Tận dụng nguồn thu từ đấu giá đất, sớm đưa Thanh Trì lên quận
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, huyện Thanh Trì cần vận dụng hiệu quả những cơ chế hỗ trợ của thành phố từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và khai thác hiệu quả nguồn thu từ các hộ kinh doanh để hoàn thiện tiêu chí cân đối ngân sách…
- 23-03-2022Nhiều tuyến đường lớn rầm rộ triển khai, BĐS Hoài Đức cất cánh trước khi lên quận
- 11-03-2022Đất ven Sài Gòn xuất hiện “giá ảo” sau thông tin lên quận, thành phố?
- 09-03-2022Tp.HCM: Nhiều huyện ngoại thành phấn đấu lên quận, thành phố trực thuộc
Ngày 15/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì về tiến độ thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận.
Báo cáo của huyện Thanh Trì cho thấy: Tại thời điểm phê duyệt Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận (tháng 10/2019), huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí, còn 3/27 tiêu chí chưa đạt là: Tiêu chí cân đối thu, chi ngân sách; tiêu chí mật độ giao thông đô thị và tiêu chí đất cây xanh công cộng trên địa bàn.
Về lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện 3 tiêu chí chưa đạt, huyện Thanh Trì dự kiến đến hết năm 2022, tỷ lệ tự cân đối thu, chi ngân sách của huyện đạt 63,6%; năm 2023 dự kiến đạt 77,5%; năm 2024 dự kiến đạt 98,7% và năm 2025 đạt khoảng 109,1%. Đối với tiêu chí mật độ giao thông đô thị, giai đoạn 2021-2025, huyện đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông. Sau khi hoàn thành 46 dự án này, dự kiến đến hết năm 2025 số km đường giao thông đô thị trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm khoảng 51,55km/50,03km và hoàn thành tiêu chí “Mật độ đường giao thông đô thị” theo tiêu chuẩn quận.
Vận dụng hiệu quả nguồn thu từ dự án đấu giá đất
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, đối với 3 tiêu chí của huyện chưa đạt, khó nhất vẫn là tiêu chí về cân đối ngân sách và tỷ lệ đường giao thông đô thị. Bên cạnh đó là 5 tiêu chí xã lên phường cũng chưa đạt, huyện cần rà soát lại toàn bộ, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện.
Ông Hà Minh Hải đề nghị huyện cần đánh giá, phân tích kỹ, xác định thế mạnh về nguồn thu để có định hướng, trong đó cần đánh giá đến tận các xã. Huyện cũng rà soát lại toàn bộ quy hoạch, nhất là dự báo về dân số để đầu tư đồng bộ về hạ tầng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đảm bảo hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, đối với những tiêu chí huyện còn đang gặp nhiều khó khăn như tiêu chí về cân đối ngân sách, huyện cần vận dụng hiệu quả những cơ chế hỗ trợ của thành phố từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và khai thác hiệu quả nguồn thu từ các hộ kinh doanh để hướng tới hoàn thiện mục tiêu quan trọng này.
Ngoài ra, để đạt được tiêu chí về cân đối ngân sách, huyện cần tăng cường nguồn thu từ các xã thông qua việc tích cực rà soát nguồn thu để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bên cạnh đó, cần tích cực hướng các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn áp dụng cơ chế tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm để tiết kiệm nguồn chi ngân sách.
Đến hết năm 2021, huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh đạt 21/27 tiêu chí lên quận, 6 tiêu chí chưa đạt; huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt; huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt; huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt.
Huyện Gia Lâm và Hoài Đức phấn đấu hoàn thành năm 2023-2024; huyện Thanh Trì phấn đấu hoàn thành năm 2024-2025; huyện Đan Phượng và Đông Anh phấn đấu hoàn thành năm 2025. Thành phố thống nhất tập trung cho huyện Gia Lâm hoàn thành quận trong năm 2023.
Tiền phong