Dân số ở thành phố này mỗi năm tăng tương đương một huyện, đến năm 2030 sẽ có 10 triệu dân
Mỗi năm, dân số thành phố này tăng trung bình tới 160.000 người.
Theo Nghiên cứu của Chi cục dân số Hà Nội cuối năm 2020, dân số thủ đô mỗi năm tăng trung bình 160.000, tương đương với một huyện. Do đó, từ 8,3 triệu người năm 2020, đến năm 2030, thủ đô có gần 10 triệu người.
Tính đến hết năm 2022, dự kiến dân số Hà Nội trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TP Hồ Chí Minh), tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/năm.
Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so mật độ dân số cả nước.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: “Công tác dân số của Hà Nội đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Hà Nội vẫn trong giai đoạn cơ cấu dân số trẻ, nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Bên cạnh đó, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con, thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao; tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái”.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cụ thể, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển” ; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số; mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.
Ngành dân số cũng chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Nhịp sống thị trường