MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tầng lớp giàu có đang giàu nhanh đến mức nào mà báo Singapore gọi Việt Nam là "con hổ mới của châu Á"?

Ảnh: Business Times

Ảnh: Business Times

Làm rõ thêm cho nhận định rằng Việt Nam là "con hổ mới của châu Á", Business Times (Singapore) đã có bài viết về sự gia tăng của tầng lớp giàu có tại Việt Nam.

Với 441 phòng, cùng với các nhà hàng, cửa hiệu, sảnh hội nghị và thậm chí cả hồ bơi dát vàng, khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake mang trong mình nhiều phong cách và sự sang trọng.

Rõ ràng là chủ nhân của khách sạn này đã không hề ngần ngại chi cho những món đồ nội thất và phụ kiện được dát vàng 24 carat. Toàn bộ phía bên ngoài tòa nhà cũng được phủ một lớp vàng. Chủ nhân của nó tự hào rằng đây là khách sạn 5 sao được dát vàng đầu tiên trên thế giới.

"Khách sạn này có lẽ sẽ trở thành một trong những khách sạn đắt nhất thành phố, nếu không muốn nói là vào hàng đắt nhất Đông Nam Á - đắt cả về số vốn bỏ ra để xây nó, đắt cả giá phòng" - Business Times viết.

Khoảng một tấn vàng đã được sử dụng để tô điểm cho toàn bộ khách sạn. Người ta phải chi tới 140 USD một đêm, đối với phòng cơ bản nhất. Trong khi, mức lương tối thiểu ở Hà Nội hiện nay chỉ tương đương 181 USD/tháng.

Tầng lớp giàu có đang giàu nhanh đến mức nào mà báo Singapore gọi Việt Nam là con hổ mới của châu Á? - Ảnh 1.

Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển vượt bậc và Ngân hàng Thế giới đánh giá đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á.

Báo cáo Tài sản mới nhất của Knight Frank ước tính có khoảng 19.500 triệu phú USD tại Việt Nam (những người có tài sản ít nhất 1 triệu USD). Đến năm 2025, con số đó dự kiến ​​sẽ tăng gần 25%, lên 25.000 người.

Vậy điều gì đã tạo nên những biến chuyển này, và điều gì đang thúc đẩy sự bùng nổ về tài sản của người giàu Việt Nam? Những người giàu ở Việt Nam đang chi tiêu như thế nào?

Những yếu tố vĩ mô

Câu chuyện bắt đầu cách đây gần 40 năm, vào năm 1986, khi nền kinh tế được định hướng lại với sự kiện Đổi mới. Kết quả của việc thay đổi định hướng này, là trong 4 thập kỷ tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhảy vọt.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI liên tục đổ vào Việt Nam. Các nhà sản xuất lớn như Samsung và Apple đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một lựa chọn. Nguồn lao động giá rẻ dồi dào và cũng như môi trường vĩ mô ổn định đã tạo điều kiện lý tưởng cho hoạt động sản xuất quy mô lớn diễn ra.

Triển vọng thương mại của Việt Nam cũng rất sáng. Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do trong thập kỷ qua, bao gồm CPTPP, EVFTA và RCEP. Các hiệp định này đã loại bỏ các rào cản thương mại, và tạo ra một sự thúc đẩy rất lớn đối với hoạt động thương mại.

Tầng lớp giàu có đang giàu nhanh đến mức nào mà báo Singapore gọi Việt Nam là con hổ mới của châu Á? - Ảnh 2.

Nhờ đó, GDP của Việt Nam, nếu như năm 1985 chỉ là 14 tỷ USD, thì đến năm 2020 đã tăng gấp gần 20 lần, theo Ngân hàng Thế giới. Tất nhiên, tăng trưởng cũng được phản ánh trong thu nhập thực tế. Từ chỉ 246 USD vào năm 1996, người dân Việt Nam trung bình vào năm 2020 đã có thu nhập hàng năm gần 2.800 USD.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đã cho phép người dân Việt Nam tiếp cận với những hàng hóa mà cách đây chỉ vài thập kỷ, họ không bao giờ có thể mua được. Tiêu dùng nội địa đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Và chính mô hình mới này đã thu hút một số thương hiệu lớn nhất thế giới đến với Việt Nam.

Thích xe hiệu

Vào những năm 2000, thời điểm chuyển giao thế kỷ, đường xá ở 2 thành phố lớn nhất Việt Nam - Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - chật kín hàng nghìn chiếc xe đạp. Thời đó, người Việt Nam vẫn di chuyển chủ yếu bằng xe đạp.

Nhưng khi nền kinh tế phát triển, người ta thay thế xe đạp bằng xe máy. Và những năm gần đây số lượng ô tô trên đường ngày một gia tăng, vì nhiều người có khả năng mua ô tô hơn trước. Trên thực tế, Việt Nam thậm chí đã bắt đầu tự sản xuất xe hơi, với VinFast, công ty con của tập đoàn lớn nhất đất nước - Vingroup. Trước đó hãng sản xuất xe xăng, nhưng gần đây đã tung ra một dòng xe điện (EV), với tham vọng trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện.

Nhưng không chỉ các doanh nghiệp Việt mới nhận thấy nhu cầu ô tô đang tăng mạnh. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận ra nhu cầu đó, và cả nhu cầu đối với hàng xa xỉ của người Việt Nam.

Vào tháng 3 năm ngoái, Porsche, nhận ra giới thượng lưu của Việt Nam có niềm yêu thích với siêu xe, đã khai trương cửa hàng Porsche Studio đầu tiên tại Hà Nội. Porsche chỉ là một trong số những thương hiệu xe hơi lớn toàn cầu đang tranh giành miếng bánh thị trường xe sang Việt Nam. BMW và Mercedes-Benz cũng ngày càng xuất hiện phổ biến trên đường phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, len lỏi giữa vô số chiếc xe máy trên đường

Tầng lớp giàu có đang giàu nhanh đến mức nào mà báo Singapore gọi Việt Nam là con hổ mới của châu Á? - Ảnh 3.

Arthur Willmann, Giám đốc điều hành của Porsche khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng việc khai trương cửa hàng này có thể chỉ là bước khởi đầu. Ông nói với Business Times: "Việt Nam đã phát triển thành một trong những thị trường sôi động và hứa hẹn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với Porsche".

"Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng những chiếc xe thể thao của chúng tôi sẽ tiếp tục khơi dậy niềm đam mê cho một nhóm những người đam mê xe thể thao cũng như những người tiên phong trong lĩnh vực EV" - ông Willmann nói thêm.

Thích ăn ngon

Cách ăn uống của người Việt Nam ngày nay cũng đã thay đổi, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Mặc dù vẫn còn thịnh hành, nhưng chợ "ướt" ở nhiều nơi đang được thay thế bằng các chuỗi siêu thị nội địa và cả chuỗi đa quốc gia, bán các loại thực phẩm nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Thịt Úc, phô mai Pháp và các sản phẩm của Mỹ đã phổ biến trong các siêu thị trên khắp đất nước.

Điều đó nói lên rằng, ngay từ trong lĩnh vực ẩm thực, cũng có thể thấy một sự thay đổi lớn về thị hiếu.

Mặc dù được biết đến với những món ăn đường phố vừa ngon vừa rẻ, nhưng những năm gần đây, có rất nhiều nhà hàng cao cấp mọc lên ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. El Gaucho Argentinian Steakhouse, La Villa French Restaurant, và The Deck Saigon chỉ là một số ít các nhà hàng cao cấp phục vụ các món ăn có giá lên tới 70 USD/món. Trong khi, một tô phở bò tại quán có thể có giá tương đương chỉ 2 USD một tô, thậm chí rẻ hơn.

Tầng lớp giàu có đang giàu nhanh đến mức nào mà báo Singapore gọi Việt Nam là con hổ mới của châu Á? - Ảnh 4.

Không chỉ đồ Tây mới đắt vậy. Năm 2017, nhà hàng cao cấp Anan Sài Gòn biến tấu món bánh mì truyền thống của Việt Nam, thêm vào đó gan ngỗng và sốt mayonnaise truffle. Giá không hề rẻ - 100 USD.

Thích ở sang

Ngày nay, các tòa nhà cao tầng và chung cư được xây dựng với tốc độ chóng mặt, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. 

The Ritz-Carlton Hanoi đã bán hết 104 căn hộ cao cấp đang được xây dựng - chỉ trong vòng chưa đầy một ngày. Giá chào bán được công bố là 25.000 USD/m2.

CapitaLand của Singapore là một trong số nhiều chủ đầu tư nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các dự án nhà ở cao cấp tại Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, CapitaLand Development thông báo đã bán hết 88 căn Define trong vòng 2 giờ. Tất cả các căn được bán với giá trên 23 tỷ VND. Ronald Tay, Giám đốc điều hành của CapitaLand Development Việt Nam, cho biết qua email: "Sự phổ biến của sản phẩm căn hộ cao cấp ở Việt Nam đã tăng lên, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ của Việt Nam".

"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là ở các thành phố cấp 1 như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Việt Nam đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể của tầng lớp giàu có" - ông nói thêm.

https://cafef.vn/tang-lop-giau-co-dang-giau-nhanh-den-muc-nao-ma-bao-singapore-goi-viet-nam-la-con-ho-moi-cua-chau-a-20220211210324689.chn

Hoàng Hà (dịch)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên