MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạm quên Nhà Trắng đi, hãy chú ý đến Georgia!

09-11-2020 - 10:58 AM | Tài chính quốc tế

Khi cuộc tranh chấp "Chủ nhân nhà Trắng" tương đối ngã ngũ, sự tập trung sẽ nhanh chóng chuyển sang ghế Thượng nghị sĩ sắp tới tại Georgia để có tiếng nói quyết định ở Thượng viện.

Cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ

Về thiết chế Kiểm soát và Cân bằng quyền lực của nước Mỹ, một chính Đảng sẽ làm được nhiều và có "nhiều thành tích" nhất sau bầu cử, tức ứng cử viên có thể thực hiện được khá nhiều "lời hứa" khi tranh cử nếu như đảng đó nắm được cả ba thiết chế quyền lực quan trọng bậc nhất của nước Mỹ là: Nhà trắng , Thượng viện và Hạ viện.

Thực tế thắng lợi của Biden khá sít sao tại khoảng 8 bang chiến địa. Thông thường, sau khi có kết quả bỏ phiếu, bên thua cuộc sẽ thừa nhận bên thắng cuộc và chúc mừng thì như vậy chiến thắng sẽ trọn vẹn: Bên thắng cuộc yên tâm ngồi trong Nhà trắng, bên thua cuộc cũng tâm phục khẩu phục.

Nhưng sở dĩ bên được coi là "thua cuộc", tức Trump và đảng Cộng hòa, chưa thừa nhận thất bại lúc này là do họ thấy nhiều "vấn đề bất thường" chưa được giải đáp:

Một là, trong hầu hết các cuộc bầu cử trước, thắng/thua sít sao thường chỉ diễn ra ở 1 cùng lắm là hai bang. Và trong một bang thì tranh chấp cũng chỉ ở 1-2 hạt (như hạt Palm Beach, Florida năm 2000).

Bầu cử năm nay chưa từng có tiền lệ là tới 8 bang "dao động" có kết quả sát nút như vậy.

 Tạm quên Nhà Trắng đi, hãy chú ý đến Georgia! - Ảnh 1.

Hai là, họ phát hiện thấy có lỗi cả phần mềm và cả người ở những hạt, những bang vào những thời điểm quyết định và tại những nơi tập trung đông cử tri Dân chủ như ở Detroit, Philadelphia, Atlanta..., nhờ đó "lợi thế" nghiêng hẳn về bên Dân chủ.

Lý tưởng nhất là Biden và phe Dân chủ tin tưởng thực sự vào chiến thắng của mình, thì đây là lúc tốt nhất chứng tỏ sự trong sạch, "xắn tay" cùng Cộng hòa, cùng các địa phương để xem xét các nơi mà Cộng hòa còn "lăn tăn", vạch ra cái sai để chứng tỏ Cộng hòa tố cáo sai.

Ba là, phe Cộng hòa cũng trưng ra bằng chứng ở nhiều điểm kiểm phiếu có tính quyết định ở Detroit (Michigan), hoặc Philadelphia (Pennsylvania)... nơi Ban kiểm phiếu do Dân chủ kiểm soát đã dùng ván gỗ che kín cửa kính nơi kiểm phiếu hoặc không cho những người quan sát của bên Cộng hòa vào quan sát ở cự ly gần để xem các phiếu được kiểm và đếm ra sao.

Theo lẽ thông thường, bầu cử không chỉ là câu chuyện chỉ trưng ra kết quả thắng/thua, mà còn là câu chuyện minh bạch, là quá trình đi đến chiến thắng ra sao. Tiến trình này càng minh bạch thì sự "uẩn ức" của người thua sẽ không còn nặng nề và tiến trình hòa giải sẽ diễn ra mau chóng.

 Tạm quên Nhà Trắng đi, hãy chú ý đến Georgia! - Ảnh 2.

Các lỗi xảy ra do chủ quan và khách quan trọng quá trình bầu cử ở một nước lớn và rộng như Mỹ là điều khó tránh. Những lỗi này thường xảy ra ở mức thấp nhất nếu người dân đi bỏ phiếu trực tiếp. Tuy nhiên, Covid-19 lại gây ra những hệ lụy khiến điều này không thể thực hiện được.

Chắc chắn, sau bầu cử này, nước Mỹ sẽ có cuộc tổng rà soát lại mình để "bịt lại" lỗ hổng này, như họ đã từng làm là yêu cầu phải đếm phiếu bằng máy trên toàn quốc sau khi xảy ra lỗi do đếm bằng tay trong tranh chấp bầu cử giữa Al Gore và Bush tại Florida cách đây 20 năm.

Trump muốn đấu pháp lý với Biden: Khó như lên trời

Chiến lược đấu lại về mặt pháp lý với Biden của Trump hiện khó bằng leo lên trời (mặc dù về lý thuyết thì cửa đấu vẫn còn) vì 3 lý do:

Một là, "thua" tại một hai bang thì còn cửa đấu pháp lý tương đối rộng, nhưng khi "thua" quá nhiều mà kiện hết cả một loạt bang này thì trông khá "chướng mắt".

Hai là, một số tiểu bang quy định Tòa án TC của bang chỉ chấp nhận thụ lý đơn kiện nếu chênh lệch về phiếu giữa hai ứng cử viên từ 0,1 - 0,5%. Một số tiểu bang mà Trump đang nộp đơn kiện thì số phiếu chênh lệch lại lớn hơn 0,5% - đủ lớn để vượt qua quy định yêu cầu kiểm phiếu lại.

Đến đây lại có hai tình huống khác:

(i) Liệu Tòa án Tối cao cấp bang có chấp nhận thụ lý đơn kiện không phải do chênh lệch về số phiếu, mà do kiện về quy trình hay không?

(ii) Nhóm pháp lý của Trump có đệ đơn kiện thẳng lên Tòa án Tối cao liên bang, bỏ qua Tòa án Tối cao cấp bang hay không? Và nếu Trump và phe CH làm điều đó thì Tòa án TC liên bang có chấp nhận thụ lý đơn kiện không?

Ba là, khả năng thắng kiện sẽ là bao nhiêu phần trăm? Cái này, Trump, nhóm pháp lý, các chiến lược gia và lãnh đạo Đảng CH đang phải đau đầu tính kỹ vì nếu tính sai, thì khi vụ kiện càng kéo dài họ không chỉ mất rất nhiều tiền, mà còn mất đi sự ủng hộ của các cử tri ruột và dân chúng.

Nhưng nếu họ không làm gì thì 70 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho Trump cho rằng ông đã "bỏ rơi" họ, đã hên nhát "đầu hàng" quá sớm khi cơ hội lội ngược dòng qua con đường pháp lý vẫn còn. Và nếu xử lý không khéo có thể các cử tri này sẽ quay lưng lại với Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ tới năm 2022.

Một kịch bản bất thường

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, cơ quan lập pháp ở từng tiểu bang (gồm cả Thượng và Hạ viện) sẽ là thiết chế duy nhất chọn lựa các Đại cử tri để bầu chọn Tổng thống. Năm nay, ngày đó được ấn định là 14/12/2020.

Trong lịch sử nước Mỹ gần 250 năm qua, việc các cơ quan lập pháp của từng tiểu bang ra nghị quyết chọn các Đại cử tri là một việc chỉ có tính hình thức, tức chỉ "xác nhận" kết quả bầu cử trong bang bằng việc "thông qua" danh sách các Đại cử tri được đảng thắng cuộc tại tiểu bang đề cử.

Nhưng nếu như Đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump quyết tâm theo kiện đến cùng, không thừa nhận kết quả bầu cử và nếu Tòa án chưa thụ lý xong vụ kiện vào ngày các Đại cử tri họp để "bỏ phiếu" (một việc trước đây hoàn toàn có tính hình thức) vào 14/12 thì lại xảy ra tình huống mới.

Đó là các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang "dao động" và có tranh chấp cao không thông qua danh sách Đại cử tri do Đảng Dân chủ "duyệt", mà đưa ra một danh sách Đại cử tri riêng của Cộng hòa!

Và như thế, trong ngày 14/12 Biden sẽ không hội tụ đủ số phiếu Đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống.

Về lý thuyết, phe Cộng hòa hoàn toàn có thể làm được điều này. Sau cuộc bầu cử 3/11 vừa rồi, phe Cộng hòa chiếm đa số số ở cả Thượng viện và Hạ viện các tiểu bang quan trọng hiện đang có tranh chấp là Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, Georgia và Arizona.

Họ có thể lập luận rằng, các sai sót xảy ra trong cuộc bầu cử 3/11 vừa qua xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Do đó kết quả bầu cử tại những bang này là vô hiệu. Và đó là lý do để họ họ đưa ra danh sách Đại cử tri riêng. Cách để khắc phục là bầu cử lại hoặc Tòa án Tối cao phải phán thụ lý và ra phán quyết về vụ việc!

Đấy là nói về mặt lý thuyết thì còn khả năng như vậy. Nhưng có thực hiện được không và thực hiện ra sao trên thực tế thì còn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Nhưng như trên đã nói, cuộc bầu cử năm nay là cuộc bầu cử hết sức bất thường. Nhiều thứ lần đầu tiên xảy ra. Vậy tại sao không nghĩ có thêm một kịch bản này?

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ với Hạ viện (435 ghế) và Thượng viện (100 ghế)

(i) Khả năng cao là Dân chủ vẫn giữ được đa số ở Hạ viện, nhưng sẽ bị mất từ 5-10 ghế. Điều đáng chú ý là tất cả các dân biểu khóa rồi của Cộng hòa đều "bảo toàn lực lượng", không chỉ bảo vệ "ghế" của mình thành công mà còn kiếm thêm được ghế từ phe dân chủ.

Giờ là đến màn đổ lỗi nhau về nguyên nhân thua, đó là do cương lĩnh, thông điệp sai, do lãnh đạo có vấn đề hay do Trump và Cộng hòa tấn công quá mạnh... Chắc chắn phe Dân chủ tại Hạ viện sẽ làm cuộc kiểm điểm nội bộ khốc liệt, và dàn lãnh đạo cũ, kế cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đang chịu sức ép rất lớn.

(ii) Còn tại Thượng viện, phiếu bầu vẫn chưa được kiểm hết và đang chia đều cho cả hai bên Dân chủ và Cộng hòa là 48-48.

Hiện 4 ghế Thượng nghị sĩ (TNS) còn lại đang kiểm là 2 tại Georgia, 1 tại Alaska và 1 tại North Carolina.

Dựa trên số phiếu đang được kiểm, đảng Cộng hòa đang dẫn trước 2 ghế TNS tại bang Alaska và North Carolina và khả năng tăng tỷ lệ phiếu thành 48 - 50 nghiêng về Cộng hòa là khá cao.

Còn tại bang Georgia, theo quy định người thắng cuộc phải đạt 50% số phiếu của cử tri. Cho đến giờ, không ứng cử viên Thượng nghị sĩ nào của cả hai đảng đạt đủ 50% số phiếu cần thiết. Do đó, theo luật của tiểu bang, Georgia sẽ phải tiến hành cuộc bầu cử bổ sung để chọn hai ghế TNS vào ngày 5/1/2021.

Trong 2 ứng cử viên của Cộng hòa ra tranh cử 2 ghế TNS của bang Georgia năm nay, thì chỉ có ứng cử viên Purdue nhỉnh hơn đối thủ Dân chủ một chút và có khả năng chiến thắng cao hơn.

Để giữ được đa số tại Thượng viện, đảng Cộng hòa buộc phải bằng mọi cách giành chiến thắng ít nhất là một trong 2 ghế TNS tại Georgia vào ngày 5/1 tới.

Trường hợp thua cả 2 ghế thì số phiếu 2 bên tại Thượng viện cân bằng nhau là 50 - 50. Nếu trong một cuộc bỏ phiếu mà số phiếu của hai bên cân bằng thì Phó Tổng thống (nhiều khả năng là Kamala Harris) với vai trò là Chủ tịch Thượng viện sẽ bỏ lá phiếu quyết định và gần như chắc chắn 100% là sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ của mình.

Do đó, khi cuộc tranh chấp "Chủ nhân nhà Trắng" tương đối ngã ngũ, thì sự tập trung sắp tới sẽ nhanh chóng chuyển sang bên nào dành được ghế Thượng nghị sĩ sắp tới tại Georgia để có tiếng nói quyết định tại Thượng viện.

