MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm tư của gen Y - “thế hệ nhảy việc”: Tụi em chỉ cần tăng lương và thăng chức, chỉ vậy thôi!

15-03-2018 - 15:30 PM | Sống

Không cần văn phòng lộng lẫy, cũng chả cần đồ ăn miễn phí hay các sự kiện xa hoa. Thế hệ trẻ ngày nay chỉ mong muốn 2 điều: Được cân nhắc tăng lương và thăng chức thường xuyên.

Giới trẻ hiện nay xem chuyện nhảy việc liên tục để tìm môi trường tốt hơn là một lẽ đương nhiên. Và thói quen này đang gây đau đầu với các nhà tuyển dụng khi những tài năng trẻ thường tỏ ra không quá mặn mà với cái mác "tập đoàn to" hay "môi trường nhiều sự kiện" như xưa nữa.

Khác với những gì báo chí đồn thổi, thực tế là thế hệ trẻ hiện nay cũng mong muốn tìm được một công việc ổn định không khác gì bậc cha chú của mình. Gần 90% thế hệ trẻ trả lời rằng họ sẵn sàng gắn bó tại một công ty hơn 10 năm, nhưng chỉ trong trường hợp công ty cung cấp cho họ 2 yếu tố "đơn giản" sau:

- Xét duyệt tăng lương thường xuyên

- Cơ hội thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng.

Theo một cuộc khảo sát mới đây của CNBC, đa phần nhân sự trẻ mong muốn cam kết lâu dài với công ty, thậm chí 77% còn chấp nhận bị giảm lương tạm thời để có một sự nghiệp vững chắc.

"Thế hệ nhảy việc thật sự mong muốn tìm một công việc ổn định, nghe có vẻ "sai sai" nhưng sự thật là vậy", theo James Goodnow, tác giả quyển sách Motivating Millennials (tạm dịch: Tạo động lực cho thế hệ Gen Y). "Nhưng tiếc rằng rất nhiều quản lý thế hệ trước lại nghĩ rằng thế hệ Y chỉ cam kết được một khoản thời gian ngắn và ngay sau đó sẽ nhảy chỗ khác."

Theo báo cáo của công ty Qualtrics-Accel Partners, công ty đã phỏng vấn hơn 1.500 nhân viên trẻ đang đi làm, với câu hỏi sau:

Bạn sẵn sàng cam kết bao nhiêu năm nữa với công việc hiện tại?

Kết quả là:

- Nhiều hơn 6 năm (39%).

- Trên 3 năm (68%).

- Dưới 1 năm (16%).

Nỗi niềm của thế hệ bị gán mác "nhảy việc"

Tâm tư của gen Y - “thế hệ nhảy việc”: Tụi em chỉ cần tăng lương và thăng chức, chỉ vậy thôi! - Ảnh 1.

"Những lời đồn thổi cho rằng thế hệ trẻ ngày nay luôn mong muốn kiếm được công ty có "nhiệm vụ" thiêng liêng đang được đẩy lên quá đà", theo Larry Yu nhân viên tại công ty khảo sát Accel. "Trên thực tế, họ chỉ mong muốn kiếm được một công việc có mức phúc lợi tốt và định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Vì một khi đi làm, khao khát có được một căn nhà riêng và một gia đình ngày càng thôi thúc họ mong muốn đạt được sự nghiệp ổn định hơn."

"Giới trẻ luôn mong muốn tự quyết định được sự nghiệp và hướng phát triển của họ," theo Mike Maughan, nhà phân tích của công ty dữ liệu Qualtrics. Mike còn cho rằng giới trẻ ngày nay khao khát tìm việc ổn định vì đã chứng kiến sự vất vả của thế hệ bố mẹ, nhất là khả năng tiết kiệm để về hưu. "Họ không muốn trở thành CEO trong ngày một ngày hai, thứ mà giới trẻ đang tìm kiếm là một vị trí đem lại giá trị cho công ty."

"Và với định kiến "chắc hẳn thế hệ này sẽ nhảy không sớm thì muộn" của các nhà lãnh đạo thế hệ trước, họ đang rất ngần ngại đầu tư phát triển những tài năng trẻ và điều đó càng thúc đẩy thế hệ nhảy việc tìm kiếm những bến đỗ mới."

Và các nỗ lực thu hút nhân tài trẻ của tập đoàn lớn

Tâm tư của gen Y - “thế hệ nhảy việc”: Tụi em chỉ cần tăng lương và thăng chức, chỉ vậy thôi! - Ảnh 2.

Thế hệ trẻ ngày nay có quan niệm rằng nên gia nhập các công ty nhỏ vì cơ hội được đóng góp cũng như phát triển sự nghiệp ở đó cao hơn.

Tim Minerd, Trưởng ban nội dung của start-up Oasis cho hay: kinh nghiệm làm việc tại những công ty nhỏ và phối hợp trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao của công ty đã hỗ trợ anh rất nhiều trong quá trình kiếm việc sau này. "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi chứng kiến thành quả làm việc của mình trực tiếp ảnh hưởng đến công ty. Việc làm tại những công ty startups đã giúp tôi thu về 4-5 năm kinh nghiệm làm việc chỉ với 2 năm đóng góp."

Nhận ra được xu hướng này, nhiều tập đoàn lớn trên khắp thế giới đang tách nhỏ và xây dựng những phòng ban nhỏ lẻ với văn hóa gần giống với "startup" và đã thu hút được rất nhiều nhân tài trẻ.

Chẳng hạn như Sahab Aslam, một kỹ sư máy tính 31 tuổi, khi mới bắt đầu sự nghiệp, anh hoàn toàn không có hứng thú tham gia các tập đoàn lớn. Nhưng sau khi được biết tập đoàn Prudential có một phòng ban Thí nghiệm kỹ thuật Đời sống với chỉ 9 người, anh liền đăng ký ứng tuyển và đã cống hiến ở đó từ khi ra trường đến nay.

Và những tập đoàn tài chính lớn như EY cũng dần dần thay đổi cách thức tiếp cận đối với các nhân tài trẻ của mình. Với 75% nhân sự thuộc thế hệ Y, tập đoàn EY đang ra sức tạo điều kiện cho các nhân tài này được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng càng sớm càng tốt để họ cảm nhận được sự cống hiến và phát triển sự nghiệp của mình.

"Chúng tôi không muốn giữ các nhân tài trẻ này ở "hậu phương" quá lâu. Chúng tôi luôn cố gắng đẩy họ ra tiền tuyến để tiếp xúc với khách hàng thật sự, và mong muốn họ sẽ nghĩ rằng "Wow, sự nghiệp mình đang được chú trọng khi công ty cho phép mình tiếp xúc trực tiếp với khách hàng", theo Dan Black, trưởng phòng tuyển dụng của EY. "Nếu bạn cho thế hệ trẻ cơ hội được làm những việc mà họ muốn để phát triển sự nghiệp, cho phép họ thật sự có tiếng nói trong công ty, thế hệ này sẵn sàng ở lại và sẽ không "nhảy" như các định kiến về họ."

Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

Trở lên trên