MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương cho giáo viên: Nên tăng cho khu vực, đối tượng nào trước?

26-11-2017 - 08:27 AM | Xã hội

Việc tăng lương có thể thực hiện tăng ở vùng khó khăn trước hoặc tăng theo cấp học, chẳng hạn tăng cho cấp Mầm non trước.

Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Lương giáo viên vùng khó khăn không đủ sống

Đề cập tới chính sách tiền lương cho giáo viên, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, ngoài sự đổi mới chương trình, SGK hay phương pháp giảng dạy thì Chính phủ nên quan tâm hơn tới đời sống nhà giáo. Vì giáo viên ở vùng sâu vùng xa có cuộc sống và giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn, đặt biệt là việc đi lại rất khó khăn.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) -ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ví dụ như họ thường đi từ trung tâm huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) đến những điểm trường để dạy phải mất tới hơn 100 km. Một tháng chỉ về nhà một lần. Nếu như trời mưa lũ thì hầu như giáo viên không về được nhà. Nhiều người đi dạy học 10 năm, tiền thưởng Tết chỉ có từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Hiện nay, đa phần giáo viên ở vùng miền núi, hải đảo xa xôi, vùng khó khăn chỉ sống bằng đồng lương nhưng vẫn không đủ để trang trải cuộc sống nên nhiều người phải lên mạng bán hàng trực tuyến để có thêm thu nhập. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, cần phải có chính sách đặc thù đối nhà giáo, nhất là đối với những vùng sâu vùng xa.

Đề xuất về tiền lương của giáo viên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho vừa với sức cống hiến của nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo an tâm công tác và thực hiện đổi mới giáo dục.

Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến Nghị quyết 29 Trung ương 8 khóa XI đều khẳng định, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long)-ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có động thái cụ thể thực hiện chủ trương này. Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 30 năm đối với giáo viên trung học cơ sở, 27 năm đối với giáo viên trung học phổ thông.

Lương giáo viên mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1,86 đến bậc 12 là 4,06 với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ tăng khoảng 2.860.000 đồng.

Rõ ràng điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo phấn đấu và chưa song hành với mục tiêu đổi mới.

Theo đại biểu Quyên Thanh, song song với quá trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, cần đưa các chính sách về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trong năm 2018, cũng như sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Nên tăng lương theo lộ trình, giáo viên mầm non trước

"Việc tăng lương cho giáo viên là cần thiết. Nếu ngân sách chưa đủ để làm đồng loạt thì cần phân theo lộ trình cụ thể. Có thể ưu tiên tăng sớm hơn cho vùng khó khăn trước. Còn ở khu vực thành phố có thể giãn thời gian tăng lương. Chẳng hạn vùng này có thể sau 6 tháng nữa phải tăng nhưng ở vùng thành phố chưa khó khăn, vài năm nữa mới tăng. Như vậy, vùng này sẽ bù cho vùng kia", TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Về đề xuất cách thức tăng lương giáo viên như thế nào trong thang bảng lương, theo ông Ngọc Thạch, yếu tố kĩ thuật này phải chờ Bộ Tài chính thực hiện.

Tại tờ trình mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi Chính phủ, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 2 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.

Tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ, có trách nhiệm, làm việc tận tâm, chất lượng và hiệu quả nhưng lại cao đối với cán bộ, công chức, viên chức dù có đủ bằng cấp nhưng lại không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc.

Đánh giá về điều này, ông Thạch cho biết, xét một cách công bằng, nhiều năm vừa qua, lương của giáo viên không đến nỗi quá thấp so với nhiều ngành nghề khác. Chỉ có điều mức lương ấy so với mức sống còn chênh lệch khiến họ lâm vào tình trạng quá lo lắng cho cuộc sống và phải đi dạy thêm, làm thêm. Với các cấp học khác nhau, có mức lương khác nhau. Do vậy, với mức sống hiện nay, ông nghĩ cần phải tăng lương cho giáo viên.

Ngoài ra, ở các vùng miền khác nhau có mức lương khác nhau. Vì thế, nếu đem bình quân ra, mức độ lương cũng không giống nhau. Tuy vậy, Nhà nước phải điều tiết chung và phải có lộ trình tăng phù hợp. Có thể tăng ở vùng khó khăn trước hoặc tăng theo cấp học, chẳng hạn tăng cho cấp Mầm non trước.

Trao đổi về việc, ông có đề xuất mức lương cho từng ngành, chẳng hạn lương giáo viên ngạch công an, quân đội có mức riêng và cao nhất, ông Thạch cho rằng, không nên như thế. Công an, quân đội có thang bảng lương khác. Vì thế, lương của giáo viên sẽ phải cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Đây là một chính sách cực kì lớn nhưng nếu làm được thì rất tốt. Chỉ một thay đổi rất nhỏ nhưng có thể tăng đến hàng nghìn tỉ nên cần phải làm rất cẩn thận.

Theo Bích Lan

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên