MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo: Băn khoăn vấn đề chi phí

14-11-2018 - 18:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Fintech hay ngân hàng đầu tư cho công nghệ thì cũng cần thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, làm sao để tìm được điểm cân bằng và hòa hợp về chi phí cho người sử dụng, đặc biệt với đối tượng người có thu nhập thấp?

Ngân hàng số, fintech, ví điện tử, QR code, dịch vụ tài chính hiện đại,…những khái niệm này đang được nhắc đến rất nhiều trong những năm trở lại đây cùng với quyết tâm rất lớn của Chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế thanh toán không tiền mặt phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế, hơn 90% giao dịch hiện nay tại Việt Nam vẫn đang được thực hiện bằng tiền mặt. 

Nếu như thanh toán điện tử hay các dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ tài chính hiện đại có tốc độ phát triển khá nhanh tại các thành phố lớn thì tại nông thôn, vùng sâu vùng xa lại diễn ra rất chậm. 

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN cho biết, đó cũng là lý do mà trong đề án về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt chú trọng đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ. Ông cho rằng, để thực hiện tốt chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện thì tài chính vi mô là một trong những điểm quan trọng nhất, bởi hiện nay 60% dân số tập trung ở nông thôn nhưng việc tiếp cận tài chính của người dân khu vực này còn hạn chế.  

Trong bối cảnh đó, tại lễ phát động Chương trình "Đổi mới - Thực hiện - Tác động" (gọi tắt là i3) sáng nay (14/11), ông Bùi Quang Vinh, Phó TGĐ NHCSXH cho biết với tư cách là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn và hướng tới đối tượng chính sách, người dân nghèo, vùng nông thôn, NHCSXH đang có những bước đầu đưa công nghệ giúp người thu nhập thấp tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ tài chính. Trong đó, chương trình i3 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình. 

Ông Manoj Sharma, Giám đốc điều hành MicroSave, khu vực châu Á (đối tác với NHCSXH trong chương trình i3) nhận định, mặc dù việc tiếp cận cơ bản các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng vẫn là một thách thức ở Việt Nam nhưng điểm sáng là Chính phủ cũng đã thể hiện cam kết vững chắc thông qua các chính sách nhằm thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc đưa công nghệ vào ứng dụng giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa còn nhiều thách thức. Trong đó, theo ông Phạm Xuân Hòe, trước hết, là người nghèo sẽ được trang bị điện thoại thông minh như thế nào, và phải có người hỗ trợ điều này. Thứ hai là thiết kế ứng dụng của nhà cung ứng phải phù hợp với người sử dụng. Thêm nữa là vấn đề chi phí và đào tạo.

Câu chuyện chi phí trong việc thúc đẩy người nghèo tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua công nghệ số trở thành chủ đề được nhiều chuyên gia băn khoăn. Trên thực tế, các đơn vị như fintech hay ngân hàng đầu tư cho các ứng dụng, các công cụ cho người dùng sử dụng thì cũng phải nghĩ cách thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, làm sao để tìm được điểm cân bằng và hòa hợp, đặc biệt với đối tượng người nghèo. 

Ông Hòe cho rằng, đã là ứng dụng số hóa thì phải làm sao tổng thể có thể tiết giảm chi phí, còn nếu mà chi phí tăng lên thì không thể làm cho mục đích tài chính toàn diện thực hiện được. Ông chia sẻ: "Đúng là việc đầu tư cho hệ thống công nghệ sẽ tốn kém. Chúng tôi cũng đưa ra trong bản kế hoạch hành động việc nâng cao năng lực cho các ngân hàng trong việc tiếp cận cách mạng 4.0, có giải pháp là hàng năm, các ngân hàng lớn có quy mô từ 80.000 tỷ đồng trở lên dành tối thiểu 5% chi phí hoạt động dành cho đầu tư công nghệ, cho IT, để cập nhật công nghệ mới, số hóa". 

Ông Filip Graovac, Phó đại diện tại Việt Nam Quỹ tài trợ châu Á bổ sung rằng cần phải chú trọng việc đào tạo, giáo dục tài chính cho người dân. Ông Phạm Xuân Hòe tâm đắc với đề xuất này, theo ông, cần phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các bài học về tài chính từ các cấp học phổ thông. Hiện tại mới chỉ một ít được đưa vào môn giáo dục công dân và như vậy là chưa đủ.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên