MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự của người dân trong "cơn sốt" đất tại một thành phố Trung Quốc: "Đầu cơ bất động sản còn lời hơn cả buôn ma túy!"

25-08-2020 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Ngay cả ở một quốc gia có tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn đã tạo ra tình trạng "sốt" đất, Thâm Quyến vẫn là một địa điểm nổi bật hơn cả. Mức giá đối với các căn hộ chung cư đã qua sử dụng tăng 78% kể từ năm 2015 – cao hơn bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc.

2 năm trước, Bill Li – một chủ tiệm café ở Thâm Quyến, nhận được lời đề nghị kỳ lạ. Bạn của anh – một nhân viên môi giới bất động sản, đã giới thiệu anh với một phụ nữ không có hộ khẩu địa phương (hukou) – một dạng hộ khẩu dành cho người dân di cư, giấy tờ cần thiết cho người muốn mua bất động sản trong thành phố. Cô này sẵn sàng trả 30.000 tệ (4.300 USD) để cưới ai sẵn sàng "giúp".

Li cho hay: "Tôi bắt đầu nhận ra rằng việc mua một căn nhà ở Thâm Quyến có thể sinh lợi lớn đến mức người ta chấp nhận kết hôn giả." Sau đó, anh đã chấp nhận kết hôn và 1 năm sau, nhờ một khoản vay từ ngân hàng và cá công ty tài chính, anh đã mua một mảnh đất. Li chia sẻ: "Với số tiền tương tự để mở một quán café, tôi có lẽ đã kiếm được nhiều hơn thế. Mức giá vẫn cao nhưng thực sự đà tăng chưa dứt."

Ngay cả ở một quốc gia có tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn đã tạo ra tình trạng "sốt" đất, Thâm Quyến vẫn là một địa điểm nổi bật hơn cả. Mức giá đối với các căn hộ chung cư đã qua sử dụng tăng 78% kể từ năm 2015 – cao hơn bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc. Trong khi đó, giá nhà mới tăng 56% trong cùng thời gian.

Thâm Quyến đã được hưởng lợi từ vị thế là thành phố công nghệ hàng đầu Trung Quốc, cũng như tình trạng thiếu đất ở. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện một khía cạnh của thị trường nhà của Trung Quốc mới xuất hiện gần đây, đó là khả năng hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.

Số liệu chính thức từ 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc cho thấy giá nhà đã tăng trở lại vào tháng 7, dù với tốc độ chậm hơn một chút so với tháng 6. Theo tính toán của Reuters, giá nhà mới tại đại lục tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Thâm Quyến tăng 5,9%.

Martin Wong – chuyên gia tại Knight Frank, cho biết: "Trên thế giới, thị trường bất động sản đang chậm lại. Nhưng đối với Trung Quốc, chúng tôi vẫn chứng kiến đà tăng trưởng ổn định." Ông dự đoán giá bất động sản ở các thành phố lớn nhất nước này sẽ tăng 3-5% trong năm nay.

Frank nói thêm: "Mọi người vẫn đang cố gắng khi họ có khả năng mua. Đó là cơ chế cơ bản của thị trường bất động sản Trung Quốc." Ông chỉ ra nguyên nhân là sự hỗ trợ dài hạn của chính phủ đối với giá nhà, bao gồm chính sách tổng thể thúc đẩy đô thị hóa.

Trong khi đó, Michael Wang – một doanh nhân, chia sẻ rằng ông là người giàu nhất trong ngôi làng mình sinh sống ở miền nam Trung Quốc – nơi ông sở hữu một vài nhà máy. Năm ngoái, với mong muốn được chính phủ hỗ trợ, ông đã mua 2 căn hộ ở Thâm Quyến với giá 95.000 tệ/m2. Mùa hè năm đó, chính phủ đã công bố một loạt các biện pháp để đưa Thâm Quyến trở thành một thành phố kiểu mẫu. Hiện tại, mức giá của 2 căn nhà kia đã tăng hơn gấp đôi, dù vẫn chưa hoàn thiện.

Wang cho biết: "Đầu cơ vào bất động sản sinh lợi hơn cả buôn ma túy. Thị trường bất động sản của Thâm Quyến sẽ bùng nổ khi nhà nước muốn giá đất ở nơi đó tăng lên và mọi thứ sẽ rung lắc khi nhà nước muốn tác động mạnh." Wang nói rằng, chính phủ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất qua việc bán đất và thu thuế. Hơn nữa, xây dựng cũng là một lĩnh vực quan trọng đối với việc làm ở Trung Quốc và đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng đã tăng lên trong năm nay.

Điều kiện tín dụng vốn đã lỏng lẻo – thậm chí được nới lỏng hơn nữa do tác động của đại dịch, cũng là yếu tố đẩy giá bất động sản tại thành phố này. Các văn phòng bất động sản ở Thâm Quyến cho biết việc mua bán được hỗ trợ thông qua các khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng là điều bình thường.

Hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy các chính sách khác nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch đã làm tăng giá bất động sản. He Shuxin – một nhân viên ngân hàng ở Thâm Quyến, cho biết cô đã giúp khách hàng đăng kí các khoản vay kinh doanh, cung cấp đặc biệt cho các doanh nhân trong thời kỳ khủng hoảng. Họ có thể vay hơn 2 triệu tệ từ ngân hàng, thông qua một công ty "vỏ bọc" để mua đất, nhà.

Tuy nhiên, rủi ro về mức giá bất động sản ngày càng tăng cao từ lâu đã được thừa nhận, thậm chí là ở tầm quốc gia. Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố vào năm 2017 rằng, nhà là để ở chứ không phải đầu cơ.

Trong khi đó, các biện pháp mạnh mẽ nhằm hạ nhiệt thị trường đã được thực hiện ở Thâm Quyến vào tháng trước. Theo đó, chính quyền địa phương cho biết người mua đất cần có "hukou" và thanh toán các khoản thuế tại thành phố này trong 3 năm. Họ cũng hạn chế việc mua bán đất của những người đã ly hôn, nếu cặp vợ chồng đã sử hữu 2 bất động sản trở lên.

Các nhân viên môi giới và nhân viên ngân hàng trong bài chia sẻ, những chính sách trên đã có hiệu lực, nhưng giá bất động vẫn không ngừng tăng lên. Trên toàn quốc, nhu cầu đối với bất động sản và cổ phiếu vẫn tiếp tục đi lên. Điều này cũng trái ngược với sự sụt giảm đáng kể trong lĩnh vực chi tiêu bán lẻ ở Trung Quốc trong năm nay (tính đến tháng 7).

Quay trở lại với Li – đã mua nhà trước khi dịch bệnh bùng phát, hiện tại sự sụt giảm trong chi tiêu bán lẻ đã gián tiếp ảnh hưởng đến khoản đầu tư bất động sản của anh. Quán café của Li đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, khiến anh gặp rất nhiều khó khăn để trả khoản nợ đi vay khi mua nhà. Anh đã phải ngừng đi ăn ở nhà hàng để tiết kiệm tiền, nhưng vẫn phải bán bớt một số tài sản để trả nợ. Li chia sẻ: "Tôi không kiếm được tiền, tôi không sống được như người bình thường."

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên