MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, tác động lạm phát thế nào?

Lương cơ sở chính thức tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1-7-2024.

Mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1-7-2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế. Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), tại hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024, do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 3-7.

Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, tác động lạm phát thế nào?- Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng việc tăng lương cơ sở từ 1-7 có tác động đến lạm phát, nhưng không quá lớn

Đưa ra dự báo, TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024, khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần. Tính trung bình, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng 3,4%.

"Sẽ không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi"- ông Độ cho hay.

PGS-TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,7% - 4,2%. Lý do chính là bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thuận lợi; Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn thấp, chưa thực sự được phục hồi trong khi năng lực sản xuất để cung hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì theo hướng chính sách tài khóa lỏng, kết hợp chính sách tiền tệ lỏng; Triển khai phương án cải cách chính sách tiền lương, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Ông Nguyên cũng nêu rõ, thị trường vàng và tỷ giá hối đoái còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5-2024 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, theo ông Minh, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. "Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi"- PGS-TS Nguyễn Bá Minh dự báo.

Để ổn định giá cả thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Phòng chính sách tổng hợp (Cục Quản lý giá), cho biết cơ quan điều hành điều hành giá sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên