MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giờ làm thêm: Phải cân nhắc

Việc tăng giờ làm thêm phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của người lao động được trả theo lũy tiến.

Trong Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm (thay vì 300 giờ/năm). Đề xuất này đã nhận được phản ứng trái chiều trong dư luận. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động, việc điều chỉnh giờ làm thêm là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên cần cân nhắc kỹ.

Sức khỏe người lao động bị bào mòn

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân (CN) đang làm việc tại các KCX-KCN TP khẳng định nhu cầu tăng ca để cải thiện thu nhập của người lao động (NLĐ) là có thật. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến những hệ lụy.

Chị Nguyễn Thị Thảo Ly, Công ty TNHH Nidec Copal (Khu Công nghệ cao; quận 9, TP HCM) cho biết hiện nay rất nhiều doanh nghiệp (DN) tăng ca cao hơn mức quy định (300 giờ/năm). Tuy nhiên, tăng ca lại là lựa chọn duy nhất nếu NLĐ muốn cải thiện thu nhập. "Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng, cộng thêm khoảng 1-1,5 triệu đồng tiền tăng ca, 100.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại... mỗi tháng thu nhập của tôi chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Dù vậy, khoản thu nhập này vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Việc tăng ca nhiều cũng để lại nhiều hệ lụy khi CN không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, việc chăm sóc con cái, gia đình cũng bị ảnh hưởng" - chị Ly cho biết. Theo chị, để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, không nên mở rộng khung giờ làm thêm mà chỉ nên giữ nguyên quy định hiện hành. Cùng suy nghĩ ấy, chị Trần Thị Thu Thủy, CN một DN ở KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng thể trạng sức khỏe của NLĐ Việt Nam có những điểm khác biệt so với lao động trong khu vực, do vậy, ban soạn thảo cần tính đến những tác động đối với sức khỏe NLĐ. "Ở các ngành nghề thâm dụng lao động, nếu điều kiện làm việc kém và chất lượng bữa ăn không bảo đảm, việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến NLĐ kiệt sức, chưa kể phải phải đối mặt với nhiều bệnh tật khác" - chị Thủy góp ý.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu CN và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), phần lớn NLĐ không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận. Đáng lưu ý là trung bình thu nhập từ tăng ca của NLĐ chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng (chiếm 22,4% tổng thu nhập).

Tăng giờ làm thêm: Phải cân nhắc - Ảnh 1.

Việc nới khung giờ là thêm cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh gây ra hệ lụy cho người lao động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bảo đảm quyền tự quyết của NLĐ

Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da). Đơn hàng từ đối tác của nhóm các DN này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp, từ đó chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với NLĐ. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Cụ thể, thời gian tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Tính trung bình, các DN đã cho NLĐ làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm… Ở góc nhìn của chủ sử dụng lao động, ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win, cho rằng đây là một giải pháp tốt cho DN trong trường hợp NLĐ không có nhu cầu làm thêm giờ, bởi làm thêm là thỏa thuận. "Nếu trường hợp NLĐ có đủ sức khỏe và mong muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập trong khi DN đang có nhu cầu thì đây là cơ hội để cả hai bên cùng có lợi" - ông Wang Chen Yi bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng việc nâng giờ làm thêm phải đặt trong mối tương quan giữa giờ làm việc chính thức của chúng ta hiện nay như: giờ làm tương đối cao rồi điều kiện lao động, sức khỏe của người Việt Nam cũng có hạn chế nhất định; điều kiện kinh tế - xã hội liên quan đến việc làm, thất nghiệp, tai nạn lao động... Ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh làm thêm giờ phải theo đúng nghĩa để giải quyết công việc có tính đột xuất, thời vụ, chứ không phải theo kiểu làm thêm giờ quanh năm, ngày nào cũng làm thêm giờ, tháng nào cũng làm thêm giờ. Việc làm thêm giờ cũng cần đặt trong bối cảnh, xu hướng chung của quốc tế, đó là họ có xu hướng giảm giờ làm, giảm giới hạn làm thêm giờ. "Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể ở nước ta, có thể xem xét việc mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên 300 giờ, trường hợp đặc biệt được làm thêm tối đa 400 giờ mỗi năm, là có thể chấp nhận được với điều kiện phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả theo lũy tiến. Điều này giúp cho NLĐ được hưởng lợi và DN cũng cần phải hết sức cân nhắc khi huy động NLĐ làm thêm giờ nhiều" - ông Quảng phân tích.

Theo ông Quảng, vì tiền lương tối thiểu của NLĐ còn quá thấp nên không ít người vẫn muốn làm thêm để có thêm thu nhập. Chính vì thế, để giải quyết khó khăn và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, tiền lương của NLĐ phải được DN trả theo lũy tiến - càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. "Ví dụ, làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%. Nếu không được tính lũy tiến thì sẽ không tăng thời giờ làm thêm".

Theo ông Quảng, thời giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức chưa cao so với các quốc gia trong khu vực nhưng so với các nước phát triển là cao. Tuy nhiên, nếu tính cả thời giờ làm thêm và giờ làm việc chính thức, thời giờ làm việc của NLĐ Việt Nam lại tương đối cao khi làm việc 48 giờ/tuần, cộng thêm với thời giờ làm thêm được phép tối đa theo quy định cũ (300 giờ/năm) thì tổng quỹ thời gian làm việc của NLĐ lên đến 2.620 giờ/năm. "Trong khi đó, ở nhiều nước, dù thời giờ làm thêm nhiều hơn nhưng giờ làm việc chính thức của NLĐ lại thấp hơn, chỉ 40-44 giờ/tuần, rồi thời gian nghỉ lễ, Tết của họ cũng nhiều hơn… do đó, tính tổng cộng thì thời giờ làm việc của NLĐ Việt Nam lại ở tốp cao" - ông Quảng thông tin.

Nhóm Phóng viên

Theo NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên