẩy mạnh nhiều dự án nhà ở quy mô lớn, công ty này không đưa ra một tham vọng nào để giải quyết tồn kho dự án khu biệt thự trên, tức là vẫn "túc tắc" bán.
Theo quan sát của chúng tôi, suốt hơn một năm qua khu biệt thự này hầu như không được chủ đầu tư "để mắt" đến. Bằng chứng là cảnh hoang tàn ngày càng nghiêm trọng, nhiều căn biệt thự đã xuống cấp và trở thành nơi trú ngụ tạm thời của nhiều đối tượng cơ nhỡ.
Đặt tham vọng vào những dự án trung tâm
Trong năm 2016, Hà Đô đặt ra kế hoạch đầu tư lớn với tổng giá trị 1.435 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với mức 311 tỷ dồng của năm trước. Cùng với đó, kế hoạch thu hồi vốn cũng tăng tới gần 6 lần, dự kiến đạt 2.887 tỷ đồng trong năm 2016.
Cụ thể, công ty sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng và bán hàng tại Dự án 756 (tên mới là Ha Do Centrosa Garden), Dự án Sư Vạn Hạnh, Dự án Quận 12 và Khu đô thị Noong Tha tại Viêng Chăn (Lào), Dự án chung cư CC1 Dịch Vọng, hoàn thành Tổ hợp Khách sạn Số 2 Hồng Hà theo đúng tiến độ. Công ty cũng sẽ tăng cường tìm kiếm mua các dự án bất động sản tiềm năng.
Trong đó, một trong những dự án lớn nhất của HDG hiện tại là dự án Z756. Đây là dự án bất động sản Hà Đô đã theo đuổi từ rất lâu, từ năm 2006. Dự án này có quy mô 6,8ha gồm khu biệt thự, nhà liền kề, căn hộ cao tầng, trung tâm thương mại, trường học với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 5000 tỷ.
Một lãnh đạo của tập đoàn Hà Đô chi sẻ: "Dự án 756 phục vụ chủ yếu cho người có nhu cầu thật. Vừa rồi mở bán, nhưng có vấn đề liên quan đến định giá đất nên chững lại. Tuy nhiên, Hà Đô phấn đấu vào cuối tháng 7/2016 sẽ bán đồng loạt, bán liên tục, phấn đấu đến đầu 2017 bán hết toàn bộ Dự án 756".
Song song đó, một số dự án lớn đáng chú ý khác của "ông lớn" địa ốc đất Hà Thành này sẽ được tung ra thị trường trong thời gian tới như: Khu đô thị Dịch Vọng (Hà Nội); Chung cư Park View (Hà Nội); Chung cư cao cấp CC1; Khu đô thị An Khánh - An Thượng; Khu đô thị Hà Đô - Thới An (TP.HCM); Hà Đô Villas (quận 10, TP.HCM); Khu nghỉ dưỡng - khách sạn Bảo Đại (Nha Trang); khu đô thị Nongtha Central Park – Viêng Chăn – Lào và một số dự án mới khác...
Cũng cần nói thêm, Hà Đô có lợi thế rất lớn nhờ có gốc là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc Phòng (thành lập vào năm 1990 và cổ phần hóa năm 2004). Vì thế, Tập đoàn có quỹ đất rất lớn, khoảng 2 triệu m2 đất sạch và chỉ mới sử dụng một nửa. Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS), phần lớn các dự án có được là do Bộ Quốc Phòng cấp, nên chi phí đền bù không cao, quá trình giải phóng mặt bằng không mất nhiều thời gian so với các dự án khác.