 Tạm quên Nhà Trắng đi, hãy chú ý đến Georgia! - Ảnh 3.

Để biết ghế TNS "có giá" ra sao và cuộc tranh chấp quyết liệt thế nào thì xin lấy ví dụ về cuộc cạnh tranh ghế TNS đắt giá nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ tại bang South Carolina vừa qua, trong đó ứng cử viên Jaime Harrison quyên góp được 109 triệu USD, nhưng vẫn bị TNS Lindsay Graham (tái cử, đương kim Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện) quyên góp được 75 triệu USD đánh bại.

Từ đây xảy ra các trường hợp sau: Giả sử Trump tái cử (dù khả năng giờ xuống khá thấp), còn Thượng viện do Cộng hòa nắm, và Hạ viện do Dân chủ nắm.

Trong trường hợp này, cấu trúc quyền lực và tương quan lực lượng giữa Nhà trắng với Thượng và Hạ viện tượng đối giống so với nửa nhiệm kỳ sau của Tổng thống Trump (1/2019-1/2021) và Trump có thể thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại như thời gian này mà không gặp nhiều trở ngại.

Trường hợp Biden đắc cử Tổng thống, còn Thượng viện vẫn do Cộng hòa nắm đa số ít nhất 51/100.

Tuy chỉ chiếm đa số tối thiểu, nhưng Thượng viện do Cộng hòa nắm cũng đủ sức tạo lực cản đáng kể, biến Biden thành "Tổng thống vịt què" ít nhất trong 1/2 nhiệm kỳ tới (cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới là 2022 và có sự phân chia quyền lực mới tại 2 viện).

 Tạm quên Nhà Trắng đi, hãy chú ý đến Georgia! - Ảnh 4.

Sở dĩ gọi là "Tổng thống vịt què" vì Biden không có đủ sự ủng hộ cần thiết tại Thượng viện để thông qua các nhân sự quan trọng, thực hiện các chính sách lớn mà ông Biden cũng như thành phần cấp tiến trong Đảng Dân chủ muốn như Biden Care, chính sách Kinh tế mới (Green New Deal), mở rộng Tòa án Tối cao, vấn đề nhập cư...

Muốn chính sách của mình được thực thi và ghi được "thành tích" thì "Tổng thống Biden" và Đảng Dân chủ buộc phải thỏa hiệp và tính đến lợi ích, các quan tâm của phe Cộng hòa, và phải điều chỉnh các chính sách, tham vọng của mình theo hướng "bớt tả" và trung dung hơn.

Trường hợp Cộng hòa thua cả 2 ghế Thượng viện ở Georgia, khi đó cán cân Thượng viện sẽ là 50 - 50.

Ngay cả trong trường hợp này, "Tổng thống" Biden cũng khó có thể thực hiện chính sách quá cấp tiến vì phải tính đến lợi ích, sự quan tâm để giành sự ủng hộ tuyệt đối của cả 50 Thượng nghị sĩ gồm cả Dân chủ và Độc lập thì các chính sách của mình mới được thông qua và thực thi.

Chưa kể "Tổng thống" Biden và chính quyền của mình sẽ phải hết sức cẩn trọng trong việc đề xuất và thực thi các chính sách mới vì không chừng "hở" ra một chút là sẽ bị kiện lên Tòa án Tối cao liên bang Mỹ như trường hợp của Tổng thống trump trong nửa nhiệm kỳ đầu (1/2017-1/2019)

Một khi sự việc đã bị đẩy lên Tòa án Tối cao liên bang xem xét và thụ lý thì khả năng chính quyền Biden bị thua cũng sẽ rất cao vì tương quan lực lượng ở Tòa án Tối cao liên bang Mỹ hiện đã thay đổi nghiêng về phía ra các thẩm phán bảo thủ theo tỷ lệ 6:3.

Do đó, hãy tạm "quên" Nhà trắng mà chú ý sang Georgia, nơi quyết định tương lai của chính trị Mỹ trong 2 năm tới là vì vậy!

TS Hoàng Anh Tuấn là nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Tiêu đề và tít phụ do tòa soạn đặt.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn

Tổ Quốc

Trở lên trên