MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tăng giá điện 8,36% do ngành điện thiếu vốn đầu tư"

Trong khi giá gas, giá than chỉ tăng xấp xỉ trên dưới 2-3% thì giá điện tăng tới 8,36%; mức tăng nhằm mục tiêu nhiều hơn lấy vốn cho ngành điện đầu tư thay vì bù lại sự trượt giá...

Đánh giá về việc tăng giá điện những tháng đầu năm 2019, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đó là cú "tập kích", thành công với ngành điện nhưng với xã hội thì không thành công vì mức tăng giá quá cao so với yếu tố đầu vào.

Hơn nữa, so với giá xăng dầu không lên bao nhiêu, thậm chí có lúc xuống mà vẫn coi đó là nhân tố để tác động đến việc tăng giá điện là không phù hợp.

“Còn giá gas, giá than tăng xấp xỉ trên dưới 2-3%, trong khi giá điện tăng tới 8,36%; rõ ràng mức tăng nhằm mục tiêu nhiều hơn lấy vốn cho ngành điện đầu tư thay vì bù lại sự trượt giá”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết, ông và các chuyên gia kinh tế có dịp nghiên cứu các giải trình của ngành điện thì thấy chi phí đầu vào và các yếu tố khác thì tổng mức tăng không thể vượt quá 4-5%; nếu tăng đến 8,36% thì không còn là vấn đề chỉ để bù lại trượt giá nữa. Vì thế, minh bạch là yêu cầu chung của Nhà nước và đặc biệt là yêu cầu bức xúc đối việc tăng giá điện vừa rồi.

“Còn nhiều yếu tố để kiểm soát giá, cần giải trình thêm về hoạt động đầu tư đa ngành, những hoạt động chi phí bên trong cũng chưa được công khai. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là cần rà soát, minh bạch hóa và nếu có lỗi thì cần bắt lỗi những người có trách nhiệm”, ông Phong nói.

Trước đó, thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về giá điện và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán giá điện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thẳng thắn bày tỏ: “Tôi và cử tri quan tâm không phải đúng quy định không vì Chính phủ đã làm thì không thể không đúng quy định. Điều quan tâm là tăng giá điện ảnh hưởng thế nào tới nhân dân”.

"Bởi tăng giá điện thì làm tăng đầu vào, chi phí này kết tinh vào sản xuất, đương nhiên sẽ tính vào giá thành sản phẩm. Trong khi tiền lương không tăng thì hàng loạt chi phí thiết yếu tăng sẽ ảnh hưởng thế nào tới đời sống người dân, chỉ số lạm phát?”, ông nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ sớm kiểm toán giá điện để công khai cho nhân dân biết.

Đại biểu khác cũng đề nghị sớm công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện.

Giải trình trước Quốc hội sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sắp tới Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành liên quan tiết giảm chi phí, minh bạch chi phí đầu vào, hoàn thiện văn bản pháp luật, rà soát nghiên cứu thị trường bán lẻ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung biểu giá điện cho hợp lý, bảo vệ người thu nhập thấp nhưng cũng phù hợp nhu cầu hộ dân khi số sử dụng trên 200 kWh ngày càng tăng, đảm bảo hài hòa lợi ích các hộ tiêu dùng điện.

“Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước sớm nghiên cứu để đưa vào kế hoạch năm 2019 chuyên đề kiểm toán về giá điện của EVN”, Phó Thủ tướng đề nghị.


Theo Minh Thư

Infonet

Trở lên trên