MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu trong năm 2021 là "rủi ro" với doanh nghiệp?

Tăng lương tối thiểu trong năm 2021 là "rủi ro" với doanh nghiệp?

"Mục tiêu trước mắt là giữ gìn và bảo vệ hệ thống doanh nghiệp hiện có, bảo vệ việc làm, sau đó mới tính đến chuyện tăng lương"...

Quan điểm này được đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh khi trao đổi với VnEconomy liên quan đến để xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây. Dưới góc độ giới chủ, đại diện VCCI nhấn mạnh nếu tăng lương trong thời điểm này là "rủi ro" và không khả thi với doanh nghiệp.

TĂNG LƯƠNG VÀO THÁNG 7 CÓ KHẢ THI?

Chia sẻ với VnEconomy về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh là chưa nên tăng lương tối thiểu trong năm 2021, lý do là chúng ta chưa thể dự đoán được tình hình từ nay đến tháng 7 sẽ diễn biến ra sao, nếu chốt tăng lương vào thời điểm này sẽ rất có thể sẽ làm xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp cũng như tiềm ẩn đầy rủi ro.

"Năm nay kể cả khu vực công cũng đã hoãn không tăng lương, nên khu vực doanh nghiệp nếu tăng thì cũng không phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay thì đặt vấn đề tăng lương là không khả thi.

Chính vì thế, tại phiên họp trong năm 2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định năm 2021 không tăng lương tối thiểu vùng mà ít nhất phải hết năm nay mới bàn đến chuyện có tăng lương hay không", ông Phòng nói và cho hay khi Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức họp bàn chính thức trong năm nay, cơ quan này sẽ có quan điểm cụ thể hơn trên cơ sở khảo sát tình hình của các doanh nghiệp.

Lý giải cho quan điểm chưa nên tăng lương, ông Phòng nói rằng doanh nghiệp hiện nay đang phải chống chọi để trước mắt duy trì việc làm, thậm chí có doanh nghiệp phải đề nghị người lao động chia sẻ trong bối cảnh vẫn đi làm nhưng phải giãn việc, và nhận thù lao ở mức vừa phải trong phạm vi có thể chịu đựng được.

"Thực sự doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, vì lẽ đó bây giờ mà điều chỉnh tăng lương là không khả thi, cả người lao động có lẽ cũng cảm thấy không phải với người sử dụng lao động nếu tăng trong bối cảnh đó. Tôi nghĩ cả doanh nghiệp và người lao động phải cùng nhau chia sẻ để duy trì và vượt qua giai đoạn bĩ cực này", ông Phòng nhấn mạnh.

Tăng lương tối thiểu trong năm 2021 là rủi ro với doanh nghiệp? - Ảnh 1.

"Trước mắt là phải giữ gìn và bảo vệ hệ thống doanh nghiệp hiện có, bảo vệ được nguồn cung cấp việc làm thì mới bảo vệ được thù lao, sau đó mới tính đến chuyện có tăng lương hay không" - ông Hoàng Quang Phòng".

Mặc dù vậy, đại diện VCCI cũng không phủ nhận việc nếu có thể tăng lương cho người lao động sẽ tạo ra động lực tốt để họ gắn bó với doanh nghiệp, song vấn đề đặt ra hiện nay là "nguồn lực làm việc này không có".

Phó chủ tịch VCCI dẫn chứng là nhiều doanh nghiệp đã phải sử dụng nguồn tích lũy từ những năm trước mà lẽ ra dành cho đầu tư phát triển để chi trả lương nhằm giữ chân lao động, phòng khi tình hình sáng sủa hơn và doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường thì doanh nghiệp vẫn giữ được nhân sự để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

"Doanh nghiệp hiện nay vẫn phải duy trì việc làm, đây thực sự là bài toán khó của người chủ sử dụng lao động. Tôi biết có những doanh nghiệp thậm chí đã phải bán xe, bán tài sản để có tiền trả lương, trong khi Tết Nguyên đán cũng sắp đến, kiểu gì thì kiểu doanh nghiệp vẫn phải có một khoản để động viên người lao động. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là tinh thần hỗ trợ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay", ông Phòng dẫn chứng.

