Tâm sự của nhân viên đầu tiên gõ cửa cửa máy bay đón người từ vùng dịch Covid-19 trở về
Anh Đặng Đông Giang là người giám sát nhân viên thực hiện nghiêm ngặt việc mặc quần áo và trang thiết bị bảo hộ trong quá trình đón và tiếp xúc với hành khách từ vùng dịch Covid-19 trở về sân bay Vân Đồn. Anh cũng chính là người đầu tiên gõ cửa cánh cửa máy bay sau khi hạ cánh.
- 22-03-2020Dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới khi nào, có biến mất như SARS: Phân tích của chuyên gia dịch tễ
- 22-03-2020Chủ tịch Hà Nội: Hai tuần tới, dịch Covid-19 sẽ rất phức tạp
- 21-03-2020Bộ Chính trị kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng chống dịch Covid-19
- 21-03-2020Việt Nam có thêm 2 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số lên 94
Là một trong những sân bay được chỉ định đón chuyến bay từ vùng dịch Covid-19 trở về, sân bay Vân Đồn đã đón chuyến bay đặc biệt từ tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đưa công dân về nước và theo thống kê, đến nay đã đón tiếp được 19 chuyến bay, thực hiện vận chuyển gần 2.500 công dân Việt Nam và 160 khách nước ngoài trở về an toàn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu...
Với những chuyến bay từ vùng dịch trở về, quy trình đón tiếp được thực hiện nghiêm ngặt để vừa đón tiếp bà con chu đáo, vừa bảo đảm tránh lây nhiễm chéo.
Anh Đặng Đông Giang là người đầu tiên gõ cửa cánh cửa tàu bay trở về từ vùng dịch.
Anh Đặng Đông Giang, nhân viên Vận hành Trang thiết bị mặt đất, cho biết công việc của anh là giám sát nhân viên thực hiện nghiêm ngặt việc mặc quần áo và trang thiết bị bảo hộ trong quá trình đón và tiếp xúc với hành khách từ vùng dịch trở về sân bay Vân Đồn. Ngoài ra anh còn là người dẫn thang để đoàn từ máy bay xuống đến khu sân đỗ riêng biệt. Anh chính là người đầu tiên gõ cửa cánh cửa máy bay.
"Cảm xúc khi thấy mọi người dừng chân xuống sân bay của mình an toàn khiến mình rất xúc động. Mình hiểu họ đã rất khó khăn khi phải sống giữa tâm dịch, đối diện với hiểm nguy bệnh tật, chết chóc. Nên khi họ vừa đặt chân về đất mẹ, mình là người Việt Nam đầu tiên họ gặp, mình phải hân hoan, vui tươi chào đón họ, dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ nhất. Tôi rất tự hào khi được làm công việc rất ý nghĩa này" - anh chia sẻ.
"Mỗi nhân viên được trang bị hai bao tay, hai khẩu trang và đồ áo bảo hộ. Quy trình mặc, tháo bất cứ vật dụng nào hay sát khuẩn, khử trùng sau mỗi lần tiếp đón đều rất quan trọng. Một quy trình chuẩn chỉnh như vậy đã giúp cho chúng tôi hiểu rằng mình được bảo hộ tuyệt đối an toàn".
Nhân viên Ngô Thanh Tùng
Anh tâm sự khi nhận nhiệm vụ sẽ là tham gia công việc ở sân bay, giúp các công dân Việt Nam còn mắc kẹt ở vùng dịch Covid-19 về nước thì anh em và bản thân anh cũng rất hoang mang, vì làm công việc kỹ thuật anh quen rồi nhưng làm một việc đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của quốc tế về y tế, chưa kể nó có nhiều rủi ro về sức khỏe thì anh chưa khi nào trải qua. "Tuy nhiên, tôi chỉ cho phép mình hoang mang một lúc rồi phải tự trấn an bản thân mình. Vì nếu mình hoang mang, tất cả mọi người cũng hoang mang thì còn lấy ai làm việc nữa. Và mình muốn mình sẽ đón họ trong tâm thế vui tươi, đàng hoàng, hào sảng" - anh Giang tâm sự.
Đặc biệt, anh Giang trước đây đã được rèn bản lĩnh trong quân đội, là người đã cầm súng bảo vệ biên cương. Anh tâm sự: "Xét cho cùng đây cũng là một mặt trận và mình là một người lính cơ mà, nên mình không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Cán bộ y tế cũng như lãnh đạo sân bay đều trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ đầy đủ, tối đa để đảm bảo an toàn cho anh em".
