TanChong Motor mất quyền phân phối độc quyền xe MG tại thị trường Việt Nam sau khi đứt duyên Nissan, nhà máy 40 triệu USD tại Đà Nẵng có đóng cửa?
Chỉ trong vòng 2 năm, TanChong Motor đã mất quyền phân phối với hai hãng xe tại thị trường Việt Nam là Nissan và MG.
- 22-04-2023Số liệu đáng báo động với Thế Giới Di Động: Doanh thu tháng 3 không đạt nổi 8.000 tỷ đồng, quay về thời cách đây 4 năm dù đã mở thêm hàng ngàn cửa hàng
- 21-04-2023HAGL Agrico lý giải nguyên nhân lỗ gần 3.600 tỷ đồng năm 2022, đưa 5 chiến lược quan trọng để thoát lỗ
- 21-04-2023Sau 2 quý lỗ hàng trăm tỷ, thép SMC có lãi trở lại trong quý 1
TanChong Motor (TCM) - một tập đoàn đa quốc gia của Malaysia với chuyên môn trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất và bán xe ô tô mới đây nhất đã mất quyền phân phối xe của MG – hãng xe thuộc tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc tại Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2020, hãng mất quyền phân phối xe Nissan. Hiện nhà phân phối xe Nissan tại nước ta là Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ô tô Việt Nam (VAD).
Không có lời giải thích nào được đưa ra trong cả 2 thương vụ, song điều này cũng cho thấy danh tiếng của TCM đang phần nào đó bị giảm sút.
Cuộc đầu tư cho Nissan tại Việt Nam với tầm nhìn 30 năm đột ngột bị chấm dứt
TCM được ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi 2 doanh nhân Tan Yuet Foh và Tan Kim Hor với mục tiêu ban đầu là nhập khẩu xe Datsun (thương hiệu của Nissan) và bán tại thị trường nội địa của Malaysia.
Công ty đã đạt được nhiều thành công trong giai đoạn những năm 1970 khi Datsun 120Y trở thành ô tô bán chạy nhất tại thị trường nội địa Malaysia. Datsun và Toyota trở thành hai thương hiệu xe Nhật Bản chiếm thị phần lớn nhất tại nước này.
Bên cạnh đó, TCM cũng được Renault, Foton và UD Trucks ủy quyền phân phối xe ở Malaysia.
Song song, các nhà máy của TCM được mở rộng ra nhiều nước tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Năm 2010, TCM mua lại 74% vốn điều lệ của công ty TNHH Nissan Việt Nam với giá 7,4 triệu USD và trở thành nhà phân phối của hãng xe này tại nước ta.
Doanh nghiệp cũng đầu tư 40 triệu USD để xây dựng nhà máy lắp ráp tại Đà Nẵng và bắt đầu sản xuất những chiếc Nissan Sunny từ năm 2013.
Ngoài Việt Nam thì Campuchia, Lào, Myanamar và Thái Lan cũng trở thành các thị trường bán xe nổi bật của TCM. Công ty đạt mốc 1 triệu chiếc xe Nissan sản xuất ra trong giai đoạn từ 1976 tới 2017, trở thành một trong những đối tác lâu đời và thành công nhất của hãng ô tô tới từ Nhật Bản.
Việc mua lại cổ phần tại công ty con của Nissan giúp cho TCM có quyền nhập khẩu, phân phối và cung cấp các loại dịch vụ độc quyền với ô tô của hãng xe Nhật Bản tại thị trường nước ta trong khoảng 30 năm.
Tuy nhiên, sau khoảng 10 năm hợp tác, Nissan đã chấm dứt thỏa thuận và TCM không còn là đối tác chiến lược của họ tại thị trường Việt Nam nữa.
Cuộc bắt tay độc quyền với MG chưa đầy 3 năm đã bị cắt
TCM vẫn hiện diện tại nước ta với những chiếc xe MG – thương hiệu Anh Quốc đã được SAIC Motor của Trung Quốc mua lại.
Kể từ năm 2020, công ty được chứng nhận là nhà phân phối độc quyền của xe MG tại thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, những chiếc xe của MG là HS và ZS không thực sự được ưa chuộng tại Việt Nam, dù có mức giá tương đối phải chăng.
Song một lần nữa, TCM lại mất độc quyền nhập khẩu, phân phối cũng như cung cấp phụ tùng và dịch vụ của hãng xe lớn nhất Trung Quốc, khi thỏa thuận giữa hai bên mới đây lại bị hủy bỏ do SAIC thay đổi chiến lược kinh doanh.
Mặc dù trong cả hai lần, TCM đều tuyên bố việc hủy bỏ hợp tác tại thị trường Việt Nam không quá ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, song đây là những đòn đánh mạnh vào danh tiếng của hãng.
Chỉ trong vòng 2 năm, TCM đã mất quyền phân phối với hai hãng xe tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên công ty vẫn chưa có kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Đà Nẵng và nhiều khả năng sẽ quay lại thị trường nước ta với một hãng xe khác.
Hiện tại, TCM vẫn đang phân phối những chiếc xe của Nissan, Renault và một vài hãng xe khác tại thị trường nội địa cũng như những nước Đông Nam Á khác.
Nhịp sống thị trường