Tăng một loại lãi suất để có tác động nhanh nhất?
Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ giảm các lãi suất điều hành ở mức “tích cực”. Nhưng nếu để tác động nhanh nhất, có thể xét tăng một loại lãi suất khác.
- 12-03-2020Ngân hàng Nhà nước dự kiến giảm lãi suất điều hành
- 12-03-2020Ngân hàng tiếp theo hành động hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19: VIB công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,5%
- 11-03-2020Các ngân hàng trung ương châu Á sẽ phối hợp cắt giảm lãi suất khẩn cấp?
Thông điệp đưa ra từ cuộc họp báo chiều qua (12/3), Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm các lãi suất điều hành ở mức "tích cực", nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 .
Cùng đó, cơ quan này cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất… để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Tính chất đặc biệt của thông tư trên là có hiệu lực ngay từ ngày ban hành, tức từ 12/3/2020. Tác động theo đó cũng sẽ thể hiện nhanh, cũng như vừa qua nhiều ngân hàng thương mại cũng đã đi trước một bước.
Còn với các lãi suất điều hành, dự kiến Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm có quyết định. Nhưng ở đây có độ trễ nhất định về thực tế tác động, sức truyền dẫn tới thị trường.
Cụ thể, các lãi suất điều hành hiện tập trung ở lãi suất tái chiết khấu, lãi tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất cho vay cầm cố trên thị trường mở (OMO), các trần lãi suất đối với tiền gửi VND ở các kỳ hạn ngắn…
Nếu giảm những lãi suất trên, chính sách sẽ tập trung hỗ trợ chi phí cho các tổ chức tín dụng, gián tiếp tạo điều kiện giảm lãi suất vay vốn của doanh nghiệp và dân cư.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, cũng như thể hiện rõ thời gian qua, với nguồn vốn dồi dào và có dư thừa, việc các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước khá hạn chế. Theo đó, tác động truyền dẫn từ giảm các lãi suất trên có độ trễ nhất định.
Trong khoảng ba tháng qua, ở kênh hỗ trợ nguồn qua OMO, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chào hỗ trợ hàng ngày, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm, tuy nhiên gần như không có tổ chức tín dụng nào cần đến.
Ngược lại, trạng thái dư thừa vốn thể hiện ở hoạt động Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút bớt tiền về trong một tháng rưỡi qua, số dư lượng tiền hút bớt về hiện ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Trong các loại lãi suất điều hành trên, tác động nhanh là các trần lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn. Nếu hạ các trần này, giảm chi phí huy động trực tiếp và nhanh đối với đầu vào các tổ chức tín dụng, qua đó cân đối hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, quyết định ở đây sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi vào ngân hàng, hẳn Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cân đối tổng thể.
Trong khi đó, có một loại lãi suất nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lên sẽ tác động trực tiếp và nhanh nhất: lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, loại lãi suất mà cuối tháng 11/2019 đã giảm đi.
Tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ tạo nguồn hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để cân đối giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất này lại liên quan đến chi phí và ngân sách trong điều hành.
Tình huống của lãi suất tiền gửi dự trữ cũng được xét tới hiện nay, vì tại thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nổ ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chọn điều chỉnh lãi suất này để hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế.
Cụ thể, ngày 20/10/2008, để hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng rất mạnh, gấp đôi mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc VND, từ 5%/năm lên tới 10%/năm.
BizLive