Tăng sản lượng để ‘cứu’ thị trường dầu: UAE nói một đằng, làm một nẻo?
Đại sứ UAE tại Mỹ khẳng định nước này sẵn sàng tăng sản lượng để "cứu" thị trường trong khi nguồn tin từ nội bộ UAE lại phủ nhận thông tin trên.
- 11-03-2022Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng
- 11-03-2022Giá xăng cao kỷ lục trên toàn cầu, các chính phủ hành động khẩn cấp
Thông điệp khó hiểu từ nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 OPEC – Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất về việc liệu nước này có sẵn sàng tăng sản lượng hay không đang gây ra biến động trên thị trường dầu. Trong khi đó, các quốc gia tiêu thụ dầu đang "điên cuồng" tìm kiếm nguồn cung để thay thế dầu của Nga.
Đại sứ UAE tại Mỹ, Yousuf Al Otaiba cho biết hôm 9/3 trong một tuyên bố được đại sứ quán đăng trên Twitter rằng Abu Dhabi ủng hộ việc tăng sản lượng dầu và sẽ thuyết phục OPEC xem xét tăng sản lượng cao hơn.
Tuy nhiên, một nguồn tin tại UAE hiểu rõ về vấn đề này nói với Reuters hôm 10/3 rằng quốc gia vùng Vịnh sẽ không tự hành động để tăng sản lượng và cam kết với chính sách của OPEC+.
OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh của họ, đã đạt được thoả thuận tăng sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày, áp dụng từ tháng 4/2022. Nhóm này đã từ chối tăng thêm sản lượng ngay cả khi giá dầu tăng vọt sau khủng hoảng Nga – Ukraine.
Bình luận của đại sứ UAE lập tức tác động đến thị trường dầu, khiến giá dầu thô Brent giảm mạnh và kết thúc ngày 9/3 ở mức 111,14 USD/thùng, giảm 13% - mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn xuất hiện sau đó khiến giá dầu tăng trở lại mức 116 USD/thùng hôm thứ 5, 10/3.
UAE và nước láng giềng Ả rập Xê út là một trong số ít thành viên OPEC có năng lực dự phòng đủ để tăng sản lượng và bù đắp thiệt hại do nguồn cung thiếu hụt từ Nga hoặc các nước khác.
Nguồn tin giấu tên từ UAE cho biết quốc gia vùng Vịnh đã cam kết với liên minh OPEC+ và chỉ Bộ năng lượng của nước này mới có trách nhiệm liên quan đến các chính sách về dầu mỏ.
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhai al-Mazrouei hôm 9/3 cũng cho biết nước này tin tưởng vào giá trị mà OPEC+ mang lại cho thị trường.
Ả rập Xê út không đưa ra bình luận công khai nào trong khi Iraq cho biết không cần thiết phải tăng sản lượng. Hãng tiếp thị dầu mỏ SOMO thuộc sở hữu của nhà nước Iraq cho biết mức tăng hàng tháng của OPEC+ là đủ để giải quyết bất kỳ sự thiếu hụt tiềm năng nào trên thị trường do cung và cầu đã cân bằng tốt.
Một số quốc gia trong nhóm OPEC+, đặc biệt là các nhà sản xuất châu Phi đã phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch hiện có vì đầu tư thấp và các yếu tố khác.