MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân chủ tịch ECB: 'Không dùng điện thoại, không tuồn thông tin ra ngoài'

16-02-2020 - 21:40 PM | Tài chính quốc tế

Tân chủ tịch Christine Lagarde đang thực hiện những thay đổi tinh tế nhưng quan trọng tại ECB.Các đồng nghiệp cũ tại IMF mô tả bà là một nhà đàm phán cứng rắn với thế mạnh là xây dựng sự đồng thuận.

Tại buổi gặp mặt tháng 11/2019 trong một tòa lâu đài trên núi ở Đức, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và tân chủ tịch Christine Lagarde đã có một cam kết. Bà Lagarde hứa sẽ dành nhiều thời gian lắng nghe hơn và không ra quyết định trước khi các nhà hoạch định chính sách cho ý kiến, hành động được cho là thường thấy ở người tiền nhiệm Mario Draghi.

Đổi lại, bà yêu cầu kỷ luật từ Hội đồng Quản trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của ECB, bao gồm các giám đốc ngân hàng trung ương quốc gia từ 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và 6 thành viên Ban điều hành, bao gồm cả chính bà Lagarde.

Các thống đốc phải dừng chỉ trích các quyết định chính sách một khi được thông qua và tránh đưa các tranh chấp nội bộ lên phương tiện truyền thông, thể thiện sự thống nhất chung, 11 nguồn tin - cả chỉ trích và ủng hộ gói kích thích gây tranh cãi mới nhất của ECB - nói.

Tân chủ tịch ECB: Không dùng điện thoại, không tuồn thông tin ra ngoài - Ảnh 1.

Tân chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: Reuters.


“Thay đổi mang tính văn hóa nhưng ảnh hưởng khá sâu sắc, một nguồn tin yêu cầu được giấu tên nói. “Văn hóa ảnh hưởng cách chúng ta đưa ra quyết định, từ đó tác động đến chính sách”.Qua 3 tháng đầu tiên nhậm chức, có thể thấy bà Lagarde đang tận dụng bầu không khí ở lâu đài Schlosshotel Kronberg để thực hiện những thay đổi tinh tế nhưng quan trọng tại tổ chức quyền lực nhất châu Âu.

Yêu cầu vể sự đồng thuận mạnh mẽ hơn đã nâng cao vai trò của Hội đồng quản trị và giúp các thành viên như Đức, quốc gia có sự hỗ trợ quan trọng mỗi khi suy thoái diễn ra, có tầm ảnh hưởng hơn, theo các nguồn nội bộ.

Nhưng bà Lagarde cũng khẳng định sẽ giữ nguyên gói kích thích gây tranh cãi vào tháng 9 của Draghi, không sa thải các trợ lý của ông.

Tại châu Âu, chủ tịch ECB là một vị trí quyền lực, được hỗ trợ bởi hội đồng quản trị. Chủ tịch ECB là hình ảnh và tiếng nói của tổ chức, mang thông điệp tới các doanh nghiệp, hộ gia đình và các nhà lãnh đạo thế giới.

Người phản đối

Các cuộc họp giờ đây bắt đầu sớm hơn vài giờ, dành nhiều thời gian hơn để các nhà hoạch định chính sách thảo luận và cân nhắc. Lagarde chủ yếu chủ trì cuộc tranh luận, nhiều nguồn tin cho biết, lên tiếng tương đối ít và giữ kín quan điểm riêng của bà để thúc đẩy cuộc tranh luận.

“Khi các thống đốc nói chuyện, bà ấy lắng nghe. Nghe có vẻ không đáng kể nhưng Mario lúc đó thường xem điện thoại hoặc iPad”, nguồn tin thứ hai cho biết. “Bà Lagarde yêu cầu mọi người cất điện thoại đi”.

Các đề xuất trong cuộc họp hiện được trao cho các thống đốc trước một tuần, một số nguồn tin cho biết thêm, không chỉ vài giờ vì sợ rò rỉ như trước.

Những thay đổi này đã chuyển sức mạnh ra khỏi vòng cố vấn chặt chẽ mà Draghi từng dựa vào, trao cho các thành viên hội đồng quản trị nhiều cơ hội định hình cuộc tranh luận hơn, giảm những bất đồng trong cuộc tranh luận.