"GIỮ VIỆC LÀM TRƯỚC MỚI TÍNH CHUYỆN TĂNG LƯƠNG"

Cũng theo ông Phòng, những mong muốn tăng lương hay trả thêm thù lao của người lao động là chính đáng nhưng với những thực tế đang diễn ra thì doanh nghiệp rất khó xoay sở. Bởi theo ông, doanh nghiệp có tồn tại thì người lao động mới có việc làm, từ đó mới có cơ sở để tăng thù lao.

"Quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ là phải thực hiện nhiệm vụ kép, chúng ta ưu tiên số một là chống dịch tốt nhưng cũng không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng để duy trì sản xuất. Tóm lại trước mắt là phải giữ gìn và bảo vệ hệ thống doanh nghiệp hiện có, bảo vệ được nguồn cung cấp việc làm thì mới bảo vệ được thù lao, sau đó mới tính đến chuyện có tăng lương hay không", ông Phòng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI nói rằng ghi nhận đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thực tế hai cơ quan cũng thường xuyên có trao đổi với nhau, đặc biệt trong vấn đề khảo sát tình hình của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Chúng tôi đề nghị cần có thêm các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động nhưng việc thực thi cần nhanh chóng hơn, bằng các hình thức khác nhau", ông Phòng đề xuất và cho hay trên thực tế vừa qua doanh nghiệp cũng được tiếp cận các hỗ trợ nhưng chưa được như kỳ vọng.

Do đó, hiện các cơ quan chức năng đang tháo gỡ, sắp tới sẽ làm quyết liệt hơn, song theo ông các điều kiện cần mang tính khả thi hơn để doanh nghiệp tiếp cận được, từ đó duy trì phát triển thị trường. "Đáng lẽ ra thời điểm này các đơn hàng cho năm mới phải nhiều nhưng năm nay rất khó, nếu có cũng rất ít, các đối tác của chúng ta ở nước ngoài họ cũng đang lao đao vì dịch, chi trả công lao động toàn thế giới bị ảnh hưởng. Trong khi những đơn hàng mới chưa có, đơn hàng cũ được thực hiện nhưng đối tác nước ngoài chậm trả, đòi giảm giá…đó là những thực tế chứng minh doanh nghiệp khó khăn là thật", ông Phòng dẫn chứng.

Tăng lương tối thiểu trong năm 2021 là rủi ro với doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Ảnh - Mạnh Dũng.

Phó Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh những thách thức trên là của toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, do đó ưu tiên hiện nay là phòng chống dịch nhưng vẫn phải duy trì không để sản xuất trong nước đình trệ.

"Đây là nhiệm vụ kép chưa thể biết bao giờ mới thực hiện xong. Ví dụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo là có thể tháng 7 tình hình trong nước sẽ khác, đây là dự báo chủ quan dù thực tế chúng ta ai cũng mong muốn như vậy, nếu thực tế khá hơn thì rất tốt, nhưng rõ ràng không thể để doanh nghiệp "sụp" hẳn vì áp lực chi phí thì khi đó sẽ rất nguy hiểm", Phó Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.

Trong khi đó, ở một khối ngành sử dụng đông lao động là dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói với VnEconomy rằng, đề xuất tăng lương chỉ là ý kiến một phía của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để được thông qua thì cần phải có sự đàm phán thương lượng giữa các bên.

"Vì lẽ đó, hiện tại chúng tôi chưa có bình luận chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tăng lương là vấn đề rất tế nhị trong bối cảnh hiện nay, do đó tôi cho rằng chưa nên đề cập đến chuyện tăng lương trong thời điểm này", ông Trương Văn Cẩm nhìn nhận.

Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy về việc nên hay không điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2021, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày- Túi xách Việt Nam cũng đề nghị không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm nay.

Thậm chí, trong bối cảnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nên giãn việc tăng lương tối thiểu từ 3 - 5 năm để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất. Khi doanh nghiệp hoạt động ổn định lúc đó mới có điều kiện để tăng lương cho người lao động.

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm.

Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021.

Theo Thu Hằng

Theo VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên