Thị xã từng lên thành phố rồi xuống thị xã lại được đề xuất lên thành phố
Thị xã này cùng với huyện lân cận được đề xuất trở thành “Thành phố” du lịch vùng Thủ đô, là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội thảo, đề cập đến tính đột phá trong định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành “Thành phố” du lịch vùng Thủ đô Ba Vì - Sơn Tây (Sơn Tây là cửa ngõ - Ba Vì là trung tâm) là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Cụ thể, cần gia tăng liên kết vùng - đề xuất đường sắt đô thị kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn; khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng.
Cùng với đó, cần hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới hỗ trợ các vùng nông nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Phúc Thọ.
Riêng Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp, còn Đan Phượng phát triển mô hình đô thị nén, TOD phía Đông Vành đai 4…
Hiện nay, kinh tế chủ đạo của của Thị xã Sơn Tây là thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng, dù tốc độ chuyển đổi cơ cấu thương mại dịch vụ còn chậm; còn kinh tế chủ đạo của huyện Ba Vì là nông nghiệp, nhưng có sự chuyển dịch dần sang thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Ngô Đình Ngũ - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho rằng, một “điểm nghẽn” hết sức quan trọng mà đơn vị tư vấn cần đề cập đến đó là vấn đề môi trường ở bãi rác Xuân Sơn và 3 sân golf của hồ Đồng Mô.
Trong quy hoạch lần này, Sơn Tây mong muốn làm sống dậy dòng sông Tích, sông Hang chảy qua khu vực thị xã, đồng thời, cả hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh,… đảm bảo về mặt môi trường, phát huy giá trị cảnh quan.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây, với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian vừa qua, Thị xã đã triển khai đồng bộ một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch, trong đó, chú trọng xây dựng các tour tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của Thị xã, như: Thành cổ, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Đồng Mô, các điểm nghỉ dưỡng sinh thái.
Sơn Tây cũng đã xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ với nhiều hoạt động phong phú, trở thành điểm đến mới hấp dẫn người dân và du khách.
Do vậy, trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn Thành phố quan tâm, tích hợp các dự án lớn về du lịch trên địa bàn như các dự án tại hồ Xuân Khanh, 72ha ở Kim Sơn, xung quanh hồ Đồng Mô, đồng thời, bổ sung phát triển thêm về các không gian du lịch ở hai bên bờ sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ gắn với các thiết chế văn hoá; hệ thống giao thông bổ sung thêm các tuyến 414B, 417, Thành cổ Sơn Tây - Đền Và - Phùng Hưng - Ngô Quyền…
Trước đây, Chính phủ từng ban hành quyết định thành lập thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây, vào ngày 2/8/2007. Tuy nhiên, sau gần 2 năm là thành phố, ngày 8/5/2009, Sơn Tây lại trở thành thị xã trực thuộc Hà Nội sau khi Hà Tây được nhập về thủ đô.
Nhịp sống thị trường