"Tán phét về 'đào kho báu quốc phòng' có thể gây hậu quả khôn lường cho ta" - Người Trung Quốc kết luận
Bài viết được Sohu (Trung Quốc) đăng tải đề cập tới một xu hướng gọi là "Nghiên cứu công nghiệp" đang được lan truyền trên Internet ở nước này.
- 10-01-2024"Phương Tây muốn Nga rơi vào 'nửa thập kỷ thụt lùi' ư, 68 triệu USD là đủ thoát" - Người Trung Quốc hé lộ
- 09-01-2024Người Trung Quốc chuộng trang sức vàng hình rồng
- 05-01-2024"Khởi nghiệp mở cửa hàng, người trẻ thua thiệt nhưng kẻ khác lại thắng lớn" - Người Trung Quốc giải thích
"Đào kho báu quốc phòng"?
Nếu thường xuyên lướt các mạng xã hội ở Trung Quốc, bạn có thấy gần đây xuất hiện nhiều câu chuyện về "công nghiệp từ dưới lên" hay không?
Những câu chuyện này mở đầu rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang bị mắc kẹt và một số người đã tiến hành cái mà họ gọi là "nghiên cứu công nghiệp" - tức là đi ra ngoài và điều tra xem có thứ gì phù hợp cho quân đội hay không.
Và kết quả là họ đã cho ra đời một loạt huyền thoại về các "kho báu quốc phòng". Trong số những huyền thoại này, thứ được nhắc đến nhiều nhất là cáp hãm đà của tàu sân bay Juli.
Chuyện kể rằng khi Trung Quốc đang đóng tàu sân bay đầu tiên - tàu Liêu Ninh - gần như nước này không có khả năng tiếp cận tất cả các loại công nghệ và thiết bị liên quan và trong đó có cáp hãm đà.
Cáp hãm đà dùng để làm gì?
Thứ này chủ yếu giúp máy bay dừng lại sau vài giây khi được móc vào - đây là phần quan trọng nhất trong quá trình máy bay hạ cánh ở tàu sân bay. Nếu không có nó, tàu sân bay sẽ không thể trở thành sân bay trên biển và nó sẽ không khác gì một mục tiêu di chuyển chậm.
Câu chuyện tiếp tục bằng việc miêu tả rằng để giảm tốc độ máy bay trong thời gian ngắn, cáp hãm đà có yêu cầu về độ cứng và độ dẻo dai là rất cao. Vì vậy việc Trung Quốc sản xuất cáp này rất khó khăn và thời điểm đó trên thế giới chỉ có Mỹ và Nga mới có thể sản xuất được.
Việc đàm phán với Mỹ và Nga thất bại khiến Trung Quốc phải mở thầu rộng rãi. Và Tập đoàn Juli phát hiện ra rằng càng nhìn càng thấy những thông số này khá quen thuộc. Chúng giống hệt hàng hóa họ xuất khẩu sang Mỹ và hàng tồn kho vẫn "như núi" nên thử đặt giá.
Theo Baidu, Công ty TNHH Tập đoàn Juli (Cự Lực) được thành lập vào năm 1997. Tập đoàn hiện kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư chứng khoán, bất động sản, vận tải, sản xuất thép, cơ khí và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Phần tiếp theo của câu chuyện là mãi sau này mọi chuyện được làm sáng tỏ là hóa ra người Mỹ đã giao các gói thầu phụ về trang thiết bị tàu sân bay của họ cho một số doanh nghiệp và những người này đã mua cáp từ Trung Quốc.
Sau cái gọi là "sự cố Juli", cả Trung Quốc cảm thấy vẫn còn điều gì đó ẩn giấu trong ngành công nghiệp nên đã tiến hành cái gọi là "khảo sát công nghiệp". Kết quả là "chiếc lưới" này thực sự đã bắt được "mẻ cá" lớn.
Ví dụ như thông tin Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) rất cần sợi carbon T300 nhưng loại sợi này còn kém xa so với sợi carbon T1000 trong cần câu cá của Guangwei.
Hóa ra Tập đoàn Guangwei đã đạt được những đột phá về công nghệ từ lâu, độ bền của sợi carbon do họ sản xuất thậm chí còn vượt cấp độ quân sự.
Theo Baidu, Công ty TNHH Tập đoàn Weihai Guangwei (Uy Hải Quảng Vệ) được thành lập vào năm 1995. Ngành kinh doanh chủ lực của tập đoàn là nghiên cứu, phát triển và kinh doanh ngư cụ.
Hay như việc trong trong hai năm qua, SF Express (Công ty TNHH Tập đoàn Thuận Phong) đã đầu tư lớn vào máy bay không người lái (UAV) chở hàng.
