Tăng cường giám sát, nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam
Để phục hồi và phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia chứng khoán nhìn nhận, cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên tham gia thị trường, từ cơ quan quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức tài chính trung gian và từng nhà đầu tư.
- 26-03-2023Kinh tế trưởng MBS: 6 dấu hiệu nhận diện thị trường tạo đáy dài hạn, VN-Index có cơ hội bật tăng mạnh
- 26-03-2023Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: VHM trở thành điểm sáng, cổ phiếu từng nổi sóng nhờ hiệu ứng Louis bất ngờ tăng kịch trần 4 phiên
- 26-03-2023Giám đốc Nghiên cứu Yuanta: Định giá rẻ nhất Châu Á, VN-Index có thể cán mốc 1.300 điểm trong năm 2023
Trong đó, cơ quan quản lý phải gấp rút tăng cường giám sát, nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp phục hồi và phát triển bền vững thị trường. Vậy cơ quan quản lý đang đưa ra những giải pháp như thế nào?
“Lấy lại niềm tin nhà đầu tư” là từ khóa được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, để khôi phục thanh khoản cho thị trường chứng khoán nước ta, bởi lẽ, thanh khoản thị trường sẽ có khi nhà đầu tư có niềm tin. Niềm tin sẽ đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật. Cùng với đó là một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường chứng khoán được đảm bảo công bằng, trước hết là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nơi khởi nguồn sự suy giảm của thị trường trong gần 1 năm qua.
Tại một tọa đàm do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương cho rằng, cần thành lập mới hoặc giao cho một cơ quan chuyên môn đủ quy mô và thẩm quyền giám sát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành để, kịp thời đưa ra cảnh báo, chấn chỉnh các hành vi sai phạm nếu có.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng kiến nghị: "Giới hạn khối lượng mua riêng lẻ không thông qua sàn giao dịch hoặc tổ chức phát hành chính thức. Việc này giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức phát hành có uy tín, minh bạch và có khả năng thanh toán cao. Nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận với các tư vấn viên chuyên nghiệp để có được báo cáo phân tích và đánh giá kỹ càng hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư của doanh nghiệp. Cùng với đó cũng làm giảm thiểu hình thức lừa đảo và vi phạm pháp luật. Tăng cường giám sát và kiểm soát việc phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản kém chất lượng".
Một điểm khó của cơ quan quản lý thị trường, là giải pháp tình thế để thúc đẩy sự hồi phục của thị trường, nhiều khi lại không thuận với giải pháp phát triển lâu dài, bền vững là tăng cường công khai, công bằng và minh bạch. Đơn cử như mới đây, Nghị định 08 năm 2023 đã đưa ra 2 nhóm giải pháp.
Một là cho phép doanh nghiệp hoán đổi nợ trái phiếu sang trả bằng tài sản khác để giải quyết vấn đề đáo hạn trước mắt và đàm phán với trái chủ, kéo dài kỳ hạn để tái cơ cấu nợ. Hai là ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023, để tăng khả năng thành công của các đợt huy động mới.
Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng: "Hai nhóm chính sách của 08, trước mắt tháo gỡ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, hai là có thời gian nâng tầm theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn, không phải thay đổi để doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn. Tinh thần chung là doanh nghiệp phải nâng tầm để chuyên nghiệp hơn, đáp ứng các chuẩn mới, hướng tới chuyên nghiệp và minh bạch hơn".
Rõ ràng, ngưng hiệu lực đến hết năm nay là khoảng thời gian cần thiết để giúp các doanh nghiệp có thể lên lộ trình cụ thể với việc tham gia xếp hạng tín nhiệm, nhưng phải kiên định với mục tiêu nâng chuẩn xếp hạng doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, làm minh bạch hóa thị trường, giúp nâng hạng thị trường vốn Việt Nam, điều mà nhiều nước phát triển trong khu vực đã có từ rất lâu.
Tuy cơ quan quản lý tạm nới điều kiện về xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cần chủ động trang bị xếp hạng tín nhiệm, coi đó là giải pháp cạnh tranh hút vốn trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, việc tăng cường năng lực quản lý, giám sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Đơn cử như trong 4 năm qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – Jica, Ủy ban chứng khoán đã triển khai Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, công tác quản lý, giám sát, đảm bảo tính công bằng trên thị trường chứng khoán là tiêu chí xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường. Trong bối cảnh quy mô thị trường ngày càng lớn, số lượng các công ty, tổ chức niêm yết tăng cao, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng nhiều, thì năng lực về quản lý giám sát cũng phải được tăng cường cả về chất lượng và số lượng.
Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Phạm Hồng Sơn cho biết: "Sẽ sửa đổi quy định pháp lý liên quan quản lý giám sát, phù hợp bối cảnh mới. Đặc biệt sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện giám sát tự động bằng AI, tăng cường khả năng giám sát của cơ quan quản lý, sở giao dịch, các tuyến từ Công ty chứng khoán, sở đến ủy ban, nhiều tầng giám sát đảm bảo thị trường minh bạch hơn".
Hiện nay, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có những chỉ đạo về tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ trên thị trường chứng khoán. Những vụ việc mà cơ quan chức năng đã xử lý trong thời gian qua thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa thị trường. Việc xử lý tạo tính răn đe, nghiêm minh, điều này cũng một phần cho thấy công tác quản lý, giám sát đi vào ổn định, minh bạch, công bằng hơn.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá: "Sẽ nâng cao các chế tài xử phạt. Mặc dù trong Luật Chứng khoán hiện nay đã quy định mức xử phạt vi phạm cao so với mặt bằng chung, tối đa hành chính là 3 tỷ đồng với tổ chức, 1,5 tỷ đồng với cá nhân, nhưng diễn biến trên thị trường vừa qua cho thấy mức phạt này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; cần có quy định mang tính chất đột phá hơn nữa. Từ đó mới có thể kỳ vọng khôi phục niềm tin, phát triển TTCK minh bạch và bền vững".
Như vậy, để tăng cường tính công khai, công bằng và minh bạch của thị trường chứng khoán, cần sự nỗ lực chung của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức trung gian, doanh nghiệp niêm yết và cả nhà đầu tư. Theo đó, cần ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, nhất là về định hướng phát triển thị trường theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường./.
VOV