Tất cả các nguồn tin cho biết họ coi Draghi - được gọi là “vị cứu tinh của đồng euro” – là một chủ tịch tuyệt vời. Nhưng việc ông bỏ qua sự đồng thuận - như vào tháng 9, khi ông đẩy mạnh gói kích thích mới bất chấp sự phản đối mạnh mẽ - đã khiến một số nhà hoạch định chính sách bất bình, tăng nguy cơ phản đối công khai.

Trong một dấu hiệu ôn hòa khác, phần lớn các thành viên hội đồng quản trị đã chấp nhận yêu cầu của Lagarde: không công khai bình luận về các đánh giá chính sách diện rộng của ECB.

Các đồng nghiệp cho biết sự duyên dáng và khả năng tiếp cận của bà Lagarde trái ngược hẳn với Draghi xa cách. Bà sử dụng thang máy nhân viên bên trong tòa tháp của ECB, hỏi tên mọi người và vui vẻ trò chuyện với đồng nghiệp. Nhưng cựu bộ trưởng tài chính Pháp là một người kỹ tính về thời gian, giữ các cuộc họp theo đúng lịch trình và thường nhắc nhở mọi người có ý kiến ngắn gọn, đi thẳng vấn đề.

“Trong cuộc họp Hội đồng Rủi ro Hệ thống châu Âu, khi một diễn giả hết thời gian và xin được nói tiếp, bà nói xin lỗi, chúng ta cần phải tiếp tục, và chỉ có vậy”, một nguồn tin nói.

Tân chủ tịch ECB: Không dùng điện thoại, không tuồn thông tin ra ngoài - Ảnh 2.

Cựu chủ tịch ECB Mario Draghi. Ảnh: Reuters.


Sắc sảo về chính trị

Những gì không thay đổi cũng rất đáng kể.

Nhà kinh tế trưởng của ECB Philip Lane tiếp tục dẫn dắt các cuộc thảo luận chính sách, do bà Lagarde, cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và là một luật sư, thiếu chuyên môn về chính sách tiền tệ so với người tiền nhiệm.

“Christine biết những hạn chế của mình với chính sách tiền tệ và biết rằng bà cần phải chủ trì cuộc tranh luận thay vì chi phối nó. Bà có phong cách lãnh đạo hơn”.

Các đồng nghiệp cũ tại IMF mô tả bà là một nhà đàm phán cứng rắn với thế mạnh là xây dựng sự đồng thuận.

Được coi là lão luyện về chính trị hơn Draghi, Lagarde có quan điểm thân thiện với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sự hỗ trợ của họ có thể rất quan trọng khi ECB hết các biện pháp chính sách và cần đặt trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng lên chính phủ các nước.

Trong bài phát biểu đầu tiên, Lagarde ca ngợi cựu bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, một nhà phê bình nghiêm khắc của ECB.

“Họ đã lắng nghe Draghi trong cuộc khủng hoảng nhưng không làm vậy khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp”, một nguồn tin cho biết. “Bà ấy có mối quan hệ tốt với von der Leyen và về cơ bản có thể nói chuyện trực tiếp. Mario không bao giờ có quan hệ này với cựu lãnh đạo ủy ban Barosso hoặc Juncker”.

“Số lượng các cuộc điện thoại giữa bà Lagarde và bà Merkel không tăng đột ngột”, theo một nguồn tin ở Berlin, dù hai người đã biết nhau trong hơn một thập kỷ và có điểm chung về chính trị bảo thủ.

Đánh giá chiến lược mà bà Lagarde đưa ra vào tháng trước có thể mang nhiều thay đổi cho ECB, cải thiện mục tiêu lạm phát “thấp hơn nhưng gần 2%” với sai số lớn hơn, dù có thể khiến người Đức bất bình. Mong muốn của bà để ECB có vai trò lớn hơn trong việc chống biến đổi khí hậu cũng có thể mang đến những thách thức ban đầu cho Lagarde.

Theo Minh Ngọc

Người đồng hành

Trở lên trên