Và cuối cùng họ đã cho ra đời một con "quái vật" có thể chở 1,5 tấn hàng hóa, tầm hoạt động 3.000 km và có thể giao hàng chính xác tại các điểm cố định .
Và thứ "thần kỳ" này đã nhanh chóng được PLA tiếp cận và không mất nhiều thời gian để UAV chở hàng của SF Express trở thành UAV MALE (tầm trung sức bền cao) trong các hoạt động quân sự...
Có thể kể tiếp tới các câu chuyện như cảnh sát giao thông Trung Quốc phát hiện ra rằng không thể phát hiện một số ô tô chạy quá tốc độ bằng radar do chúng "tàng hình" với sơn giảm phản xạ tín hiệu radar, ngành điện lực dùng pháo laser để tỉa cành...
Tán phét?
Có thể nói xu hướng "Nghiên cứu công nghiệp" đang phát triển trên các mạng xã hội Trung Quốc.
Các câu chuyện có đầy đủ thăng trầm và các nhân vật được xây dựng đầy đặn mang đến cho độc giả cảm giác phấn khích. Nhưng có rất nhiều vấn đề trong các câu chuyện này.
Ví dụ như cái gọi là "cáp hãm đà tàu sân bay Juli".
Theo những gì được kể trên mạng xã hội thì Juli đã nhận được đơn hàng từ người Mỹ từ năm 2002 và điều này đã giúp họ nắm vững công nghệ. Nhưng vấn đề là công ty con chuyên sản xuất cáp của họ chỉ được thành lập vào năm 2004.
Chúng ta cũng không thể tìm thấy trong báo cáo tài chính của Juli về giao dịch cáp "trị giá hàng chục tỷ USD" với người Mỹ. Điều thú vị hơn nữa là nhân vật chính của câu chuyện - Tập đoàn Juli không nằm trong danh sách các nhà cung cấp dây cáp cho tàu Liêu Ninh.
Về cáp hãm đà của tàu sân bay, tôi (cây viết của Sohu) đã phát hiện rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nghiên cứu và phát triển hệ thống hãm máy bay này từ thế kỷ 20.
Đến năm 2009, tiêm kích hạm J-15 đã thực hiện thành công các chuyến bay thử nghiệm và đã cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu sân bay vào năm 2012.
Câu chuyện về UAV MALE của SF Express thậm chí còn kinh khủng hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói cho bạn rằng chiếc UAV này thực chất do Sichuan Tengdun phát triển và nó chỉ được sơn bằng các dấu hiệu của SF Express trong một hoạt động thử nghiệm vào cuối năm 2017.
Về phần Sichuan Tengdun (Tứ Xuyên Đằng Thuẫn), từ những thông tin từ trang web chính thức của họ thì có thể tạm kết luận rằng đây chỉ đơn giản là một công ty phát triển sản phẩm lưỡng dụng (cả quân lẫn dân sự) - một xu hướng trong những năm gần đây.
Tương tự, Guangwei chắc chắn không chỉ làm cần câu sợi carbon như mọi người vẫn nói.
Họ là 1 trong 2 nhà cung cấp sợi carbon cấp quân sự ở Trung Quốc. Guangwei cũng tuyên bố rõ ràng rằng từ các ứng dụng quân sự, việc sản xuất sợi carbon dân dụng của họ đã đạt được các tiến bộ vượt bậc.
Người mua lớn nhất với sợi carbon Guangwei là PLA, và mảng kinh doanh này vẫn chiếm 40% doanh thu vào năm 2022. Vì vậy sẽ không ngoa khi nói rằng Guangwei là một mắt xích trong ngành công nghiệp quốc phòng chứ không phải một công ty tư nhân nào đó.
Câu chuyện về sơn "tàng hình" cũng có thể được giải thích tương tự.
Hậu quả khôn lường?
Có thể nói các câu chuyện "Nghiên cứu công nghiệp" với 7 phần thực, 3 phần hư này có thể có những hậu quả khôn lường.
Ví dụ như thứ mà ngành A đang theo đuổi là một "món đồ chơi" mà ngành B có thể dễ dàng có được. Tuy nhiên do cả hai bên đều cho rằng đây là bí mật và quyết giữ đến cùng nên cuối cùng sẽ dẫn đến lãng phí rất nhiều nguồn lực.
Điều đáng sợ hơn là những câu chuyện kiểu này khiến người Trung Quốc lầm tưởng rằng việc tháo gỡ những nút thắt công nghệ do nước ngoài tạo ra là một việc rất dễ dàng.
Nếu ai cũng cho rằng chiến thắng là dễ dàng thì đó sẽ là thiếu tôn trọng những nhà nghiên cứu đã đổ mồ hôi và các công ty thực sự giúp đỡ cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Đời sống & pháp luật