Tăng phi mã từ đầu năm, tổng giá trị các cổ phiếu họ Viettel và FPT đạt gần 330.000 tỷ đồng, nhiều mã có thị giá 3 chữ số
Đi kèm với diễn biến của cổ phiếu, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến không ít lần "làm mưa, làm gió" của các cổ phiếu cùng "họ". Trong khi đó, cổ phiếu "họ" Viettel, FPT lại có phần ít ồn ào và bền bỉ hơn. Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu thuộc 2 họ này đã liên tục tăng cao, nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử.
Hiện tổng giá trị thị trường của 4 cổ phiếu họ Viettel và 5 cổ phiếu họ FPT trên sàn đạt hơn 328.500 tỷ đồng (13,2 tỷ USD) - tăng 60.000 tỷ so với cuối năm 2023.
Cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm Viettel là cổ phiếu CTR của Viettel Contructions với mức giá hiện tại đang ở mức đỉnh lịch sử là 105.000 đồng/cp. Cổ phiếu CTR đã tăng 52% kể từ tháng 11/2023 tới nay.
Diễn biến cổ phiếu được hỗ trợ tích cực từ tình hình kinh doanh tiếp tục duy trì được tăng trưởng 2 con số. Năm 2023, Viettel Contructions ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 517 tỷ, lần lượt tăng 19% và 13% so với năm 2022.
Chuẩn bị niêm yết trên sàn HoSE, cổ phiếu VTP của Viettel Post đã có đà tăng tích cực từ đầu tháng 11/2023 tới nay và kịp vượt qua đỉnh lịch sử. Theo đó, tính từ đầu tháng 11/2023 đến ngày 29/2, ngày giao dịch cuối cùng trên Upcom, cổ phiếu VTP đã tăng 92% lên mức giá 78.400 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh của VTP cũng khởi sắc sau 2 năm lợi nhuận giảm, năm 2023, Viettel Post ghi nhận doanh thu đạt 19.590 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 35%, lên gần 876 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Viettel Post lãi ròng hơn 380 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022.
Sau khi tăng gấp đôi, từ khoảng cuối tháng 1 đến nay, cổ phiếu VTK đang trong giai đoạn đi ngang, kết phiên 1/3, cổ phiếu VTK đang có giá 41.500 đồng/cp.
Là doanh nghiệp tỷ USD duy nhất trong họ Viettel, diễn biến của cổ phiếu VGI của Viettel Global có phần chậm hơn so với các doanh nghiệp khác. Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, cổ phiếu VGI đã tăng khoảng 40%. Vốn hóa thị trường hiện tại của VGI đạt gần 103.800 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VGI giảm gần 4% đạt 1.485 tỷ đồng.
Đối với họ FPT, 2 doanh nghiệp tỷ USD là FPT và FPT Telecom (FOX) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận "đều như vắt tranh" từ năm 2019 tới nay. Đà tăng của 2 cổ phiếu cũng được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn FOX ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.806 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.428 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 8%.
Cổ phiếu FPT đang thiết lập mức đỉnh mới với mức giá kết phiên 1/3 ở mức 110.800 đồng/cp. Vốn hóa doanh nghiệp đạt hơn 140.700 tỷ đồng.
Còn cổ phiếu FOX sau giai đoạn tăng từ đầu tháng 11/2023, đã đi ngang từ đầu tháng 2 tới nay và đang có mức giá 58.600 đồng/cp.
Cổ phiếu có thị giá cao nhất họ FPT hiện nay là cổ phiếu FRT của FPT Retail. Kết phiên 1/3, cổ phiếu FRT dừng lại ở mức giá 141.000 đồng/cp, tăng khoảng 47% tính từ giữa tháng 11.
Trong bối cảnh ngành ICT còn nhiều khó khăn, động lực tăng trưởng chính của FRT được giới phân tích nhận định đến từ “át chủ bài” Long Châu. Năm 2023 cũng chính là năm đầu tiên doanh thu của Long Châu "vượt mặt" FPT Shop và trở thành một nhân tố "gánh team" cho Công ty. Đi cùng với sự lớn mạnh của Long Châu, cổ phiếu FRT tính đến hiện tại cũng tăng gấp 15 lần thị giá sau 4 năm (kể từ mức đáy thiết lập vào đầu tháng 3/2020).
Cổ phiếu của Chứng khoán FPT (FPTS, mã FTS) cũng đã gây ấn tượng khi tăng đến 81% từ đầu tháng 11 đến nay. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 58.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 12.400 tỷ đồng.
Cổ phiếu FTS tăng mạnh trong bối cảnh tình hình kinh doanh không thật sự khởi sắc. Quý 4/2023, FPTS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 181 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do từ doanh và môi giới kém hiệu quả. Sau khi trừ chi phí, FPTS lãi trước thuế 63,6 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2022.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế luỹ kế cả năm vẫn tăng gần 23% so với năm 2022, đạt gần 542 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Với kết quả đạt được, công ty chứng khoán này đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Khác biệt nhất trong "họ" FPT, cổ phiếu của FPT Online (FOC) bắt đầu khởi sắc từ cuối tháng 11/2023, kể từ đó tới nay, cổ phiếu FOC đã tăng khoảng 26%, mức giá này vẫn cách xa so với vùng đỉnh lịch sử. Vốn hóa thị trường gần 1.500 tỷ đồng, nhỏ nhất trong số các doanh nghiệp "họ" FPT trên sàn chứng khoán.
Lũy kế cả năm 2023, FPT Online ghi nhận doanh thu đạt 620 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng, giảm 54% so với thực hiện năm 2022. Đây là mức lợi nhuận mức thấp nhất của doanh nghiệp này đạt được kể từ năm 2015.