Tuy nhiên, khó khăn không phải ở trang thiết bị mà làm sao để trấn an tâm lý cho nhân viên, cộng sự của mình. Nhân viên có nhiều người khi đón chuyến bay từ Vũ Hán đã nói thẳng với anh rằng: "Em còn trẻ, em chưa muốn chết đâu. Lần đầu tiên em làm."
Làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay từ tâm dịch Vũ Hán trở về - Ảnh: Minh Châu
Anh cũng nói với họ : "Đây cũng là lần đầu tiên anh làm. Nếu như mình không làm thì ai sẽ làm? Mình không làm thì lấy ai đón đồng bào mình trở về? Mình là người Việt Nam thì mình phải có tình người. Em hãy suy nghĩ nếu đây là người nhà em có đón không? Mình phải đặt cương vị hãy nghĩ người ta như người nhà của mình?"
Anh kể: "Sau khi đón đoàn về, nhìn thấy các em bé còn ẵm ngửa, mình rất thương chúng. Nó bé bỏng như con mình vậy. Và mình nói với các em nhân viên rằng việc chúng ta làm không chỉ là tình yêu với đồng loại với thế hệ hiện tại mà còn vì cả thế hệ tương lai".
Còn với người nhà thì sao? Anh kể chỉ nói với vợ là, anh sẽ phải phục vụ các chuyến bay đặc biệt về. Em ở nhà với con còn anh công việc vẫn là công việc. Và vợ anh đã khiến anh rất bất ngờ khi chỉ nhẹ nhàng nói thế này thôi: Anh nhớ trang bị khẩu trang mặc quần áo bảo hộ và ăn uống đầy đủ để bảo vệ cho mình khỏe mạnh.
"Mình rất may mắn vì được sự ủng hộ của vợ mình. Vì vợ mình biết mình là người lính nên cô ấy tin tưởng mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ và an toàn. Và cô ấy cũng biết tính cách của mình. Khi mình đã quyết định làm điều gì đó thì mình sẽ không bao giờ còn lấn cấn hay sợ hãi nữa. Bởi nếu sợ mình sẽ không làm"- anh Giang chia sẻ.
Vẫn nhớ như in lần đầu tiên đón chuyến từ Vũ Hán hạ cánh, mình đã run lên thực sự. Run vì lạnh bởi hôm đó Vân Đồn mưa gió, rét mướt thật nhưng cũng run vì mới chỉ tập huấn chứ chưa đối mặt tiếp xúc với những người có khả năng lây nhiễm virus corona. Nhờ được huấn luyện kỹ càng, quy trình chặt chẽ chuyên nghiệp, mọi công tác triển khai rồi cũng được hoàn thành thuận lợi trong sự ngạc nhiên, thở phào, vui mừng của từng cá nhân đến cả tập thể.
Còn nhớ hôm đó mấy anh chị hành khách chưa ấm chỗ trên xe ôtô trở về trung tâm cách ly đã ngoái lại vẫy tay chào, có người còn rơm rớm nước mắt. Mình hiểu vì sao họ lại cười, lại khóc. Vì đây là Việt Nam, là quê hương, là điểm trở về an toàn, ấm áp cho tất cả những người con xa xứ. Sau này còn có những hành khách vui quá vì đã được trở về thậm chí quên cả hành lý, làm "khổ" mình phải liên lạc để trả lại hành lý cho họ. Nghe được lời chia sẻ "Về được nước vui quá nên chị quên cả hành lý" khiến mình vừa buồn cười vừa xúc động.
Lại nhớ trước lần đón chuyến bay giải cứu Vũ Hán, mình có nói với mẹ về nhiệm vụ các sếp giao. Mình cũng sợ mà mẹ cũng sợ. Nỗi sợ là có thật bởi mình không biết gì về nó trước đó, chưa bao giờ trải nghiệm trong đời (giờ nghĩ lại thấy hơi thái quá). Mẹ bảo mình "tránh được gì thì tránh". Mình thì vừa cố gắng trấn an vừa nói cho qua chuyện: "Làm sao mà tránh được. Chỉ có cách đối đầu".
Ngô Thanh Tùng, Nhân viên phục vụ hành khách thuộc Sân bay Quốc tế Vân Đồn
Người lao động