Tăng cung vàng miếng để hạ nhiệt "sốt giá"
Thị trường kỳ vọng việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng sẽ góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới
- 20-04-2024Vàng tăng giá 5 tuần liên tiếp
- 20-04-2024Không ra biển tìm kho báu, hàng nghìn người từng lao lên núi “đào vàng”: Kết quả bất ngờ sau 1 thập kỷ
- 20-04-2024Giá vàng và đồng cao kỷ lục và sẽ còn tăng nữa
Dự kiến ngày 22-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau nhiều năm nhằm tăng cung cho thị trường, thu hẹp khoảng cách với giá thế giới theo yêu cầu của Chính phủ.
Vàng SJC cao hơn thế giới trên 10 triệu đồng/lượng
Cuối ngày 20-4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so với hôm trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 74,8 - 76,7 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với hôm trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tăng khoảng 14 - 15 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới đóng cửa cuối tuần quanh mốc 2.392 USD/ounce, giảm so với mốc đỉnh trên 2.400 USD/ounce lập vào hôm trước. Nếu tính từ đầu năm đến nay, kim loại quý trên sàn quốc tế đã tăng trên 330 USD/ounce. Giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng nhẫn khoảng 3 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC khoảng 10,5 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch này đã thu hẹp rất nhiều trong vài ngày qua trước thông tin NHNN chính thức can thiệp thị trường thông qua chính sách đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức chênh lệch cao trong bối cảnh giá vàng trong nước từ hơn chục năm qua không liên thông với thế giới, các DN không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ hoặc NHNN nhập khẩu và gia công sản xuất vàng miếng SJC.
Thị trường kỳ vọng việc NHNN đấu thầu vàng miếng sẽ góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Đây cũng là yêu cầu nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ đặt ra đối với cơ quan quản lý vàng. Theo NHNN, phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra vào 10 giờ ngày 22-4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước - NHNN. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô. Loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được NHNN tổ chức sản xuất. Tổ chức tín dụng và DN tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng (giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc). Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng)… Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố. Với giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng, tổng giá trị của phiên đấu thầu này là hơn 1.300 tỉ đồng.
NHNN sẽ gửi thông báo trước một ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và DN tham gia đấu thầu bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị tham gia có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một giờ sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.
Cần giải pháp căn cơ
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN, cho biết triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng SJC (NHNN đã sản xuất và có trong kho). Ngay trong chiều 19-4, NHNN gửi thông báo về việc đấu thầu tới 15 tổ chức tín dụng, DN là những đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng để tổ chức đấu thầu trong ngày 22-4.
Nhiều chuyên gia, DN cũng nhận định việc đấu thầu vàng miếng là giải pháp phù hợp trong bối cảnh cần tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường sau nhiều năm vàng SJC "một mình một chợ", không liên thông với thế giới. Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng. Bởi lượng vàng được NHNN bán cho các tổ chức tín dụng và DN thông qua đấu thầu sẽ giúp tăng nguồn cung vàng vào thị trường, góp phần làm giảm nhiệt "cơn sốt giá" hiện nay. Thực tế là nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên cao. "Việc đấu thầu cũng cần phải có một lượng vàng rất lớn để giữ sự bình ổn. Nhưng về lâu dài, cần phải xem xét việc sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng để phù hợp với thực tế hơn" - TS Hiếu nói.
Về chính sách quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới, ông Đào Xuân Tuấn cho biết NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đã lấy ý kiến các bộ, ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương nên sửa đổi Nghị định 24. Theo đó, Nghị định 24 đã có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt là tập trung vào vấn đề nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Không chỉ vàng miếng SJC, vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức cũng là một vấn đề đau đầu của các DN. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chia sẻ: "Công ty có nhiều thời điểm gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu bị hạn chế, có những lúc không có vàng để sản xuất. Ngay như thời điểm ngày Thần Tài 2024, công ty phải dự trữ vàng cho sản xuất từ tháng 10 - 11 năm trước và thực tế lượng sản phẩm vàng cung ứng cho thị trường cũng chưa như kỳ vọng. Công ty không lo về đầu ra nhưng đầu vào lại không có". Lãnh đạo PNJ cũng cho rằng không thể dự trữ vàng nguyên liệu cho cả năm vì giá vàng biến động từng ngày, từng giờ nên phải tính mua lúc nào, mua như thế nào để bảo đảm giá vốn. Một số ngày nếu số lượng vàng nguyên liệu nhập vào không đủ, công ty sẽ phải chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất.
Cần Thơ: Xử phạt 39 tiệm vàng
Ngày 20-4, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ cho biết cục trưởng Cục QLTT thành phố vừa ký quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn. Sau khi kế hoạch trên ban hành, nhiều tiệm vàng trong trung tâm thành phố đóng cửa. Điển hình là trên đường Võ Văn Tần, Nguyễn Thái Học (quận Ninh Kiều) có đến 4 tiệm không mở bán. Tính đến nay, Cục QLTT TP Cần Thơ đã xử lý 39 tiệm vàng, số tiền xử phạt 659,5 triệu đồng. Hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh vàng gồm: không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc... Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết thành phố có khoảng 220 công ty, cửa hàng kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ, trong đó có 4 đơn vị kinh doanh vàng miếng. Vừa qua, có 2 tiệm vàng làm thủ tục xin nghỉ đúng theo quy định; có tiệm vàng đóng cửa do giá vàng lên xuống bất thường. "Việc tiệm vàng đóng cửa thì cơ quan chức năng cũng kiểm tra bình thường, chứ không phải đóng cửa thì không thể kiểm tra" - ông Hiển nói.
C.Linh
TS CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:
Tăng tính công khai, tăng nguồn cung
Việc đấu thầu vàng của NHNN lần này nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế, qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế. Trước đó, năm 2013, công cụ đấu thầu vàng cũng đã được NHNN sử dụng nhằm hạ nhiệt giá vàng. Việc nhập khẩu một số lượng vàng nhất định là phù hợp bởi nguồn cung trong nước không đủ. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu là bao nhiêu sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại để kiểm soát cung cầu, vừa bảo đảm dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp phần ổn định tỉ giá, kinh tế vĩ mô. Về cơ bản, NHNN đã có phương án để khắc phục vấn đề của thị trường vàng; thời gian tới phải nhất quán trong triển khai thực hiện.
Ông HUỲNH TRUNG KHÁNH - cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam:
Không lo chuyện đổ xô mua vàng
Đấu thầu vàng miếng là giải pháp trước mắt, quan trọng về dài hạn vẫn là sửa Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và thêm một số thương hiệu vàng miếng khác. Muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC với thế giới thì còn phụ thuộc vào số lượng phiên đấu thầu, lượng vàng cung ra thị trường từ đấu thầu… Khi giá vàng miếng giảm, sẽ không lo ngại tình trạng người dân sẽ đổ xô đi mua vàng. Bởi lẽ, những người mua vàng và nắm giữ vàng cũng cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố chứ không hẳn cứ giảm là mua.
Người lao động