Tăng năng suất lao động, con đường ngăn nhất đưa kinh tế phát triển nhanh
Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với kinh tế Việt Nam, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay. Đây cũng là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- 14-09-2023Dân số ở thành phố này mỗi năm tăng tương đương một huyện, đến năm 2030 sẽ có 10 triệu dân
- 14-09-2023Gần 680 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng
- 14-09-2023Hết Quý II/2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 7.400 tỷ đồng
Để hiểu rõ hơn những thay đổi của kinh tế thế giới tác động tới năng suất lao động và các giải pháp cần thực hiện, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Xin ông cho biết tầm quan trọng và thực trạng năng suất lao động của kinh tế Việt Nam hiện nay trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua hàng loạt các biến cố?
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay. Đây cũng là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể đứng vững và phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.
Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ. Tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,29%; trong đó, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,6% so với năm 2020; năm 2022 nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,02% nhưng năng suất lao động cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Bình quân 2 năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng.
Kinh tế thế giới đang trải qua nhiều biến động, khó lường. Điều này sẽ tác động như thế nào tới năng suất lao động?
Trong 5 năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến cố, đưa đến những thay đổi sâu sắc về hoạt động kinh tế, trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo hướng linh hoạt, dễ thích nghi hơn.
Hệ lụy từ các biến cố và đại dịch, cùng với các nền kinh tế đang phải đương đầu với "quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học khiến thị trường lao động không đáp ứng đủ nhân lực để có thể làm mọi thứ như trước đại dịch; đồng thời, nguồn cung lao động giá rẻ bị suy giảm, tiền lương tăng lên trong bối cảnh khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, vượt bậc.
Trước thực tế này, các nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hoá và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động. Xu hướng này tác động rất mạnh tới tăng năng suất lao động của nền kinh tế.
Biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu tác động mạnh tới mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu của nước ta. Điều này có tác động tới năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam không?
Cần khẳng định biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo động lực nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.
Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích nghi hơn sẽ thúc đẩy các quốc gia tham gia sâu hơn vào các dây chuyền sản xuất và thương mại quốc tế, đưa tới cạnh tranh mạnh hơn về ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu từ sản xuất tới thương mại và phân phối đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Qua phân tích số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu có năng suất lao động cao hơn 35% so với doanh nghiệp không có hoạt động này. Đặc biệt, doanh nghiệp có hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), thực hiện đổi mới sáng tạo có năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp không tham gia R&D.
Để mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu của nước ta phát huy hiệu quả tối đa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động, bên cạnh việc đổi mới thể chế, cơ chế để không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hoá và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu mà còn phải tạo môi trường cạnh tranh trong các lĩnh vực và thị trường các nhân tố đầu vào của nền kinh tế, đó là thị trường nguyên vật liệu, thị trường vốn, thị trường lao động và thể chế quản trị doanh nghiệp.
Thưa ông, Chính phủ cần làm gì để nâng cao năng suất lao động của nước ta phù hợp với những thay đổi của kinh tế thế giới?
Để hoà nhịp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động. Phải coi nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong một thế giới đầy bất trắc, khó lường, trật tự kinh tế thế giới lỏng lẻo.
Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới. Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta.
Không ai khác, mà chỉ là Chính phủ phải xác định được các yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới để từ đó chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Cùng với đó, cạnh tranh lành mạnh trên tất cả các thị trường là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước; đồng thời, đổi mới cơ chế giao nghiên cứu, quản lý, đánh giá các hoạt động R&D, đảm bảo mức kinh phí 2% GDP hằng năm.
Thương mại quốc tế là động lực thúc đẩy các nền kinh tế đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh và mở rộng thị phần thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định FTA, phù hợp với xu hướng thay đổi của toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính, phát triển một hành tinh xanh.
Mặt khác, Chính phủ cần thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với xu hướng mới của kinh tế thế giới; đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đảm bảo khả năng cung ứng lao động cho chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…
Tôi cho rằng, nâng cao năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cần khẩn trương nghiên cứu xu hướng chuyển đổi nhu cầu lao động của thế giới và khu vực; xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong những năm tới của toàn nền kinh tế, từng vùng, miền và địa phương; đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động.
Nâng cao năng suất lao động đang là thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để nâng cao năng suất lao động. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Báo tin tức