Tân Đại sứ EU tại Việt Nam: Hiện tại là “thời khắc của Việt Nam”, EU hỗ trợ bằng 5 công cụ
Từng tham gia đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cách đây 20 năm, ông Julien Guerrier cho rằng, sau nhiều nỗ lực, bây giờ là “thời khắc của Việt Nam”.
- 23-09-2023Đại sứ Ả-rập Xê-út: ‘Việt Nam vươn lên như một đoá sen’
- 16-09-2023THẾ GIỚI 24H: Đại sứ và các nhà ngoại giao Pháp 'đang bị bắt làm con tin' ở Niger
- 10-09-2023Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mỹ coi trọng vai trò chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết, ông đã đến Việt Nam từ năm 1996 với tư cách là một khách du lịch, và vào năm 2004 - 2005 với tư cách là một quan chức châu Âu vì ông đã tham gia vào quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam vào thời gian này.
Tân Đại sứ EU tại Việt Nam cũng cho biết, ông có thể thấy Việt Nam đã phát triển ngày càng tăng trong 2-3 thập kỷ qua và điều này là thành công trong chính sách mở cửa của Việt Nam.
Ông Julien Guerrier gọi thời điểm này là “thời của Việt Nam” sau gần 50 năm nỗ lực và phấn đấu, và cho biết ông rất vinh dự được có mặt tại thời điểm quan trọng này.
Trong nhiều thập kỷ, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đã hỗ trợ sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm của thế giới. EU đã phát triển một chiến lược để tham gia nhiều hơn vào khu vực này và Việt Nam có sức ảnh hưởng đặc biệt về kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị trong khu vực và do đó, đối với EU, đây là đối tác quan trọng trong khu vực, ông Julien Guerrier nhấn mạnh.
“ Vì vậy, điều tôi muốn làm trong nhiệm vụ của mình ở đây trong vài năm tới là tiếp tục và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho tham vọng của Việt Nam trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 2045 và không phát thải ròng vào năm 2050 ”, tân Đại sứ cho hay.
Cũng theo ông, EU có thể hỗ trợ Việt Nam dựa trên 5 công cụ:
Thứ nhất, Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai bên đã ký kết. Đây là một công cụ hiệu quả khi với việc thực thi hiệp định trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 32%.
Thứ hai, EU mong muốn trợ giúp Việt Nam trong xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng, y tế, công nghệ... thông qua công cụ cấp vốn có tên Global Gateway với số vốn trên 300 tỷ Euro dành cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và bền vững.
Thứ ba, cơ chế chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT) của nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ than đá sang năng lượng tái tạo với số vốn dự kiến 15,5 tỷ USD
Thứ tư, chương trình đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo mang tên Horizon Europe. Việt Nam có các nhà đổi mới sáng tạo và EU khuyến khích họ đăng ký để tiếp cận nguồn viện trợ từ quỹ, thông qua đó các chuyên gia của hai bên có thể trao đổi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác về an ninh, quốc phòng. Theo đó, EU sẽ giúp Việt Nam xây dựng năng lực như an ninh hàng hải, an ninh mạng và các lĩnh vực liên quan khác.
Ông Julien Guerrier khẳng định, EU mong muốn là đối tác đáng tin cậy, một người bạn của Việt Nam thông qua những công cụ hết sức đặc thù, qua đó đem lại giá trị mới, hướng tới hiện thực hóa tham vọng lớn của Việt Nam, trở thành một quốc gia phát triển, xanh và bền vững vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“ Việt Nam có thể tin tưởng vào cá nhân tôi cũng như EU trong quá trình phát triển với vai trò một đối tác, người bạn đáng tin cậy. Chúng tôi muốn cùng chung tay với Việt Nam để hiện thực hóa các cơ hội này ”, tân Đại sứ EU tại Việt Nam nói.
Nhắc lại quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam gần 20 năm trước mà ông từng là thành viên của đoàn đàm phán EU, ông Julien Guerrier cho biết đó là một khoảng thời gian dài.
Ở thời điểm đó, Việt Nam có nhiều lĩnh vực cần mở cửa, việc thay đổi các quy định luật pháp, khuôn khổ pháp lý vào lúc đó là nỗ lực không dễ dàng gì.
“ Khi hướng đến những mục tiêu cụ thể, chúng tôi đã gặp khó khăn trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ trong đó có dịch vụ ngân hàng – đòi hỏi quá trình đàm phán dai dẳng kéo dài ”, ông cho biết.
Ông đánh giá cao vai trò các nhà đàm phán đầy năng lực của Việt Nam, phối hợp với các bộ ngành liên quan tại thời điểm đó. Đây không phải chỉ là vấn đề giảm các mức thuế trong lĩnh vực thương mại, mà khó khăn ở việc thay đổi quy định pháp luật như mở cửa lĩnh vực dịch vụ.
Theo ông, quá trình đàm phán và thực thi của Việt Nam rất ấn tượng, góp phần đem đến lợi ích cho doanh nghiệp kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần mở cửa thị trường, tạo ra một nước Việt Nam thành công phồn thịnh như hiện nay.
Phụ nữ mới