Tăng phi mã sau Brexit, nhiều cổ phiếu đã vào vùng tiềm ẩn rủi ro?
Sau sự kiện Brexit, nhiều cổ phiếu đã quay đầu tăng mạnh trong khi nội tại của doanh nghiệp vẫn bình thường, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tăng trưởng kém so với cùng kỳ. Điều này đặt ra nghi vấn rằng liệu những cổ phiếu này đã chạm đỉnh hay đã vào vùng rủi ro.
- 11-07-2016Thị trường bước vào xu hướng tăng mới sau 4 năm điều chỉnh?
- 11-07-2016Xu thế dòng tiền: Margin chưa đáng lo?
- 10-07-2016Nhận định thị trường ngày 11/7: "Phục hồi lại"
Sự kiện người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU (Brexit) hôm 24/6 khiến tài sản của thị trường tài chính thế giới bốc hơi, trong đó thị trường chứng khoán Việt Nam cũng mất hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa. Tuy nhiên, sau sự kiện này, nhiều cổ phiếu lại quay đầu tăng giá mạnh và hiện ở mức giá mà thị trường đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung.
Mặc dù những doanh nghiệp này vẫn có mức tăng trưởng được cho là khả quan, nên việc giá cổ phiếu tăng là điều dễ hiểu, song có thể thấy rằng việc một số cổ phiếu tăng giá mạnh trong một khoảng thời gian ngắn khi không có các thông tin tích cực về vĩ mô cũng như từ phía nội tại doanh nghiệp khiến nhiều người nghi ngờ liệu có rủi ro trong ngắn hạn.
Điển hình của cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sau sự kiện Brexit là KSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương. Cuối tháng 2/2016, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán toàn bộ hơn 11,7 triệu cổ phiếu KSB trong khi thanh khoản của KSB ở giai đoạn này là rất thấp. Trong 2 ngày 24/2 và 26/2, KSB có lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận với giá 37.500 đồng/cổ phần. Như vậy, sau khi thoái vốn SCIC thu về khoảng 440 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này. Với mức giá hiện tại là 94.000 đồng/cổ phiếu, giới đầu tư đặt câu hỏi ai làm chủ số cổ phiếu mà SCIC đã thoái vào cuối tháng 2 vừa qua.
KSB đặt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2016 là đạt 850 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14% và 11% so với năm 2015 – một mức tăng trưởng không có gì đột biến.
Kể từ sự kiện ngày 24/6, giá của cổ phiếu KSB giao động khá mạnh khi có lúc giá giảm về mức sâu nhất là 58.500 đồng. Cổ phiếu này sau đó tăng lại về mức 64.000 đồng và kể từ đó liên tục tăng đến thời điểm hiện tại đạt mức 94.000 đồng, tăng 35.500 đồng/cổ phiếu kể từ mức giá thấp nhất sau đúng 10 phiên giao dịch!
Sau khi SCIC thoái vốn, KSB có sự thay đổi lãnh đạo ở cấp cao nhất. Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) trở thành tân chủ tịch của KSB, và ông Phan Tấn Đạt - Tổng giám đốc của CTCP Căn nhà Mơ ước (DRH) - đã trở thành thành viên HĐQT. Có thể nói đây là một sự thay đổi khá bí ẩn bởi ông Thành với tư cách cá nhân chỉ sở hữu 600.000 cổ phiếu KSB.
Sự tăng giá của cổ phiếu KSB có thể được coi là bất ngờ bởi vì hầu hết nhóm cổ phiếu khoáng sản trong thời gian qua giảm giá khá lớn.
Tiếp theo sự tăng giá mạnh mẽ của KSB là cổ phiếu DRH của CTCP Căn nhà Mơ ước.
Giá cổ phiếu của DRH cách đây 1 năm là trên 6.000 đồng/cổ phiếu và đầu năm nay cũng chỉ ở mức 21.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá hiện tại là 77.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu DRH 1 năm qua đã tăng hơn 10 lần. Và nếu chỉ tính từ sự kiện Brexit, DRH đã tăng từ mức thấp 55.000 đồng/cp lên mức giá hiện tại 77.500 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 22.500 đồng/cổ phiếu.
Với kế hoạch doanh thu năm 2016 là 350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 67 tỷ đồng, DRH cũng không phải là doanh nghiệp dự kiến có tốc độ tăng trưởng đột biến. Nếu đạt được mốc lợi nhuận như kế hoạch đề ra, EPS của doanh nghiệp này cũng chỉ đạt 1.360 đồng/cổ phiếu. Và với mức giá hiện tại, P/E của DRH sẽ là 84x, quá cao so với trung bình ngành (chỉ trên 10x).
Một điển hình nữa cho sự tăng trưởng vượt mọi dự báo là cổ phiếu C32 của CTCP Xây dựng 3-2. Cách đây 1 năm, giá của cổ phiếu C32 dao động từ 29.000-31.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản giao dịch rất thấp, trung bình khoảng hơn 10.000 đơn vị/phiên. Thời điểm đầu năm 2016, giá của cổ phiếu này cũng không có biến động nhiều và thanh khoản vẫn ở mức thấp. Tuy vậy, trong vài tháng trở lại đây, thanh khoản cổ phiếu này tăng khá mạnh so với trước rất nhiều, mỗi phiên đạt từ 200.000-400.000 đơn vị/phiên với mức giá tăng dần đều.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2016 đạt 19,6 tỷ đồng, giảm gần 8% so với quý 1/2015 (21,3 tỷ đồng). Vậy nhưng giá cổ phiếu C32 vẫn đã tăng hơn 100% so với đầu năm nay, đạt mức hiện tại là 66.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá thấp nhất trong sự kiện Brexit là 49.300 đồng/cổ phiếu, giá C32 hiện đã tăng 16.700 đồng/cổ phiếu sau 10 phiên giao dịch.
Còn khá nhiều cổ phiếu tăng giá phi mã kể từ cách đây một năm và đặc biệt là sau sự kiện Brexit ngày 24/6. Nhưng với một số cổ phiếu tăng “như điên”, trong khi giá trị nội tại doanh nghiệp cũng như sự tăng trưởng của ngành, của toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua, có thể thấy rủi ro đang tiềm ẩn đối với các cổ phiếu này.
Người đồng hành