MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng 30% trong vòng 1 tháng, điều gì đang xảy ra với cổ phiếu Eximbank?

02-06-2016 - 08:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) đã tăng 30% trong tháng 5 vừa qua, gấp gần chục lần so với mức tăng bình quân của thị trường, đi kèm là các giao dịch thỏa thuận khối lượng "khủng".

Giá tăng 30% trong 1 tháng, nhiều giao dịch khối lượng “khủng” xuất hiện

Cổ phiếu EIB của Eximbank bị rơi vào diện cảnh báo từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2015 bị điều chỉnh âm hơn 834 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2015 là âm 817 tỷ đồng.

Sau thông tin này, cổ phiếu của ngân hàng đã đi ngang đến tận hết tháng 4.

Ấy thế nhưng sang tháng 5, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Giá cổ phiếu này tăng dựng đứng, kèm theo đó là các phiên giao dịch thỏa thuận khối lượng “khủng” diễn ra ngay sau khi Đại hội cổ đông lần 2.

Chỉ trong vòng 1 tháng, từ mức giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, EIB đã tăng liên tục lên đến 13.500 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Trong khi đó, chỉ số VNIndex chỉ tăng chưa đầy 3,4%, tức giá cổ phiếu EIB đã tăng gấp gần chục lần so với mức tăng bình quân của thị trường.


Giá cổ phiếu EIB lình xình trong suốt một thời gian dài nhưng bắt đầu tăng dựng đứng kể từ đầu tháng 5 (data: CafeF)

Giá cổ phiếu EIB lình xình trong suốt một thời gian dài nhưng bắt đầu tăng dựng đứng kể từ đầu tháng 5 (data: CafeF)

Số liệu của chúng tôi cho thấy, từ ngày 23/5 tới 01/6, trong 7 phiên giao dịch thì có đến 6 phiên EIB được giao dịch thỏa thuận lượng lớn. Trong đó đáng chú ý là phiên 27/5 với hơn 4,4 triệu cổ phiếu trao tay, trị giá hơn 45 tỷ đồng. Trong 2 phiên 31/5 và ngày 1/6, tổng cộng cũng có 3 triệu đơn vị được giao dịch, trị giá hơn 36 tỷ đồng.

Trước đó, phiên 5/5, cũng đã có gần 5 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận, trị giá hơn 46,8 tỷ đồng.

Tính chung tháng 5, xấp xỉ 13 triệu cổ phiếu EIB đã được giao dịch thỏa thuận, trị giá gần 137 tỷ đồng.


Các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB liên tục xuất hiện sau ĐHCĐ lần 2 bất thành ngày 24/5 (Data: cafef)

Các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB liên tục xuất hiện sau ĐHCĐ lần 2 bất thành ngày 24/5 (Data: cafef)

Bất thường do đâu?

Tăng gấp 9 lần diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu của một ngân hàng bị cảnh báo ắt hẳn đã khiến nhiều người bất ngờ. Không bất ngờ sao được khi Eximbank liên tục mang “tiếng xấu” trong thời gian qua vì những đấu đá, tranh giành quyền lực, còn hoạt động ngân hàng thì đi xuống một cách thê thảm.

Những con số nghìn tỷ lợi nhuận và gần 200 nghìn tỷ đồng tổng tài sản giờ chỉ còn là quá khứ êm đẹp của giai đoạn 2012 trở về trước. Một ngân hàng với 6.000 nhân sự nhưng cả năm 2015 lợi nhuận không nổi 70 tỷ đồng, và quý đầu năm 2016 lại chỉ đạt 24 tỷ đồng do phải nai lưng xử lý các khoản sai phạm trong quá khứ cùng dự phòng rủi ro. Tổng tài sản cũng đã bốc hơi nhanh chóng, hiện chỉ còn hơn 120 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, nội bộ ngân hàng lại xảy ra sự đấu đá quyền lực giữa các nhóm cổ đông. Năm 2016, đã qua 2 lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng vẫn chưa thể thành công vì các nhóm cổ đông lớn chưa tìm được tiếng nói chung.

Hiện ngoài các nhà đầu tư nhỏ lẻ “thấp cổ, bé họng” thì Eximbank có nhóm nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản SMBC, nhà đầu tư lớn Vietcombank và một số nhóm cổ đông khác. Theo một nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi có được, các nhóm này tổng cộng đang nắm hơn 70% vốn của ngân hàng, và không có một nhóm cổ đông nào vượt trội, đủ lớn để có tiếng nói quyết định. Chính vì thế, sự đấu đá diễn ra không ngừng, khiến cho nhóm nào cũng muốn giành phần hơn để được vào quản trị ngân hàng.

Cuộc tranh giành diễn ra căng thẳng đến mức đại diện một nhóm cổ đông lớn đã phải chia sẻ rằng, nếu cứ căng thẳng như thế này, cứ không ai chịu ai thế này và cơ quan quản lý không vào cuộc gắt gao thì họ sẽ phải bán cổ phần EIB để rút lui.

Nhưng rút lui cũng không phải đơn giản, theo một chuyên gia, các nhóm cổ đông đã theo đuổi suốt một thời gian dài, có thể đã phải bỏ ra hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để có được cổ phần, nếu họ chấp nhận thua, chấp nhận rút lui cũng đồng nghĩa chấp nhận mất mát một khối tài sản khổng lồ.

Trở lại với diễn biến giá cổ phiếu EIB, đáng chú ý là cổ phiếu này giao dịch khá lẻ tẻ trên sàn giao dịch, nhưng lại được thỏa thuận mạnh ngay trước thềm đại hội cổ đông lần 2 vào ngày 24/5 vừa qua, kéo dài cho đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chia sẻ với chúng tôi, một nhà đầu cơ cổ phiếu ngân hàng có tiếng ở Hà Nội nhận xét, đây rất có thể là dấu hiêu cho thấy có một nhóm cổ đông đang chấp nhận lùi bước. Vì đã trót mua ở vùng giá cao hơn, nên giờ đây họ phải đưa giá cổ phiếu về ít nhất là vùng có thể chấp nhận được để rút vốn về.

Một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác trong khi đó lại cho rằng, dường như các nhóm đang “ra tay” gom hàng để giành lợi thế về phe mình. Và đó là lý do khiến cho giá cổ phiếu tăng trong những ngày qua.

Việc thu gom cổ phiếu của nhóm cổ đông lớn cũng được một vị đại diện cho một trong các nhóm cổ đông thừa nhận với người viết.

Theo kế hoạch, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung thêm 3 nhân sự vào HĐQT theo yêu cầu của cổ đông vào đầu tháng 8 tới đây, song cũng không loại trừ khả năng ngân hàng này sẽ phải tổ chức đại hội năm 2016 lần 3 do 2 lần trước bất thành. Việc gia tăng nắm giữ cổ phiếu để giành lợi thế vì vậy cũng là một lý giải khá hợp lý.

Để tìm tiếng nói đa chiều, liên hệ với ngân hàng Eximbank để hỏi thăm về diễn biến giá cổ phiếu, người viết nhận được câu trả lời: Hoạt động ngân hàng tốt lên nên giá cổ phiếu tăng!

Trong tất thảy những lý do làm tăng giá cổ phiếu EIB, cổ đông nhỏ lẻ và thị trường chắc chắn mong rằng những lạc quan của vị đại diện Eximbank kia là sự thật, để ngân hàng nhanh chóng trở lại quỹ đạo và hồi phục, tìm lại vị thế vốn có của mình. Còn nếu là sự đấu đá, sự tranh giành phần hơn thì thị trường vẫn phải chờ đợi các đại hội cổ đông tiếp theo để hạ hồi phân giải, hoặc chờ đợi vào sự can thiệp của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên