MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng sức chống chịu của nền kinh tế

Tăng sức chống chịu của nền kinh tế

5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Song tăng sức chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề cấp thiết.

"Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" là chủ đề thảo luận chính của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, Chính phủ phối hợp tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện vừa diễn ra có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với quy mô 600 đại biểu. Chủ đề được đánh giá có giá trị thực tiễn đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.

Thách thức của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới 

Căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới đã khiến giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao.. khiến những mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn tại TP Hồ Chí Minh như trứng, thịt heo... giờ cũng rục rịch tăng giá.

"Hiện nay chi phí logistic tăng đáng kể, cái thứ 2 là chúng tôi mua một số nguyên phụ liệu từ nước ngoài nên cũng gặp khó khăn do chi phí tăng cao", ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cho biết.

Theo giới quan sát, áp lực lạm phát, và sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang ngày càng rõ. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước hiện đã có 135 lượt tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương trên thế giới trong 5 tháng đầu năm... Điều này, cũng tạo ra nhiều tác động tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Tăng sức chống chịu của nền kinh tế - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế về năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu...


Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, bên cạnh những thành tựu phát triển, thì cần nhìn nhận rằng nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế về năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu...

"Về tổng thể cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững. Do vậy dẫn đến bị phụ thuộc; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu; yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng rút ngắn đứng trước nhiều thách thức; năng suất lao động còn thấp so với yêu cầu phát triển", ông Trần Tuấn Anh đánh giá.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các bất cập đã làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, biên độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm.

Động cơ tăng trưởng

Trong hơn 2 năm qua nền kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều cú sốc từ bối cảnh bên ngoài. Việc triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế đã được bàn luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tại Diễn đàn kinh tế. Một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển và vận hành hiệu quả các thị trường quan trọng.

Như nếu ví nền kinh tế như một loại động cơ, thì thị trường vốn chính là nhiên liệu; thị trường lao động, nguồn nhân lực chính là "công tắc", là chìa khóa khởi động động cơ; còn thị trường khoa học công nghệ chính là các giải pháp đổi mới sáng tạo giúp động cơ hoạt động năng suất hơn. Vận hành hiệu quả các yếu tố này, nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững.

Như với thị trường vốn, đến cuối Quý 1 năm 2022, quy mô thị trường vốn đạt 134% GDP năm 2021. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8%; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP.

Còn ngành xây dựng và BĐS chiếm khoảng 11% GDP. Thông qua tín dụng ngân hàng và thị trường vốn, các doanh nghiệp BĐS đã huy động được một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro như lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch, đòi hỏi những giải pháp mới...

"Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập một sàn giao dịch cho trái phiếu phát hành riêng lẻ, đây là điều chúng ta giúp minh bạch hóa và công khai hóa lên, và những vụ việc vừa qua xảy ra đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thì đã bị xử lý nghiêm, đấy là những bài học cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp", ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.

Tăng sức chống chịu của nền kinh tế - Ảnh 2.

Minh bạch trên thị trường vốn là yếu tố rất quan trọng với các nhà đầu tư


Còn theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch FiinGroup, về cơ bản dài hạn, vấn đề minh bạch thông tin là yếu tố quyết định. Mấu chốt là doanh nghiệp chấp nhận minh bạch cái hồ sơ tín dụng của mình trên thị trường và tuân thủ các quy định về mặt công bố thông tin, thay đổi mục đích sử dụng vốn khi công bố thì vẫn có nhà đầu tư theo đuổi và sẵn sàng chấp nhận đầu tư.

Với thị trường khoa học - công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương dẫn kết quả phân tích cho thấy nền kinh tế Việt Nam cơ bản là thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp. Vai trò của khoa học công nghệ trong cơ cấu của TFP - tức năng suất nhân tố tổng hợp - chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn, khoảng 28%.

Trước xu hướng chuyển đổi của thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng phải phát triển ngành công nghiệp nền tảng số, chuyển đổi số ngành sản xuất mạnh mẽ hơn, nắm bắt được "cơ trong nguy" từ đại dịch.

"Khi bà con nông dân bị phong tỏa, thì cách duy nhất để mà tương tác là thông qua môi trường số, các xác minh bằng kỹ thuật số. Từ đó thúc đẩy việc sản xuất nông nghiệp được kết nối trên cùng một nền tảng", ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời

Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam chỉ đạt hơn 0,5% GDP, chưa bằng phân nửa so với trung bình thế giới. Giới chuyên gia kiến nghị, các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, phát triển công nghệ số không nên phân biệt, mà tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tiếp cận

"Việt Nam có lợi thế là đã xây dựng được cơ sở hạ tầng về thông tin truyền thống khá ấn tượng. Bước tiếp theo rất quan trọng là cần khuyến khích khả năng kinh doanh trên môi trường số. Sử dụng các nền tảng này để tạo ra cơ hội cho các ý tưởng kinh doanh đột phá, sản phẩm sáng tạo được ra đời trên thị trường", Tiến sĩ Elisabetta Gentile - Nhà kinh tế học cao cấp, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định.

Trước thực trạng cơ cấu kinh tế Việt Nam có vai trò quan trọng của khối đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi nhóm FDI chi phối 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các chuyên gia đề xuất cần có chính sách ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ... để lan tỏa tốt hơn hàm lượng đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế.

Khuyễn nghị chính sách

Nhận diện được cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, vấn đề quan trọng tiếp theo cần thảo luận là định hướng chính sách để thực thi các giải pháp như thế nào. Tại Diễn đàn Kinh tế, vai trò dẫn dắt quá trình tăng trưởng của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách đầu tư công được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng để tăng tính tự chủ cho nền kinh tế, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục cải cách về thể chế, quản lý dữ liệu, tính minh bạch trong quản trị. Khi nói về thị trường trái phiếu và bất động sản, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề thiếu dữ liệu và khả năng tiếp cận dữ liệu một cách minh bạch tại Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Chính phủ vẫn duy trì việc thực hiện chính sách tài khóa một cách linh hoạt và đảm bảo mức tăng trưởng cao. Chính phủ đang thực hiện 3 đột phá theo Nghị quyết đại hội Đảng 13, đặc biệt là đột phá vào cơ sở hạ tầng như đầu tư vào đường cao tốc, các tuyến đường liên kết vùng kinh tế...

Còn theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam không hề thấp. 5 tháng đầu năm so với cuối năm ngoái đã xấp xỉ 8%, không hề thấp chút nào so với nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ này. Vì vậy với chính sách tiền tệ theo quan điểm của tôi vẫn cần thận trọng.

"Trong thời gian tới để hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế thì ngành ngân hàng: Thứ nhất là triển khai sớm gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Thứ hai là tiếp tục chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa  để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu...", ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng

Tăng sức chống chịu của nền kinh tế - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không theo đuổi đường lối phát triển nền kinh tế "tự cung, tự cấp", mà kiên định lựa chọn là một nền kinh tế mở


Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh trong tình hình chung hiện nay, Việt Nam không theo đuổi đường lối phát triển nền kinh tế "tự cung, tự cấp", mà kiên định lựa chọn là một nền kinh tế mở.

"Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là không lựa chọn nền kinh tế đóng, mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa chủ động tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định điều kiện thuận lợi bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư kinh doanh lâu dài, hiệu quả bền vững, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề thách thức có tính toàn cầu, toàn dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cần phải nhấn mạnh rằng tại Diễn đàn kinh tế năm nay, các đại biểu và đặc biệt là tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Như vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P  đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc. Cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kỳ vọng các chính sách điều hành sẽ thực chất, phát huy tốt hơn nữa lợi thế Việt Nam đang có để đưa nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên